ĐHCĐ Eximbank 2018: Nóng chất vấn vụ mất tiền và bất ngờ nhân sự HĐQT

(ĐTTCO) - Sáng nay (27-4) tại TPHCM, Eximbank đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) với 2 vấn đề nóng được quan tâm là vụ việc mất tiền và vấn đề bầu nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT).
ĐHCĐ Eximbank 2018: Nóng chất vấn vụ mất tiền và bất ngờ nhân sự HĐQT

Cổ đông bức xúc về 2 vụ việc mất tiền

Tại ĐHCĐ, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã có báo cáo chi tiết gửi tới cổ đông về các vụ việc khiếu nại lớn chưa được xử lý là vụ khách gửi 50 tỷ đồng vào PGD Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng vào Eximbank chi nhánh TPHCM. HĐQT Eximbank đánh giá 2 vụ việc trên có tính chất tương đồng.

Về vụ việc của bà Chu Thị Bình, Eximbank cho biết xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ qua điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền tiết kiệm theo yêu cầu của bà Bình. Hai bên hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chờ phán quyết của tòa, Eximbank vẫn có thiện chí để cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý và phù hợp quy định của pháp luật.

Song song đó, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát lại huy động vốn trong toàn hệ thống, kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài 2 trường hợp nói trên. Eximbank cũng rà soát và cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống, đặc biệt là khách hàng có thể kiểm tra tiền gửi qua internet banking, mobile banking, SMS; xác thực việc ủy quyền bằng vân tay, luân chuyển cán bộ nội bộ.

Dù vậy, liên quan đến vụ việc, các cổ đông cũng bức xúc đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Eximbank và hỏi lãnh đạo NH có nghĩ đến chuyện từ chức hay không. Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc NH, cho biết cách đây 2 năm khi được nhận nhiệm vụ, ông đã cam kết sẽ đưa hoạt động NH trở lại bình thường và đến nay đã hoàn thành nhiệm vụ này. Theo đó, ông Quyết đã chính thức có ý kiến với HĐQT nên tìm kiếm tổng giám đốc mới phù hợp với chiến lược của NH. Còn ông Trần Lê Quyết đã đại diện Ban kiểm soát nhận trách nhiệm và cho biết không thể phát hiện ra sự việc vì chữ ký của khách hàng là chữ ký thật. Sự việc đã xảy ra từ giai đoạn 2010–2016 và Ban kiểm soát cũng đã kiến nghị với Ban điều hành sửa đổi các quy định giao dịch chặt chẽ hơn như dùng vân tay để giao dịch. Ông Trần Lê Quyết cam kết với cổ đông sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự.

Người cũ NamABank ứng cử vào HĐQT

Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự HĐQT cũng là điểm nóng trong ĐHCĐ của Eximbank. Trước đây, trong nghị quyết ĐHCĐ bất thường năm, NH đã thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) là 11 thành viên, trong đó tối thiểu có 1 thành viên HĐQT độc lập. Đến ngày 9-1-2018, HĐQT thông qua Nghị quyết 23 của Eximbank về việc thông báo và lấy ý kiến cổ đông đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung làm HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020).

Trong tài liệu gửi tới cổ đông công bố trên website, HĐQT cho biết từ ngày 21-2 đến 7-3, NH đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng cử viên tham gia bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank, trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin đã nộp năm 2017 trong khi NH chỉ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đại hội, Eximbank lại thông báo, NHNN chỉ chấp thuận 1 người trong số 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank. Trong tài liệu gửi cổ đông tại đại hội còn có nội dung ngày 26-4, NH đã nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng viên về việc không tham gia ứng cử vào HĐQT nên Eximbank đề nghị cổ đông bầu cử bà Tú vào HĐQT.

Mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ đồng

Năm nay, Eximbank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 178.000 tỷ, tăng 19% so với năm 2017, huy động vốn tăng 26% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng. HĐQT Eximbank cho biết, sau khi trừ đi các khoản bán cổ phiếu, lợi nhuận từ hoạt động bình thường năm 2017 đạt 650 tỷ đồng. Năm 2018, NH đặt mục tiêu lợi nhuận là 1.600 tỷ đồng nhưng trong đó bao gồm cả 521 tỷ đồng từ việc bán phần vốn tại Sacombank. Trừ đi phần này, lợi nhuận từ kinh doanh của NH dự kiến thực hiện trong năm 2018 là hơn 1.000 tỷ đồng. Từ mức 650 tỷ đồng năm nay lên hơn 1.000 tỷ đồng là một con số không thấp.

Liên quan đến hoạt động NH, các cổ đông đã đặt câu hỏi HĐQT sẽ làm gì để đưa Eximbank trở lại. Theo lãnh đạo NH, về quy mô, trước đây, Eximbank từng đứng ở vị trí thứ 5, thứ 6, đến năm 2015 – 2016 xuống vị trí thứ 15, nhờ chặn được sự suy giảm về thị phần nên giữ vị trí thứ 13 vào năm 2017.

HĐQT Eximbank đã thông qua kế hoạch chiến lược, kế hoạch tái cấu trúc New Eximbank đến 2020 với các điểm mấu chốt như tập trung xử lý tồn đọng, đưa về chuẩn của NH bình thường; chặn đà giảm của thị phần để nâng thị phần lên nhóm 10 NH hàng đầu; cải tổ toàn bộ hệ thống nội bộ để lành mạnh hóa, minh bạch hóa; cấu trúc lại toàn bộ tài sản theo hướng bền vững, an toàn… Đến 2020, nếu tăng trưởng tổng tài sản đạt mức 20-25%, Eximbank sẽ trở lại top 10 NH hàng đầu, song đây cũng là một mục tiêu khá khó khăn.

Các tin khác