NHNN: Không có ưu đãi lãi suất cho BĐS

(ĐTTC) - Trước những thông tin trái chiều về gói tín dụng liên kết 4 nhà khơi thông thị trường vật liệu xây dựng, tác động tích cực lên bất động sản (BĐS) do NH xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh triển khai mới đây, chiều 4-4, NHNN đã chính thức phát đi thông cáo nói rõ về chương trình tín dụng liên kết 4 nhà mà NHNN đang xây dựng hoàn toàn khác với gói 50.000 tỷ đồng này.

NHNN sẽ có gói liên kết 4 nhà

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng việc thị trường BĐS đóng băng trong thời gian dài đã tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế có liên quan, gây khó khăn cho các ngành VLXD, thất nghiệp, nợ xấu tăng cao và thanh khoản BĐS giảm làm NH khó cho vay; thị trường mất cân đối cung cầu dẫn đến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận với nhà ở…

Trong khi đó, BĐS có quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tín dụng, xây lắp, vật liệu xây dựng, lao động...  nên tác động trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.

Trước những khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có tháo gỡ khó khăn, giảm tồn kho cho lĩnh vực BĐS. NHNN và Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp cho một số đối tượng, với mức lãi suất ưu đãi 5%/năm.

Những chính sách của Chính phủ bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên thị trường vẫn gặp khó khăn. Thứ nhất do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Chính sự thiếu tin tưởng này đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán VLXD, thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ, thanh toán tiền xây dựng và VLXD…) của thị trường BĐS gặp khó khăn. Nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực BĐS có xu hướng giảm vào cuối năm 2013, nhưng vẫn ở mức cao.

Để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng/BĐS, theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), vai trò của các NHTM đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Do đó, NHNN cũng đang chủ trương nghiên cứu đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà. Theo đó, các NH ký hợp đồng liên kết 4 bên với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát được dòng vốn an toàn, hiệu quả.

NHNN: Không có ưu đãi lãi suất cho BĐS ảnh 2

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng VNCB công bố nói riêng và chương trình tín dụng bốn nhà mà NHNN đang nghiên cứu triển khai thí điểm hoàn toàn khác và không liên quan đến chương trình hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng xét về các mặt như cơ chế tín dụng, nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay, đối tượng khách hàng.. Nhưng cả 2 chương trình tín dụng đều có điểm chung là cùng hỗ trợ thị BĐS, hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho đối với vật liệu xây dựng, giải quyết nợ xấu đúng theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP.NHNN: Không có ưu đãi lãi suất cho BĐS ảnh 3

Thông cáo của NHNN

Sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà mà NHNN đang nghiên cứu triển khai được thực hiện với một số mục tiêu chính như: góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho BĐS, hàng tồn kho vật liệu xây dựng.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp dự án có đủ vốn để triển khai, hoàn thành đúng tiến độ… phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động NH.

Qua đó, củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra 5 “yên tâm” trong xây dựng cơ bản: NH yên tâm cấp tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm góp vốn.

Từ đó, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, tiết kiệm nguồn vốn cho vay đối với công trình, dự án đầu tư, nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, tiêu cực.

Theo NHNN, việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, tạo niềm tin trên thị trường để thúc đẩy các giao dịch kinh tế trong hoạt động đầu tư - xây dựng - kinh doanh BĐS, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho VLXD, BĐS. Phạm vi áp dụng của chương trình sản phẩm tín dụng 4 nhà NHNN nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực BĐS mà áp dụng chung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.

Hiệu quả thay vì tên gọi

Đánh giá về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng do VNCB công bố, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng việc VNCB công bố chương trình tín dụng theo chuỗi liên kết 4 nhà phối hợp cùng các NHTM là một định hướng phát triển rất có ý nghĩa đối với việc hỗ trợ thị trường BĐS và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc VNCB hợp tác cùng NH nào, với số tiền bao nhiêu là tùy thuộc vào thỏa thuận của VNCB với các ngân hàng khác. VNCB chỉ cho vay 10.000 tỷ đồng trong ‘gói tín dụng này, tương tự mức VNCB đã đăng ký với NHNN: tổng cộng tài trợ 33 dự án tương đương 10.715 tỷ đồng.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, về bản chất, đây là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng thương mại tự huy động để cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đây là dự kiến của VNCB, thể hiện quyết tâm của VNCB trong việc tiên phong cùng một số NH khác triển khai sản phẩm tín dụng 4 nhà. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng (như dự án, phương án SXKD phải khả thi, hiệu quả; khách hàng có khả năng trả nợ...) khả năng huy động vốn của NH và thỏa thuận của VNCB với các NH khác trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan đến toàn bộ quá trình liên kết. Không một tổ chức hay cá nhân nào có lợi thế độc quyền, cơ chế đấu thầu trong xây dựng cơ bản thực hiện theo quy định hiện hành.

Vì vậy, việc cho vay của VNCB nói riêng và chuỗi liên kết 4 nhà của các NH nói chung thực hiện như thông thường; chỉ khác ở chỗ trước đây từng NH cho vay rời rạc đối với từng chủ thể còn nay có sự liên kết giữa các NH và các chủ thể để kiểm soát dòng tiền sử dụng đúng mục đích, tạo lập lại niềm tin trong lĩnh vực xây dựng. NHNN khuyến khích các NHTM thực hiện cho vay thông qua chuỗi liên kết 4 nhà cũng như nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu.

Trả lời báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng nêu quan điểm, NHNN ủng hộ việc hình thành và triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà mà VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đã làm. Theo ông Thanh, nếu thực hiện được mô hình này sẽ tạo điều kiện quản lý tốt dòng tiền đưa vào lĩnh vực xây dựng và BĐS. Thứ hai, nếu mô hình được làm tốt thì sẽ tiết giảm phần nào vốn tín dụng cho xã hội vì việc cho vay chồng lấn sẽ giảm đi. Thứ ba, khi triển khai cho vay khép kín trong chuỗi sẽ khiến công nợ trong xây dựng cơ bản giảm xuống, các bên tham gia như nhà thầu, chủ đầu tư sẽ tiết giảm được phần nào chi phí và có cơ hội giảm giá đầu ra, kích thích việc bán sản phẩm BĐS và trả nợ NH.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Thanh, để làm tốt được điều này đòi hỏi VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh phải liên kết với các bên khác nữa. Nhưng việc họ thỏa thuận được với NH nào, kêu gọi được NH nào tham gia vào chuỗi này NHNN không can thiệp. Vì thực tế mỗi NH đều có sức khỏe riêng. Tham gia hay không tham gia, nguồn vốn tham gia nhiều hay ít là tùy thuộc vào việc cân đối nguồn vốn của họ, song vẫn phải đảm bảo được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng của từng NH và của toàn hệ thống.

Đây thuần túy là việc cho vay theo phương thức kinh doanh bình thường của các NH nên gọi là “Gói 50.000 tỷ” chỉ là cách gọi cho có cái tên, quan trọng hơn vẫn chính là triển khai chuỗi này như thế nào để đem lại hiệu quả cao.

Các tin khác