Tăng trưởng tín dụng, chiến lược từng ngân hàng

Lo lắng tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt kế hoạch 12% năm 2013 đã được giải tỏa, khi NHNN vừa công bố tính đến ngày 31-12 -2013, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống đạt 12,51%. Trên cơ sở đó, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2014 vừa ban hành, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 khoảng 12-14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Lo lắng tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt kế hoạch 12% năm 2013 đã được giải tỏa, khi NHNN vừa công bố tính đến ngày 31-12 -2013, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống đạt 12,51%. Trên cơ sở đó, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2014 vừa ban hành, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 khoảng 12-14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc 3 yếu tố chính

Đi kèm với yêu cầu tăng trưởng tín dụng 12-14%, NHNN cũng khẳng định sẽ nhanh chóng xử lý các vướng mắc về chính sách để hoạt động cho vay được thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các NH, hiện tại vẫn duy trì lãi suất trần ngoại tệ để ổn định lãi suất thị trường, tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ NHNN về xu hướng kinh doanh quý I-2014 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam, hầu hết các TCTD kỳ vọng huy động vốn từ nền kinh tế và dư nợ tín dụng của đơn vị mình trong năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013, mức tăng phổ biến từ 10-20%. Trong đó, huy động và dư nợ tín dụng bằng VNĐ được kỳ vọng tăng cao hơn so với ngoại tệ, huy động vốn các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được dự kiến tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài.

Đúng là hiện nay nhận diện khách hàng tốt khó hơn rất nhiều, bởi nếu khách hàng có năng lực kinh doanh tốt nhưng gặp khó khăn trong quá khứ sẽ khó tiếp cận NH. Nhưng nếu NH bỏ qua mất đi cơ hội khơi thông dòng vốn. Cái lo nhất là những khách hàng có tình hình tài chính không đến nỗi, nhưng sắp tới nếu kinh tế có biến động chưa chắc DN đương đầu nổi. Vì vậy, NH đánh giá khách hàng không nên chỉ nhìn về quá khứ hay hiện tại mà phải đánh giá được triển vọng tương lai của nền kinh tế và của khách hàng, xây dựng hệ thống quản lý tín dụng tốt để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay.

Ông Nguyễn Đình Tùng,
Tổng giám đốc OCB

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tín dụng năm 2014 tăng từ 12-14% khả thi hay không tùy thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất,  khả năng phục hồi của doanh nghiệp (DN) trong điều kiện thị trường hiện nay như thế nào. Năm 2013, số DN ngưng hoạt động giảm và đã có khoảng 15.000 DN hoạt động trở lại, nên kỳ vọng số DN phục hồi trong năm 2014 có thể khá hơn.

Thứ hai, xử lý điểm nghẽn nợ xấu năm 2014 tốt khả năng tăng tín dụng có điều kiện. Thứ ba, triển vọng giảm lãi suất trung hạn nếu được mới kích thích các DN đầu tư mới, tạo điều kiện cho những DN lành mạnh vay vốn. Dĩ nhiên, ngoài 3 yếu tố này tăng trưởng tín dụng còn vướng là áp dụng Thông tư 02, vì chuẩn về tín dụng sẽ khắt khe hơn.

Tại Hội nghị tổng kết ngành NH mới đây, không phải tất cả NHTM đều vướng vào Thông tư 02, chỉ một bộ phận các NH nhỏ, bởi Thông tư 02 đưa ra chỉ để xử lý những NH yếu kém, NH khá hơn không ảnh hưởng.

Đồng thời, từ nay đến khi Thông tư 02 thực thi còn gần 6 tháng, đến thời điểm đó, NH cũng đã tái cơ cấu khá nhiều. Hiện các NH đã bán nợ xấu cho VAMC nên cũng thoát nợ tạm thời, VAMC giữ tài sản đó để các NH và DN không vướng, DN cần vay vẫn khai thông được.

Nếu DN có hướng hoạt động tốt, có nhu cầu vay vốn vẫn có nguồn tín dụng cho DN. Hơn nữa, năm 2014, NHNN vẫn tiếp tục đặt trọng tâm cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao nên lượng tín dụng sẽ tăng.

Lạc quan và thận trọng

Về phía các NH, hiện có 2 xu hướng nhìn nhận về tăng trưởng tín dụng 2014: lạc quan và thận trọng. Theo lãnh đạo của Sacombank, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 đạt khoảng 14%, năm 2014 Sacombank đặt mục tiêu sẽ đạt 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng nguồn vốn huy động tăng 18%, tổng dư nợ tín dụng tăng 14-15% và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

VietinBank đưa ra kế hoạch năm 2014 với dự kiến tăng tổng tài sản thêm 10-15%, nguồn vốn huy động tăng 10-15% và dư nợ tín dụng và đầu tư tăng 10-15%, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 3% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10%. Tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết năm 2014 Vietcombank sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng nhưng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17%.

Tư vấn cho khách hàng tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

BaoViet Bank dù dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng hoạt động tín dụng từ 25-30% trên cơ sở có kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro, tập trung vào công tác quản lý nợ.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, nếu nhìn vào góc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tín dụng có nhiều khả năng sẽ tăng trưởng theo định hướng của NHNN, bởi mức tăng trưởng này hợp lý, phù hợp tình hình kinh tế hiện nay, phù hợp để DN phát triển.

Năm 2014, lãi suất cho vay đối với DN nhiều khả năng sẽ ổn định, nhưng các NH sẽ cạnh tranh cũng như với chính sách riêng của từng NH sẽ tiếp tục có những chương trình khuyến mại ngắn hạn diễn ra, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn. Với mức lãi suất cho vay phù hợp, DN sẽ mạnh dạn tiếp cận vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM cho biết, tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 sẽ đạt chưa đến 8%, bởi dự báo nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, ngành NH vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức về các vấn đề còn tồn đọng từ năm 2013, nên NH vẫn còn cân nhắc về chỉ tiêu tín dụng năm 2014.

Hiện nay dòng vốn, thanh khoản của các NH rất tốt, huy động gấp đôi cho vay, dẫn đến thừa vốn trong khi DN thiếu vốn nhưng khả năng tiếp cận lại rất kém. Tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu kéo dài trong thời gian qua khiến trách nhiệm của các NH ngày càng nặng nề, lợi nhuận giảm. Đối với một số NH, nợ xấu đang đeo bám nếu tính theo Thông tư 02 để giải quyết không phải chuyện đơn giản.

Hơn nữa, nhiều DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang vi phạm tiêu chuẩn vay, theo tiêu chí của các NH, DN nào có nợ xấu, nợ thuế hoặc kinh doanh lỗ không được vay, trong khi DN Việt Nam có liên quan đến các vấn đề này gần như phổ biến. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng trong điều kiện phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng là một bài toán khó.

Các tin khác