Rủi ro rình rập chất lượng tín dụng

(ĐTTCO) - 9 tháng năm 2018, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như tại các NHTM tăng chậm hơn so với cùng kỳ, và nhiều NH cũng đang chuyển đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tích cực hơn. Tuy vậy, trước diễn biến nợ xấu tăng mạnh trở lại, bài toán quản chặt hơn nữa chất lượng tín dụng tiếp tục được đặt ra.

Cơ cấu lại tín dụng
Theo báo cáo tài chính quý III-2018, dư nợ tín dụng sau khi trừ đi giá trị khoản vay đã đáo hạn của LienVietPostBank trong kỳ chỉ tăng ròng 670 tỷ đồng so với quý II. Sở dĩ dư nợ quý III tăng chậm do room tín dụng của NH đã gần đầy, trong khi theo Chỉ thị của NHNN ban hành vào tháng 8 nêu rõ sẽ không nới thêm room như các năm trước. Cụ thể, tính đến 30-9, cho vay khách hàng đã tăng 14,5% so với đầu năm, lên hơn 115.200 tỷ đồng. Trước đó, NH cũng đã chủ động hạ 1/3 mục tiêu lợi nhuận. Bù lại, NH đẩy mạnh tăng trưởng mảng dịch vụ với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong đó quý III đóng góp hơn một nửa. 
Tại MB, so với quý III, cho vay khách hàng của NH mẹ giảm 0,7%, cho vay của công ty chứng khoán MB tăng 17,8%,  và cho vay khách hàng của MCredit cũng tăng khoảng 46% so với quý II. Lũy kế 9 tháng, tín dụng tăng trưởng 11,2%, trong khi 6 tháng đầu năm đã tăng là 11%. Như vậy, cho vay khách hàng hợp nhất trong quý III không tăng. Đổi cho phần tăng trưởng chậm này, NH tìm thêm lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh thu từ các nguồn khác, thể hiện qua mức tăng mạnh của lãi từ dịch vụ (từ 1.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.688 trong năm nay), dịch vụ thanh toán và tiền mặt (tăng 36% đạt lãi 468 tỷ đồng)…
Rủi ro rình rập chất lượng tín dụng ảnh 1 Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank. 
Trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng 9 tháng VPBank đạt 211.092 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, nhưng lãnh đạo NH cũng cho biết, trước yêu cầu của Chính phủ và NHNN về việc tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và kiểm soát trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, VPBank đã chủ động điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng cũng như cơ cấu lại danh mục của NH, cả FE Credit (công ty tài chính do VPBank nắm giữ 100% vốn điều lệ) để phù hợp với hạn mức tín dụng đã được NHNN cho phép trong năm 2018, và linh hoạt đáp ứng với sự thay đổi của thị trường. 
Tại Techcombank, cho vay khách hàng đến cuối quý III chỉ tăng 3,8% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tín dụng trong nhóm thấp nhất hệ thống NH. Với diễn biến này, các chuyên gia phân tích nhận định, có vẻ Techcombank đã tập trung chính vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp.
Nhưng vẫn tăng nợ xấu
Mặc dù đang cơ cấu tín dụng được điều chỉnh theo hướng tích cực trong thời gian qua, nhưng trong kỳ báo cáo lần này của các NH, nợ xấu lại tăng lên khá mạnh. Nằm trong nhóm các NH có tỷ lệ cho vay khách hàng thấp nhưng lại có một nghịch lý là tỷ lệ nợ xấu Techcombank tăng 33% sau 9 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm. 
Tại MB, tổng nợ xấu cuối tháng 9 là 3.218 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên mức 1,57% cuối tháng 9-2018. VPBank cũng ghi nhận 9.400 tỷ đồng nợ xấu, tăng 50% so với đầu năm. Nợ xấu tại Saigonbank cuối tháng 9 là 885 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm, chiếm 6,4% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, trong khi đầu năm chỉ ở mức 3%. 
Tại 2 NH lớn là BIDV và Vietcombank, do tổng dư nợ lớn nên xét về tỷ lệ, con số không lớn, lần lượt là 1,75% và 1,18%. Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, tại thời điểm 30-9, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm, tương đương tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ xấu của Vietcombank tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên hơn 7.400 tỷ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 4.578 tỷ đồng.
Đối với hoạt động tín dụng của các NH, gần đây NHNN cũng vẫn đang “canh cánh” nỗi lo về những rủi ro cho các NH trong thời gian tới. Cụ thể, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với NH, do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường BĐS còn hạn chế, dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng... 
Đối với các dự án BOT, BT giao thông, các TCTD có thể gặp rủi ro trong dài hạn do việc thu hồi vốn vay đối với các dự án giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn. Hay tín dụng phục vụ đời sống tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.

Bài toán quản lý chất lượng
Theo số liệu của Tổng tục Thống kê, tính đến ngày 20-9-2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,02% của cùng kỳ năm 2017 là 11,02%, và cũng thấp hơn mức tăng 10,46% của cùng kỳ năm 2016. Còn số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, đến ngày 4-10, tín dụng tăng 9,89% so với cuối năm 2017. Cùng với diễn biến từ các NHTM có thể nói, dòng tín dụng đang có xu hướng điều chỉnh lại sau khi NHNN nghiêm khắc yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. 
NHNN cũng công bố sẽ thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào các lĩnh vực nói trên cùng với lĩnh vực cho tiêu dùng. Đồng thời, cơ quan này khẳng định sẽ không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM, trừ trường hợp đặc biệt. Nếu phát hiện NH nào không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nợ xấu tăng cho thấy nhiều khoản vay rủi ro vẫn còn hiện hữu, cần phải quản chặt hơn. Nhất là khi NH  muốn cơ cấu tín dụng nhưng đây mới chỉ mang tính “tình thế”. Năm nay, do gánh nặng cân đối nguồn tín dụng để cho bảo đảm nhu cầu đầu tư và tăng trưởng giảm xuống, nên room tín dụng mà NHNN giao cho NHTM cũng co hẹp lại, dẫn đến việc các NH phải thay đổi trong chiến lược, cân nhắc hơn về đối tượng và điều kiện được vay. 
Ngoài ra, xu hướng cho vay thay đổi còn chịu tác động từ những yếu tố thị trường. Chẳng hạn Techcombank đang tập trung vào đầu tư trái phiếu DN và tăng trưởng cho vay mua nhà chậm xuất phát từ nguyên nhân thị trường nhà thiếu nguồn cung. Trường hợp điều kiện nguồn tín dụng phải tăng trưởng mạnh để đáp ứng yêu cầu về vĩ mô, cũng khó khẳng định các NH giữ được định hướng như đang làm trong quý III. Do đó, cơ quan quản lý nên nắm bắt cơ hội hiện tại, dựa vào sự thay đổi tình thế của NH để tiếp tục ép vào khuôn khổ. 
 NHNN tăng cường quản lý, yêu cầu đảm bảo an toàn tín dụng và giám sát chất lượng để khoản vay đến đúng địa chỉ. Các tiêu chuẩn của Basel II cũng phải sớm được áp dụng để các NH nghiêm túc tuân thủ vấn đề quản lý chất lượng cho vay. Có như vậy, các NH mới có động lực để điều chỉnh dài hạn, bơm tín dụng vào những lĩnh vực trọng điểm, hạn chế đưa vốn vào những lĩnh vực rủi ro, từ đó giảm áp lực về nợ xấu.

Các tin khác