Nhà băng Việt ra nước ngoài còn yếu thế

(ĐTTCO) - 9 tháng năm 2018, lĩnh vực tài chính NH dẫn đầu về vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm. Tuy nhiên, so với cộng đồng doanh nghiệp (DN), các NH mới tập trung khai thác và phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, do còn vướng rào cản về khả năng cạnh tranh và chi phí, nên sự hiện diện của NH Việt chưa rộng, chưa sâu.
Đổ xô khai thác thị trường Lào
Hơn 1 năm sau khi được NHNN chấp thuận, Vietcombank đã chính thức khai trương NH con 100% vốn tại Lào. Đây là lần đầu tiên Vietcombank thiết lập hoạt động kinh doanh trực tiếp tương đối đầy đủ và toàn diện tại một thị trường nước ngoài. Theo lãnh đạo Vietcombank, Lào là đất nước phù hợp để nhà băng lựa chọn mở rộng hoạt động kinh doanh với chiến lược và tầm nhìn đến năm 2020. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 9 tháng năm nay, NH Việt đầu tư ra nước ngoài đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư. Trong đó, 2 thị trường được đầu tư nhiều nhất là Lào và Campuchia. Điều này cho thấy Lào đang là thị trường hấp dẫn đối với các NH Việt.
Thực ra, đối với thị trường Lào, NH đầu tiên đặt chân đến là Sacombank. Hiện Sacombank Lào có 1 hội sở, 4 chi nhánh trực thuộc tại các thành phố trọng điểm của Lào, với quy mô tài sản đạt 151,3 triệu USD. Trong năm 2017, Sacombank Lào tăng trưởng khá tốt dù nền kinh tế quốc gia này gặp một số khó khăn. Theo đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 33,1 triệu USD, tăng hơn 12%; cho vay khách hàng đạt 87,6 triệu USD, tăng hơn 21%; lãi trước thuế đạt 1,37 triệu USD, tăng 53% so với năm trước. Giữa năm nay, NH đã tăng cường nhân sự cho Sacombank Lào. Cụ thể, ông Trịnh Văn Tỷ đã thôi chức Phó tổng giám đốc Sacombank để tập trung công tác tại vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank Campuchia và Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank Lào. 
Không kém cạnh, VietinBank Lào trong năm 2017 cũng đạt nhiều thành tích đáng kể, như tổng tài sản đạt gần 315 triệu USD, trong đó dư nợ khách hàng chiếm 64% tổng tài sản; dư nợ cho vay đạt hơn 203,6 triệu USD, tăng 29% so với cuối năm 2016, đạt 103% so với kế hoạch. Hoạt động thu phí dịch vụ của NH đạt 937.000USD, tăng 46% so với năm 2016; lợi nhuận nội bộ trước thuế gần 4,7 triệu USD, đạt gần 112% kế hoạch năm 2017. SHB Lào cũng thắng lớn khi lợi nhuận trước thuế năm ngoái đã vượt chỉ tiêu gần 110%, doanh số kinh doanh ngoại tệ vượt chỉ tiêu 150% và tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,35%.
Nhà băng Việt ra nước ngoài còn yếu thế ảnh 1 Vietcombank khai trương hoạt động NH TNHH Ngoại thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank Lào). 

Chưa theo kịp chân DN
Hiện nay, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), CTCP Hoàng Anh Gia Lai... Thị trường đầu tư của các DN cũng dần mở rộng, như Vinamilk đã xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Campuchia… 
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, điều kiện hội nhập của Việt Nam rất lớn. Khi hội nhập, nếu DN có nhu cầu đầu tư ở đâu, NH cũng theo để hỗ trợ. Đây cũng là xu hướng chung của các NH trên thế giới. Với sự hiện diện tại Lào, lãnh đạo Vietcombank cho biết NH tận dụng mạng lưới khoảng 40 DN khách hàng của Vietcombank, với 46 dự án đầu tư sang Lào (tổng quy mô vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD). Tiếp đó, NH sẽ nhắm vào khoảng 200 DN Việt đang đầu tư tại Lào và sẽ mở rộng một phần ra các DN và cá nhân tại Lào.  
Tuy nhiên, có thể nói đầu tư ra nước ngoài của các NH mới theo kịp chân DN ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, nhiều DN đã đầu tư ra khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, dù NH có đi theo nhưng hiệu quả tại đây không cao. Các chuyên gia cho rằng, đối với các nước ASEAN, nhờ cam kết hội nhập Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC), nên việc đầu tư vào các nước trong khu vực thuận lợi hơn. Còn các thị trường lớn khác đòi hỏi tính cạnh tranh, sự minh bạch cao, nên một số NH đã đặt văn phòng đại diện nhưng không tạo ra dấu ấn. Ngoài ra, các thị trường châu Âu hay Hoa Kỳ đòi hỏi NH phải đầu tư nguồn lực do chi phí hoạt động rất cao, cũng là rào cản để mở rộng hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một NHTM, chia sẻ dù cơ hội hội nhập đang mở ra, nhưng để bước chân vào các thị trường lớn, NH Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, vì quy mô và kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nước ngoài vẫn còn ít. Kể cả đang đầu tư mạnh như Lào, các NH Việt Nam cũng chịu áp lực lớn khi cạnh tranh lớn, khi nhiều NH đến từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc cũng tham gia. Nguyên nhân, NH Việt đầu tư vốn tương đối lớn, nhưng khả năng cạnh tranh thấp so với các NH nước ngoài, nhất là các nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, các NH Việt Nam cùng hoạt động trên thị trường Lào cũng tự tạo ra sức ép cạnh tranh lẫn nhau. 
 Muốn phát triển tín dụng ở các thị trường quốc tế, NH Việt phải có các phương thức phòng chống rủi ro, phân tích đối tượng vay, rủi ro quốc gia. Do đó, đầu tư ra các thị trường lớn ngoài khu vực Đông Nam Á, các NH Việt Nam cần chuẩn bị tốt các phương án đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và có hiệu quả.

Các tin khác