Nợ xấu được kiểm soát nhưng chưa thoát

Hiện nay việc xử lý nợ xấu của NH đã phần nào thuận lợi hơn kể từ khi VAMC ra đời, các NH đã nhanh chóng bán nợ để làm sạch bản cân đối tài sản. Tuy nhiên, nếu không xử lý triệt để các khoản nợ xấu, sau 5 năm các khoản nợ đó sẽ được trả lại cho NH và vòng luẩn quẩn nợ xấu được đánh giá sẽ phức tạp hơn.

Hiện nay việc xử lý nợ xấu của NH đã phần nào thuận lợi hơn kể từ khi VAMC ra đời, các NH đã nhanh chóng bán nợ để làm sạch bản cân đối tài sản. Tuy nhiên, nếu không xử lý triệt để các khoản nợ xấu, sau 5 năm các khoản nợ đó sẽ được trả lại cho NH và vòng luẩn quẩn nợ xấu được đánh giá sẽ phức tạp hơn.

Các NH đã sử dụng VAMC như công cụ đắc lực trong việc xử lý nợ xấu, nhất là những NH đang tái cơ cấu trong thời kỳ hậu sáp nhập, hợp nhất. Nhờ VAMC các NH này đã nhanh chóng giải quyết được khoản nợ xấu lớn. SHB, SCB, Navibank… là điển hình khi đã bán một khối lượng lớn nợ xấu cho VAMC để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn dưới 3%.

Theo đó, SCB đã bán 6.000 tỷ đồng nợ xấu vào cuối năm 2013, SHB cũng xử lý gần xong 1.800 tỷ đồng nợ xấu sau khi sáp nhập thêm Habubank, Navibank cũng bán nợ xấu để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Ngay cả những NH lớn như Sacombank, Agribank… cũng tìm đến VAMC để làm sạch bản cân đối kế toán. Cụ thể, trong năm qua dù nợ xấu vẫn được kiểm soát dưới 2%, nhưng nợ nhóm 4-5 của Sacombank tăng mạnh nên NH này đã bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tính chung, trong năm 2013 các TCTD trên địa bàn TPHCM đã bán nợ cho VAMC số tiền 12.300 tỷ đồng. NHNN chi nhánh TPHCM cho biết đang yêu cầu các NH trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để bán nợ xấu cho VAMC được thuận lợi, nhanh nhất.

Bán nợ xấu NH chưa hẳn trút được gánh nặng, bởi nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC không được xử lý triệt để, NH buộc phải nhận lại và trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC. Vòng luẩn quẩn nợ xấu bắt đầu lại từ đầu, cho dù mỗi năm NH phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt khi bán nợ xấu. Vì thế, việc bán nợ xấu cho VAMC hiện nay cũng chỉ nhằm xử lý kỹ thuật và mua thời gian, đặc biệt với những NH vừa sáp nhập và đang tái cơ cấu.

Theo các chuyên gia, để giải quyết được đầu ra khoản nợ xấu VAMC đã mua vào đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua bán nợ. Có như vậy VAMC mới mong xử lý hiệu quả núi nợ xấu hiện nay đang tắc vì nhiều thủ tục pháp lý. Nếu không nó chỉ là biện pháp “giảm đau tạm thời”.

Cần thiết hình thành thị trường mua, bán nợ và mở cửa cho nước ngoài tham gia. Vì thực lực của các công ty mua bán nợ tại Việt Nam hiện không đủ sức xử lý khoản nợ xấu lên đến 14 tỷ USD. Với nguồn vốn lớn, kinh nghiệm hàng chục năm phát triển thị trường mua bán nợ, nhà đầu tư ngoại sẽ là những đối tác tham gia hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam.

Nhưng để hình thành thị trường mua, bán nợ khi chưa có hành lang pháp lý về việc xử lý rõ ràng, cộng với những khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ là rào cản lớn đối với việc hình hành thị trường này. Mặt khác, vẫn còn có quá nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ để có thể thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố then chốt vẫn là về giá. Thực tế, thời gian qua VAMC đã mua nợ xấu của các NH với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10% nên bán lại cho nhà đầu tư ngoại không hẳn dễ. Bởi thông thường khi mua nợ sẽ mua với giá hợp lý, giá rẻ sau đó mới dễ dàng bán lại.

Trong khi VAMC đã mua nợ xấu với giá trị khoảng 70-80%. Như vậy không thể nói là mua nợ xấu mà là mua một tài sản bình thường. Do đó, nếu sau khi thị trường mua bán nợ hình thành, VAMC có nhu cầu bán lại nợ xấu đã mua chưa hẳn đã hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Nhưng nếu chấp nhận bán lỗ cũng rất khó vì chưa hẳn NHTM (con nợ) đã chấp nhận bán nợ xấu lỗ.

Navibank đã kiểm soát được nợ xấu, nhưng để thoát được khối nợ này vẫn không dễ.

Navibank đã kiểm soát được nợ xấu, nhưng để thoát được khối nợ này vẫn không dễ.

Bên cạnh đó, muốn có thị trường mua bán nợ phải có người mua, người bán, có khuôn khổ pháp lý tốt cho thị trường hoạt động. Đặc biệt, muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ, khuôn khổ pháp lý phải tạo thuận lợi cho họ. Đặc biệt vấn đề trần tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp, nhất là đối với các NH cũng như việc sở hữu tài sản tại Việt Nam, trong đó phải kể đến bất động sản.

Theo đó, cần rà soát và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các TCTD. Môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, thủ tục nhanh chóng, đơn giản mới thu hút được nhà đầu tư ngoại tham gia.

Trong khi VAMC chưa có hướng ra cho các khoản nợ xấu đã mua, tình hình nợ xấu của NH dù được kiểm soát nhưng vẫn chưa thoát. Tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã giảm khá mạnh, chỉ còn 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%.

Các tin khác