Đẩy mạnh tái cấu trúc chiều sâu

Sau hơn 2 năm tiến hành tái cấu trúc, hệ thống NHTM vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề như tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu mới giải quyết bước đầu và chưa đánh giá được kết quả. Chia sẻ với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng năm 2014, chính sách phải tiếp tục linh hoạt và lường trước những hạn chế, nguy cơ có thể xảy ra.

Sau hơn 2 năm tiến hành tái cấu trúc, hệ thống NHTM vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề như tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu mới giải quyết bước đầu và chưa đánh giá được kết quả. Chia sẻ với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng năm 2014, chính sách phải tiếp tục linh hoạt và lường trước những hạn chế, nguy cơ có thể xảy ra.

Xử lý sở hữu chéo

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu NHTM nói riêng đã xác định được hướng đi, nhưng xem ra việc triển khai vẫn rất chậm. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Nghị quyết Trung ương 3 đã nêu rõ 3 lĩnh vực ưu tiên tái cấu trúc từ 2011-2015 là đầu tư công, NHTM và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sau hơn 2 năm thực hiện, NHTM đã có những động thái khá tích cực và bước tiến đáng ghi nhận.

Để đánh giá kết quả này phải đặt tình hình của hệ thống NH nước ta vào cuối năm 2011. Khi tiến hành tái cấu trúc, các NHTM đứng trước những thách thức đổ vỡ, mất thanh khoản một bộ phận và vấn nạn nợ xấu.

Do đó, quá trình tái cấu trúc phải làm sao chặn đứng nguy cơ đổ vỡ bộ phận dẫn đến đổ vỡ hệ thống, trong đó xử lý những NH yếu kém, mất thanh khoản, thậm chí mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, quá trình tái cấu trúc thực hiện trong hoàn cảnh cả hệ thống lâm vào nợ xấu.

Cho đến nay, hệ thống NH đã sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại những NH yếu kém. Cụ thể, yêu cầu của tái cấu trúc trong giai đoạn đầu là xử lý ngay tình trạng nguy cơ đổ vỡ của các NH, giải quyết thanh khoản và tình trạng chạy đua lãi suất do mất thanh khoản, giảm số lượng NH, xây dựng một số NH có quy mô lớn hơn, có sức cạnh tranh lớn hơn trong khu vực.

Tư vấn cho khách hàng tại MB. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng tại MB. Ảnh: LONG THANH

- Theo ông, hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam thời điểm này nên đi theo hướng nào?

- Mục tiêu tái cấu trúc NHTM đặt ra là đúng, cứ kiên trì và khuyến khích các NH sáp nhập trên tinh thần tự nguyện. Đối với các trường hợp NH mất vốn chủ sở hữu cần có sự hợp nhất bắt buộc để nhanh chóng giải quyết tình trạng đó. Một thực trạng cần kiên quyết xử lý là tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM. Đây là rủi ro rất lớn, gây mất an toàn hệ thống.

Theo đó, trong quá trình tái cấu trúc, yêu cầu cấp thiết là phải xử lý vấn đề sở hữu chéo, đặc biệt mối quan hệ giữa NH với các công ty con có liên quan ở các dạng khác nhau; xử lý tình trạng tín dụng “thân hữu” giữa các NHTM với các công ty dưới nhiều dạng khác nhau.

Đây là điểm làm cho tính minh bạch của NHTM giảm trong thời gian qua. Một vấn đề nữa là do quá trình phát triển NHTM quá nhanh, nên đội ngũ cán bộ quản lý nhiều NH không đáp ứng nhu cầu cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Nói nôm na, nhân sự của NHTM cũng phải tính toán trong quá trình tái cấu trúc chứ không chỉ vấn đề tiền. Đó là những yêu cầu phải làm ngay.

Khắc phục hạn chế bán nợ xấu

- Nhiều ý kiến cho rằng NH bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) là giải pháp tốt nhất, vừa làm sạch bảng cân đối kế toán vừa tạo điều kiện tái cơ cấu. Nhưng nợ xấu vẫn chưa tìm được đầu ra, chuyển từ chỗ này sang chỗ khác?

Với lộ trình sau hơn 2 năm thực hiện, việc tái cấu trúc NHTM đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tái cấu trúc như đề ra còn đến 2 năm nữa, tức đến năm 2015 và từ nay đến đó không chỉ là hợp nhất hay sáp nhập mà còn phải tiến hành nâng cao chất lượng hoạt động, tính bền vững của hệ thống NH. Đồng thời, đẩy nhanh việc xử lý tình trạng nợ xấu của toàn hệ thống. Đây là thách thức lớn trong thời gian còn lại.

- Việc xử lý nợ xấu được tiến hành nhiều cách. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, tự mình xử lý nợ xấu bằng nguồn lợi nhuận của mình. Thứ hai, hệ thống phải tự thực hiện quá trình cơ cấu lại nợ đối với một số khách hàng và thu hồi nợ.

Thứ ba, bán nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, mức độ giảm nợ xấu hiện nay theo công bố là nhờ trích lập dự phòng rủi ro và cơ cấu lại nợ. Còn số nợ xấu bán cho VAMC mới khởi động vài tháng nay và cũng chỉ mới chuyển được nợ xấu từ NH sang tổ chức mới là VAMC, chưa xử lý được tài sản gắn với nợ xấu.

Đây là điều bắt buộc phải làm trong thời gian tới. Bán nợ xấu cho VAMC có mặt tích cực là giải quyết phần nào khó khăn của NH về nợ xấu, có thể tạo điều kiện cho người mắc nợ tiếp tục vay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay bởi nó đã được chuyển cho VAMC, nên khó có thể vay vốn lại được. Đó là điểm hạn chế cần có giải pháp khắc phục.

Linh hoạt chính sách tiền tệ

- Thông thường cuối năm là thời điểm kích tín dụng, nhưng đến nay vẫn khó triển khai vì không có người đáp ứng điều kiện vay. Theo ông có nên áp tăng trưởng tín dụng cho các NHTM? Chính sách tiền tệ cuối năm 2013 và năm 2014 nên như thế nào?

- Việc tăng tín dụng tùy thuộc khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Nhưng hiện nay điểm nghẽn tín dụng và nợ xấu chưa giải quyết được căn cơ, thị trường còn gặp khó khăn. Do vậy, tình trạng thừa tiền thiếu vốn vẫn tiếp tục. Quan điểm của tôi là không nên quá vội vã vì chỉ tiêu tăng tín dụng mà đưa những khoản tín dụng dưới chuẩn, vì điều này sẽ dẫn tới nguy cơ tái lập tình trạng nợ xấu.

Vì thế, chính sách tín dụng tiền tệ linh hoạt trong lúc này phải thực hiện theo hướng NHTM tiếp cận khách hàng một cách chủ động, tích cực hơn, tức phải có niềm tin để ưu tiên tín dụng với những khách hàng vay có thể tạo ra nguồn lợi để trả nợ cũ.

Nghĩa là không nên để doanh nghiệp phá sản vì đang vướng nợ xấu, vướng điều kiện dẫn đến thiếu tín dụng, trong khi doanh nghiệp đó có thị trường, nếu có tín dụng  sẽ phát triển tốt. Hiện nay, một số NHTM khá tích cực về phát triển dịch vụ bán lẻ tiếp cận doanh nghiệp, nhưng cần phải tích cực hơn nữa.

Về chính sách tiền tệ, từ nay đến năm 2014 và sau đó không có gì thay đổi lớn. Tuy nhiên, chính sách linh hoạt phải bám sát một số vấn đề.

Đó là không tăng tín dụng ào ạt, vượt sức hấp thụ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khả năng giảm lãi suất nhiều hơn nữa cũng khó, bởi hiện nay lãi suất đối với những doanh nghiệp có điều kiện làm ăn tốt có thể chấp nhận được, còn với những doanh nghiệp khó khăn, rủi ro cao phải chịu lãi suất cao hơn.

Lãi suất huy động hiện nay đã dưới mức chỉ số lạm phát, do đó về cơ bản nó không có thay đổi lớn. Chính sách về tín dụng năm tới cũng sẽ ở mức như hiện nay và tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở mức 12-14%, vì khả năng hấp thụ năm 2014 không lớn hơn năm 2013.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác