“Quả bom” Libra thách thức NHTW các nước

(ĐTTCO) - Mấy ngày qua, thị trường đang sửng sốt với  ý tưởng đồng tiền điện tử Libra của Facebook, một tài sản kỹ thuật số do Facebook xây dựng, hoạt động dựa trên một phiên bản blockchain. Với đồng tiền này, Facebook sẽ cho phép người dùng mua đồ hoặc gửi tiền cho mọi người với mức phí gần như bằng không. 

Theo đó, bạn có thể mua hoặc trả tiền cho Libra trực tuyến, hoặc tại các điểm trao đổi địa phương như cửa hàng tạp hóa và sử dụng ứng dụng ví của bên thứ ba, hoặc ví Calibra của Facebook, được tích hợp vào WhatsApp, Messenger và ứng dụng riêng của Facebook. 

Ngân hàng Trung ương Libra
Theo tuyên bố, giá trị Libra được gắn với một rổ tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, cho một loạt các loại tiền tệ quốc tế ổn định trong lịch sử bao gồm USD, bảng Anh, Euro, Franc Thụy Sĩ và đồng Yên Nhật.
Hiệp hội Libra duy trì rổ tài sản này và có thể thay đổi số dư của thành phần nếu cần thiết, nhằm bù đắp biến động giá lớn ở bất kỳ một ngoại tệ nào để giá trị của một Libra luôn ổn định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết: “Tôi rất hoan nghênh sự xuất hiện của đồng tiền này, với điều kiện Facebook thực hiện đúng lời hứa của họ là bảo vệ giá trị Libra bằng tài sản vật chất, chứ không như Bitcoin chỉ là một thuật toán, không có tài sản bảo đảm.
“Quả bom” Libra thách thức NHTW các nước ảnh 1
Libra , cũng như các đồng tiền điện tử khác có thể được sử dụng rộng rãi, không chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ (CSTT) của bất kỳ ngân hàng trung ương (NHTW) nào, và nó sẽ dựa trên cung-cầu của thế giới chứ không phụ thuộc vào mục tiêu điều hành của quốc gia phát hành và các quốc gia sử dụng đồng tiền đó như USD”.
Tin tức cho biết, hiện Facebook đã tuyển dụng các thành viên sáng lập của Hiệp hội Libra. Mỗi thành viên sáng lập đã trả tối thiểu 10 triệu  USD để tham gia và trở thành nhà điều hành node hợp lệ (nhiều hơn về sau), giành được 1 phiếu trong HĐQT của Hiệp hội Libra, và được hưởng một phần (tương ứng với khoản đầu tư của họ) cổ tức từ tiền lãi kiếm được từ người dùng sử dụng Libra.
Hiệp hội Libra vẫn đang đưa ra giá trị chính xác cho Libra chứ không phải dựa trên một đồng tiền truyền thống đang giao dịch. Như vậy, Hiệp hội Libra về cơ bản sẽ giống như một NHTW được điều hành bởi tư nhân.
Liệu các chính phủ có khoanh tay?
 Mặc dù lãnh đạo Facebook khẳng định “không tạo ra nó với mục đích thay thế các NHTW lớn", nhưng cách thức và tham vọng của Facebook muốn trở thành "gã khổng lồ" trong ngành tài chính đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nhà làm chính sách Mỹ và châu Âu.
Họ đang yêu cầu giám sát kỹ những rủi ro đối với mạng xã hội hơn 2,38 tỷ thành viên, khi phát hành tiền điện tử trong một lĩnh vực có quy định lỏng lẻo và khả năng chống lại sự giám sát. Những cáo buộc hướng vào Facebook vẫn xoay quanh vấn đề chính là sự an toàn cho thông tin riêng tư của người dùng.
Vài giờ sau khi Facebook công bố kế hoạch phát triển tiền ảo Libra, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã dội gáo nước lạnh vào kế hoạch này, khi cho rằng không nên coi Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Europe 1, người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp nhấn mạnh, Libra "không thể và không được" trở thành một loại tiền tệ hợp pháp. Người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp kêu gọi lãnh đạo trong nhóm G7 sớm thiết lập một diễn dàn để đánh giá tác động rủi ro của đồng tiền kỹ thuật số Libra với nền tài chính toàn cầu. Cuộc gặp dự kiến có lãnh đạo các NHTW và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong khi đó, Markus Ferber, một thành viên của Nghị viện châu Âu, cảnh báo Facebook có thể trở thành một "ngân hàng vô hình" với kế hoạch tạo ra tiền ảo. "Việc Facebook xâm nhập vào lĩnh vực tiền điện tử là một lý do chính đáng để các cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý phù hợp điều chỉnh hoạt động của tiền ảo" - Ferber nhận xét.
Nếu Facebook thành công với Libra, các thành viên sáng lập khác của Hiệp hội Libra có thể kiếm được cổ tức lớn từ tiền lãi. Và nếu việc mua hàng hóa qua Facebook bằng Libra trở nên siêu nhanh, các doanh nghiệp sẽ tăng chi tiêu quảng cáo của họ ở đó.
Nhưng nếu Libra bị tấn công hoặc chứng minh không đáng tin cậy, nó có thể khiến nhiều người trên thế giới phải trả giá trong khi làm họ thất vọng về tiền điện tử. 
Và Facebook chỉ biện minh: Năm tới, chúng ta sẽ xem màn biểu diễn của “Hiệp hội Libra”, hiệp hội các ông trùm giàu có nhất thế giới.
 Cách đây 20 năm, trên chuyến bay từ Los Angeles đến New York, tôi có đọc bài báo trên một tạp chí, tác giả dự báo rằng trong tương lai lượng tiền phát hành và lưu thông trên toàn cầu sẽ lớn khủng khiếp, gấp hàng ngàn lần hiện nay. Đến lúc đó,  tất cả chủ quyền tiền tệ  sẽ bị xóa bỏ. Không ngờ, với viễn cảnh phát hành Libra, dự đoán đó đã thành hiện thực. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Các tin khác