M&A ngành ngân hàng sẽ sôi động

(ĐTTCO) - Mấy năm qua, thị trường M&A (mua bán, sáp nhập) trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm lắng. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2019 cũng như thời gian tới, tài chính - ngân hàng kỳ vọng sẽ là ngành thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Hấp dẫn vốn ngoại
Mặc dù được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng từ năm 2011 đến nay, chỉ có 6 tổ chức tín dụng Việt Nam được mua lại. Tuy nhiên, tại Diễn đàn M&A 2019 vừa qua, các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, lợi thế về dân số sẽ là cơ hội để dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, từ đó sẽ thúc đẩy thị trường M&A trong ngành này phát triển.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, Việt Nam có dân số đông và trẻ, các nhu cầu về dịch vụ y tế, giáo dục, bán lẻ, tài chính - ngân hàng... là rất lớn nên các lĩnh vực này luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong đó, M&A trong ngành ngân hàng đã diễn ra ngay từ đầu của quá trình tái cơ cấu và hiện vẫn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. 
M&A ngành ngân hàng sẽ sôi động ảnh 1 Giao dịch tại CBBank. Ảnh: HUY ANH
Cùng với đó, những tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, hiện đang hoạt động tích cực trở lại, cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, nhất là khi Chính phủ và NHNN đã “bật đèn xanh” cho các tổ chức tài chính quốc tế tham gia tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng này.
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng 3-2019, lãnh đạo Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn được tham gia cơ cấu lại CBBank, hướng đến đưa ngân hàng này thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản. Không chỉ J Trust mà Tập đoàn Clermont (Singapore) cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank.
Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài khác đang đàm phán mua lại GPBank. Sau khi NHNN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng Oceanbank theo hướng chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, Tập đoàn Maruhan (Nhật Bản) cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng trong việc tham gia tái cơ cấu Oceanbank, cũng như một số ngân hàng khác. 
Cơ quan Xúc tiến đầu tư - thương mại Hàn Quốc (Kotra) cho biết, sau thương vụ Ngân hàng KEB HANA (Hàn Quốc) chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần của BIDV mới đây, Hàn Quốc có 5 ngân hàng đang tìm cơ hội xúc tiến M&A với các ngân hàng nước ngoài, trong đó thị trường Việt Nam được các ngân hàng này đặc biệt quan tâm.
Sau khi bán 3% vốn cho 2 đối tác Singapore và Nhật Bản là GIC Private Limited và Mizuho Bank, Vietcombank đã lên phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020, nhiều nhà đầu tư ngoại đang xem xét đổ vốn vào ngân hàng này bất chấp room ngoại ở các ngân hàng trong nước hiện vẫn được NHNN giữ quan điểm giữ ở mức tối đa là 30%.
Cần nới room ngoại 
Mặc dù có nhiều điều kiện để thị trường M&A ngành ngân hàng phát triển, nhưng hoạt động này vẫn chưa thể bứt phá vì còn nhiều rào cản. Một trong những nguyên nhân chính được ông Nguyễn Phi Lân, Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (NHNN), nhận diện đó là tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng còn bị hạn chế.
Hiện room ngoại tại các ngân hàng quốc doanh cũng như ngân hàng thương mại cổ phần hầu hết đã kín vì quy định tối đa tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%. Còn đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu cổ phần/nhà đầu tư không được vượt quá 20% vốn điều lệ. Riêng đối với các ngân hàng yếu kém, mặc dù Chính phủ đã “bật đèn xanh” nhà đầu tư ngoại mua 100% vốn, song đến nay, vẫn chưa có thương vụ nào thành công. 
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chỉ ra một số yếu tố làm giảm sức hút của thị trường M&A, đó là các quy định pháp luật, quá trình định giá và công bố thông tin giá luôn là rào cản dẫn đến các thương vụ M&A không thành công. Do đó, muốn thu hút nhà đầu tư ngoại, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, quy định của Việt Nam về M&A phải tiệm cận những thông lệ quốc tế.
Về việc này, TS Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng hiện có nhiều cách tính giá cho thương vụ M&A, như dựa vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tính dòng tiền chiết khấu, xu hướng tương lai và nhiều giá trị vô hình khác. Còn giá ở mức nào phù hợp là do thỏa thuận của hai bên mua và bán.
Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, quan trọng nhất vẫn là nhìn vào triển vọng phát triển tương lai của ngân hàng. Ngoài ra, một số yếu tố cộng hưởng khác tạo thêm chất xúc tác cho hoạt động này cũng rất cần thiết, như triển vọng kinh tế nói chung, vĩ mô, sự minh bạch trong hoạt động ngân hàng, room nhà đầu tư nước ngoài sẽ được quyết ở mức nào…
“Do sự nhạy cảm của lĩnh vực tài chính ngân hàng, việc nới room ngoại sẽ phải thận trọng trên cơ sở đánh giá tổng thể vai trò cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Trước xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc giới hạn room ngoại có thể linh hoạt hơn”, TS Võ Trí Thành đề nghị. 
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, đề xuất room ngoại của các ngân hàng trong nước cần được điều chỉnh từ mức 30% như hiện nay lên 49%, mới tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động vốn ngoại.
 Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới; đồng thời, theo lộ trình của NHNN từ nay đến năm 2020, có khoảng 14 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II và lộ trình tiếp theo sẽ được áp dụng đối với tất cả các ngân hàng, nên áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng là không nhỏ. Vì thế, việc tìm kiếm đối tác ngoại luôn được các ngân hàng quan tâm, sẽ thúc đẩy M&A ngành ngân hàng sôi động trong thời gian tới.

Các tin khác