Tăng lợi nhuận qua phát triển dịch vụ

Tín dụng tăng chậm, NH phải hạ lãi suất để cạnh tranh cho vay khiến lợi nhuận của nhiều NH sụt giảm. Để kéo lại lợi nhuận cũng như giữ vững mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, các NH bắt đầu chú trọng hơn đến mảng dịch vụ, giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng.

Tín dụng tăng chậm, NH phải hạ lãi suất để cạnh tranh cho vay khiến lợi nhuận của nhiều NH sụt giảm. Để kéo lại lợi nhuận cũng như giữ vững mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, các NH bắt đầu chú trọng hơn đến mảng dịch vụ, giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng.

Khởi sắc lợi nhuận dịch vụ

Theo NHNN, tính đến ngày 12-12, tín dụng toàn hệ thống NH tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Báo cáo tài chính quý III của các NH cho thấy nợ xấu vẫn còn cao và thu nhập lãi thuần giảm mạnh nên lợi nhuận cũng bị tác động mạnh. Trong đó, có 9/14 NHTM giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, thậm chí lỗ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện các NH đã giảm mạnh lãi suất cho vay, mức chênh lệch so với huy động chỉ khoảng 1,5-1,7%, thay vì 3-3,5% các NH mới có thể đủ chi phí và bù đắp rủi ro. Hơn nữa, tín dụng lại tăng chậm khiến lợi nhuận nhiều NH sụt giảm mạnh.

Trong bối cảnh tín dụng ảm đạm như vậy, nhiều NH đã đổi hướng chú trọng đến mảng dịch vụ như phát hành tín dụng thư (L/C), thanh toán quốc tế, chuyển tiền dành cho doanh nghiệp; phát hành thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế, chuyển tiền cho khách hàng cá nhân để vực dậy lợi nhuận.

Trong 5 năm tới, các dịch vụ NH, nhất là dịch vụ ưu tiên sẽ ngày càng phổ biến, tỷ lệ thuận với mức độ cạnh tranh giữa các NH cung cấp dịch vụ. Theo đó, NH nào xây dựng chiến lược thích hợp, phù hợp thị hiếu khách hàng, chú trọng cải tiến chất lượng dịch vụ, xây dựng mô hình dịch vụ linh hoạt, chất lượng đẳng cấp sẽ dẫn đầu thị trường.

Ông Nguyễn Minh Tâm,
Phó Tổng giám đốc Sacombank

Ngoài các dịch vụ truyền thống, vài năm trở lại đây, các NH có xu hướng phát triển mạnh mảng bán lẻ và đạt được nhiều kết quả bước đầu. Hiện nay, huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50% và thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm 12-15% tại các NH như Vietcombank, VietinBank.

Các NHTM nhỏ cũng đạt huy động vốn bán lẻ hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2013, đã có 8/14 NHTM tăng trưởng mạnh mảng dịch vụ, đóng góp không nhỏ cho lợi nhuận của NH. Như BIDV, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 92,8% so với cùng kỳ, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 1.791 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank đạt 1.179 tỷ đồng. VietinBank cũng tăng trưởng ấn tượng 26% so với cùng kỳ nhờ lãi từ hoạt động dịch vụ 9 tháng đạt 1.092 tỷ đồng.

Các NHTMCP cũng thu lãi tốt từ mảng này, như Sacombank dù tăng trưởng tín dụng đã vượt chỉ tiêu, nhưng cũng không ngừng đẩy mạnh dịch vụ và đạt kết quả khả quan với lợi nhuận quý III-2013 đạt 301 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 774 tỷ đồng. MB trong 3 quý vừa qua cũng thu được 603 tỷ đồng từ mảng dịch vụ.

Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao về sự phát triển về dịch vụ của các NHTM nước ta. Chẳng hạn mới đây, Robb Report, tạp chí chuyên cung cấp thông tin uy tín trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đã công bố danh hiệu “NH của năm” trong khuôn khổ giải thưởng thường niên “Best of the Best Awards 2013” được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, dành cho dịch vụ NH cao cấp Sacombank Imperial của Sacombank.

Trong khi đó, SeABank được Global Banking & Finance Review trao giải thưởng “NH có dịch vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam 2013”; OceanBank nhận giải thưởng “NH có sản phẩm dịch vụ sáng tạo nhất Việt Nam 2013” do ASEAN Banker Forum bình chọn…

Chuyển đổi để phát triển

Theo các chuyên gia, trong điều kiện nền kinh tế đang mở cửa, tự do hóa thương mại và tài chính đang được thực hiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ NH của doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân sẽ ngày càng gia tăng. Do vậy, hầu hết NH quốc tế rất chú trọng đến phát triển dịch vụ, với hy vọng mảng này sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng lợi nhuận thu được.

Tuy nhiên, nhiều NHTM trong nước thừa nhận trong thời điểm hiện nay không còn dễ thu lời từ tín dụng, do chênh lệch huy động và cho vay từ 5-6% đã giảm xuống 1-1,5%. Vì thế, để cạnh tranh cho vay, nhiều NH phải cân đối để đưa ra các gói vay ưu đãi với lãi suất bằng lãi suất huy động.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết theo chuẩn mực của các NH lành mạnh, lợi nhuận từ tín dụng chỉ ở mức 50-55%, phần còn lại thu từ dịch vụ như chuyển tiền, phát hành thẻ, du học, mua bán vàng, ngoại tệ, mở L/C…

Tuy nhiên, giống như các NHTM khác, 70-80% lợi nhuận của Eximbank phụ thuộc vào tín dụng, nên tới đây, Eximbank xác định sẽ phát triển theo hướng ổn định và chuyển dịch, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng. Hiện nay, Eximbank đã mở thêm một số phòng, ban liên quan đến dịch vụ, như trung tâm thẻ Eximbank và sắp tới sẽ khai trương trung tâm kinh doanh vàng, bộ phận NH điện tử (E-Banking), nhằm đưa các dịch vụ NH thông qua internet banking, mobile banking đến tận tay người sử dụng.

Sự cạnh tranh trong mảng dịch vụ của các NH được thể hiện qua việc tung hàng loạt dịch vụ mới cùng mức phí hấp dẫn. Tuy nhiên, lãnh đạo một NHTMCP cho biết muốn có được lợi nhuận, ngoài mảng dịch vụ cần phát triển các hoạt động khác, đồng thời phải đầu tư sâu rộng các lĩnh vực liên quan.

Khó khăn đặt ra là mảng tín dụng là một trong các nội dung cơ cấu lại các TCTD trong đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu các NHTM phải từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.

Trong khi đó, chỉ những NH lớn mới có nguồn thu cao từ dịch vụ bởi có tiềm lực tài chính và đầu tư khá lâu, nay đến kỳ hái quả. Còn những NH nhỏ quy mô hạn chế, liên kết chưa rộng rãi nên đầu tư còn bị lỗ, nên lợi nhuận vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng. 

Các tin khác