Nợ xấu: Mua dễ, bán khó

Không thể phủ nhận sự tham gia của Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) nợ xấu của các NH đã được khoanh vùng, tránh sự đổ vỡ hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng... Song đằng sau việc mua nợ bằng trái phiếu của VAMC là xử lý nợ xấu, bán nợ, thu hồi nợ thông qua đấu giá tài sản đảm bảo... khi thiếu hành lang pháp lý để triển khai.

Không thể phủ nhận sự tham gia của Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) nợ xấu của các NH đã được khoanh vùng, tránh sự đổ vỡ hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng... Song đằng sau việc mua nợ bằng trái phiếu của VAMC là xử lý nợ xấu, bán nợ, thu hồi nợ thông qua đấu giá tài sản đảm bảo... khi thiếu hành lang pháp lý để triển khai.

Hơn 60% nợ xấu bảo đảm bằng bất động sản

Đến hết tháng 9, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua hơn 21.000 khoản nợ với tổng giá trị lên đến 224.000 tỷ đồng từ 39 TCTD. Song lũy kế 3 năm qua tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC chỉ đạt 14.800 tỷ đồng, khoảng 6,6% tổng số nợ đã mua vào. Có thể nói tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC rất thấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, nguyên nhân do thiếu hành lang pháp lý về xử lý, mua bán nợ xấu, thanh lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu. Trong khi đó các khoản nợ xấu từ NH được VAMC mua có nhiều doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh mất vốn, thua lỗ nhưng có tài sản đảm bảo.

Cũng theo ông Hùng, tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC trong 9 tháng năm 2015 đã cải thiện: mua vào 82.155 tỷ đồng và thu hồi được 9.827 tỷ đồng, gần 12% tổng số nợ mua vào. Cả năm 2015, VAMC đặt mục tiêu thu hồi 10.000 tỷ đồng nợ xấu trên cơ sở phân loại đánh giá các khoản nợ, kết quả đến cuối tháng 9 thu được 9.800 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm nay VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt với 80.000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm đã phát hành được 82.155 tỷ đồng. VAMC đã xây dựng tiếp kế hoạch phát hành thêm trái phiếu đặc biệt với 18.000 tỷ đồng để mua nợ xấu từ nay đến cuối năm, nhằm đưa nợ xấu hệ thống NH về 3% vào cuối 2015.

Lo lắng của VAMC hiện nay là tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu bằng bất động sản. Tổng số 224.000 tỷ đồng nợ gốc được VAMC mua vào có tổng giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay lên đến 330.000 tỷ đồng, trong đó tài sản đảm bảo bằng bất động sản 218.000 tỷ đồng (60% tổng giá trị đảm bảo), tài sản trên đất 29.600 tỷ đồng, còn lại là các tài sản đảm bảo khác.

Nhìn vào phân loại tài sản đảm bảo có thể thấy rằng tất cả các khoản nợ xấu VAMC mua vào đều có khả năng phát mại. Với tài sản quyền đòi nợ 80.155 tỷ đồng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ tổng nợ xấu mà VAMC đã mua vào.

Loay hoay bán nợ

Dù Chính phủ đã trao cho VAMC nhiều quyền thông qua Nghị định 34/2015/NĐ-CP, nhưng thực tế Việt Nam lại chưa có thị trường mua bán nợ. Người đại diện VAMC cho biết đến nay thị trường mua bán nợ chỉ có Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản AMC của các TCTD.

VAMC mua nợ về không có đầu ra, trong khi DATC không đủ lực để mua, còn các AMC không thể mua những khoản nợ mà VAMC đã mua từ chính các TCTD sở hữu các AMC.

Do vậy, nếu không có thị trường mua bán nợ, VAMC mua nợ để thực hiện chủ trương bán theo giá thị trường của NHNN sẽ rất khó. Bởi không có người mua lại nợ VAMC buộc phải bán đi giá trị tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu để cân đối, trong khi việc bán giá trị tài sản đảm bảo thường thấp hơn giá trị khoản nợ.

Mặt khác, khi VAMC mua nợ phải có trách nhiệm kế thừa thanh toán cả gốc lẫn lãi cho các TCTD, trong khi muốn bán tài sản đảm bảo nợ xấu VAMC phải miễn giảm phần lãi suất khách hàng đã vay NH vì giá trị tài sản tính theo nợ gốc. VAMC sẽ tiến hành miễn giảm lãi vay thế nào cho khách hàng đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý thực hiện.

Hay như việc thu hồi nợ thông qua bán tài sản đảm bảo để phát mại cũng đang gây khó khăn với VAMC. Bởi muốn bán theo cơ chế thị trường căn cứ vào giá trị khoản nợ mua vào để VAMC bán đấu giá, nhưng thủ tục thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo rất phức tạp.

Thương hiệu một thời gắn với tên tuổi đại gia đã đi vào quá khứ. Ảnh: V. DŨNG

Thương hiệu một thời gắn với tên tuổi đại gia đã đi vào quá khứ. Ảnh: V. DŨNG

Lo ngại nợ xấu quay trở lại

Đối chiếu kinh nghiệm xử lý nợ xấu quốc tế trước đây và Việt Nam hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng về cơ bản quá trình tái cơ cấu NH của Việt Nam tuân theo thông lệ quốc tế, chỉ khác biệt là Việt Nam không để xảy ra đổ vỡ hệ thống NH và không sử dụng ngân sách nhà nước. Trong khi chi phí tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu tại Thái Lan khoảng 20% GDP/năm, Philippines khoảng 15%/năm…

Hay như Việt Nam còn một số khó khăn, thách thức trong xử lý nợ xấu như môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố đầu vào - đầu ra; môi trường pháp lý chưa hoàn thiện; và nguyên nhân xuất phát từ chính người vay vốn, sử dụng vốn sai mục đích, lừa đảo, gian lận, phía NH đánh giá tài sản đảm bảo cao, không kiểm tra, quản lý tài sản đảm bảo theo quy định.

TS. Lê Thanh Tâm (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm: “Thời gian qua VAMC được cho là cứu cánh để xử lý nợ xấu. Nhưng qua khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, hiện nhiều NHTM đã bày tỏ lo ngại khả năng tái nợ xấu sau 5 năm nữa. Quá trình bán nợ cho VAMC hiện nay chỉ làm cho NHTM tạm thời ngủ yên không phải lo nợ trước mắt.

Thẳng thắn nhìn nhận cơn bão nợ xấu có thể đã đi qua, nhưng hệ thống NH vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong xử lý nợ. Hiện còn nhiều tranh cãi về con số tỷ lệ nợ xấu 3% và quá trình xử lý nợ xấu đã theo thông lệ quốc tế chưa”.

Các tin khác