Lãi suất sẽ phân hóa mạnh

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (NVV) nên phải đối diện nhiều khó khăn, rủi ro. Theo khảo sát của các công ty chứng khoán, 80% các DN mới thành lập không thể tồn tại quá 2 năm, nguyên nhân phần lớn xoay quanh nguồn vốn. 

Trong bối cảnh các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, sự ra đời của các gói vay ưu đãi từ những ngân hàng thương mại là giải pháp tài chính tối ưu hỗ trợ và đồng hành cùng DN.

Lãi suất sẽ phân hóa mạnh ảnh 1Nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai những gói tín dụng ưu đãi và lãi suất sẽ có sự phân hóa giữa các đối tượng vay

 Mở rộng sản xuất kinh doanh nhờ vốn rẻ


Một DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các loại máy bơm, van, ống công nghiệp tại huyện Bình Chánh cho biết, sau khi tiếp cận được vốn vay tín chấp ở mức 2 tỷ đồng, trong năm 2018, doanh thu công ty đã tăng từ 40 tỷ đồng đến hơn 47,5 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty Thép không gỉ Hiệp Lực (huyện Hóc Môn) cũng cho biết, thời gian qua, nhờ tiếp cận được vốn ngân hàng, đặc biệt là các gói vay vốn lãi suất ưu đãi, DN có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh nên doanh thu công ty đã tăng lên 1 - 2 tỷ đồng/tháng. Từ đầu năm 2019, DN này mạnh dạn vay gói tín dụng 1.000 tỷ đồng “Đồng hành cùng bạn phát triển bền vững” của Ngân hàng Bản Việt với lãi suất vay từ 8,5%/ năm, và được tăng hạn mức cho vay vốn lưu động từ 5 tỷ lên 8,2 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng kinh doanh. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, việc các ngân hàng đưa ra giải pháp các gói tín dụng ưu đãi trên đã góp phần đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 2,28%, chủ yếu được tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Mặc dù kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2019 chỉ ở mức 14%, nhưng lãnh đạo NHNN khẳng định nếu cần thiết có thể linh hoạt tăng lên, chứ không chốt cứng ở mức 14%. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất quan trọng nhưng không có nghĩa là không mở rộng cho vay. Điều quan trọng là các ngân hàng phải đáp ứng đủ vốn cho sản xuất kinh doanh, cho vay đúng và trúng đối tượng nhằm tạo ra sản phẩm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, để đẩy mạnh vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại hiện đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các DNNVV. Ví dụ như Sacombank vừa triển khai gói cho vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7%/năm; Ngân hàng Bản Việt có gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm;  HDBank đang có gói tài trợ chuỗi kinh doanh xăng dầu với tổng vốn lên tới 5.000 tỷ đồng… Không chỉ hỗ trợ vốn giá rẻ, để giúp các DNNVV trong việc tối ưu hóa chi phí hoạt động, từ nay đến cuối năm, tất cả DN chi lương qua tài khoản NamA Bank sẽ được miễn phí chi lương, phí quản lý tài khoản và duy trì số dư tối thiểu, miễn phí đăng ký và phí sử dụng gói Combo, miễn phí sử dụng dịch vụ thu hộ qua eBanking… 

Khó giảm thêm
 
Bên cạnh các gói vay ưu đãi, theo định hướng giảm lãi suất của Thủ tướng Chính phủ cũng như NHNN, ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, không nên kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm trên diện rộng, vì mặt bằng lãi suất như hiện nay đang ở mức phù hợp, nếu ngân hàng nào có điều kiện thì giảm thêm. Theo vị này, hiện các ngân hàng thương mại đã trên lộ trình tuân thủ những quy định khắt khe hơn, như chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn. Tiếp đó là đáp ứng chuẩn Basel II về đảm bảo an toàn vốn. Cùng với đó, trừ các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động hiện vẫn được các ngân hàng huy động khá cao, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, hiện huy động ở mức trên 8%/năm các kỳ hạn dài, thậm chí lên đến 8,5% - 8,7%/năm, cùng nhiều chương trình cộng thưởng lãi suất. “Các ngân hàng khó có cơ hội giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang đứng ở mức cao như hiện nay. Ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng là đảm bảo các quy định về an toàn vốn, hoạt động lành mạnh”, vị này nhấn mạnh.

Không chỉ có sự phân hóa lãi suất huy động giữa các ngân hàng mà theo các chuyên gia trong ngành, việc NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng sẽ khiến lãi suất cho vay bị phân hóa mạnh giữa các nhóm khách hàng. Bởi lẽ, các ngân hàng phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trên dư địa tín dụng hạn hẹp được giao, bằng cách lọc khách hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết mặt bằng lãi suất cho vay năm 2019 vẫn giữ như năm 2018, không có nhiều biến động, nhưng sự phân biệt lãi suất giữa các đối tượng DN khác nhau sẽ rất rõ rệt, dựa theo mức độ rủi ro của mỗi DN. “Chính vì thế, sẽ có DN được vay với lãi suất 6%/năm, nhưng sẽ có DN phải vay với mức lãi suất 11%/năm, thậm chí còn cao hơn”, ông Tùng cho hay.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết trong quý 1-2019, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6% - 9%/năm, 9% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Cùng với đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt. Sự ổn định tỷ giá cũng là những yếu tố góp phần giữ ổn định về mặt lãi suất trong thời gian tới.

Các tin khác