CB đã hồi phục, ổn định

(ĐTTCO) - Cuối năm 2017, trong buổi làm việc với NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, CB đang dần đi vào quỹ đạo ổn định, từng bước vượt qua khó khăn. 
Trao đổi với ĐTTC, ông Đàm Minh Đức, Tổng giám đốc CB cho biết, sau 3 năm chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, CB đã duy trì và củng cố hoạt động NH ổn định, gia tăng niềm tin của khách hàng, quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng, thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu tính đến thời điểm 30-11-2017…
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, kết quả tái cơ cấu giai đoạn 1 và chuẩn bị tái cơ cấu giai đoạn 2 của CB như thế nào?
Ông ĐÀM MINH ĐỨC: - Nếu như giai đoạn 1 đảm bảo ổn định hệ thống, đưa CB trở lại đúng quỹ đạo hoạt động của một NHTM thuộc sở hữu Nhà nước, CB đã đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Thứ nhất, CB đã giữ vững ổn định trong toàn bộ hệ thống NH, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng đối với hoạt động của CB. Quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 5-3-2015. Số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động cho vay, sau khi được NHNN cho phép triển khai cho vay trở lại, CB đã triển khai cho vay đa dạng các sản phẩm tín dụng mới đối với cá nhân (cho vay mua xe ô tô, cho vay xây mới, mua nhà ở/đất ở, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh, bảo lãnh trong nước…). Riêng năm 2017, CB đã dành nguồn vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Thứ hai, về công tác xử lý, thu hồi nợ, tính đến thời điểm 30-11-2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ), nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng của CB trong nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ do đặc điểm các khoản nợ xấu của CB rất phức tạp, liên quan đến các vụ án, tài sản bị kê biên…
CB đã hồi phục, ổn định ảnh 1 Khách hàng giao dịch tại CB. 
Thứ ba, sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong đề án tái cơ cấu sau khi được phê duyệt. Trong đó, về nhân sự CB đã sàng lọc, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc mới cùng với nguồn nhân lực có chất lượng từ Vietcombank tham gia quản lý, điều hành.
Về chính sách, CB hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro, xây dựng hoàn chỉnh các quy định, quy trình hoạt động. CB cũng chủ động triển khai thành công một số dự án hiện đại hóa trong hoạt động cho vay và điều hành hoạt động NH như phần mềm quản lý cho vay, giải pháp quản trị văn phòng điện tử, hệ thống kiểm soát chi phí tự động, quản trị rủi ro để nâng cấp, cải thiện hạ tầng công nghệ.
- Một số NHTM cho biết từ khi có Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, việc xử lý nợ xấu của họ đã dễ thở hơn. Vậy với CB thì sao?
- Vấn đề này rất khó để đánh giá chung cho tất cả các NH. Vì chất lượng nợ, đối tượng nợ của các NH khác nhau, nên cách thức triển khai đôi khi có sự khác biệt và do đó sự đánh giá tác động cũng khác nhau.
Thực ra, những quy định trong Nghị quyết 42 có thể khả thi trong điều kiện xử lý nợ thông thường. Còn tại CB như tôi đã nói, với đặc điểm các khoản nợ xấu của CB rất phức tạp, hầu hết liên quan đến các vụ án hình sự, tài sản bị kê biên… nên kết quả xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ và kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
- Thời gian qua sự hỗ trợ của NHNN và Vietcombank cho CB?
- Sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại, để có được sự ổn định và những kết quả bước đầu như hiện tại, CB luôn được sự chỉ đạo sát sao của NHNN, sự hỗ trợ từ Vietcombank.
Ngày 18-12 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc với cán bộ nhân viên CB tại Long An, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã biểu dương những nỗ lực, sự đoàn kết, trách nhiệm của tập thể CBNV CB, đồng thời ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của Vietcombank cho CB trong thời gian qua. Đối với CB, sự hỗ trợ của Vietcombank như một người anh lớn.
Cùng với việc cử đội ngũ chất lượng từ Vietcombank tham gia quản lý, điều hành CB, Vietcombank còn hỗ trợ nhiều mặt như các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ khách hàng và hỗ trợ về nguồn vốn trong trường hợp cần thiết.
- CB đã bước qua giai đoạn khó khăn, vậy ông có đề xuất gì để hoạt động tái cơ cấu của NH đạt được bước tiến nhanh hơn trong những năm tới?
- Đúng là thời điểm khó khăn nhất đã qua, kể từ khi NH chính thức chuyển đổi thuộc sở hữu Nhà nước. Đến nay CB đã duy trì và củng cố hoạt động NH ổn định với nhiều kết quả bước đầu khả quan.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn chồng chất, đặc biệt là chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có rất nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Tháng 11-2017, Luật Các TCTD bổ sung, sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15-1-2018.
Đây là điểm mấu chốt có tính chất quyết định đến thành công của Đề án tái cơ cấu của CB nói riêng và các NHTM mua bắt buộc nói chung. Với tư cách lãnh đạo điều hành CB, tôi mong muốn việc áp dụng Luật TCTD sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý, mở ra cơ hội mới cho CB trên hành trình thực hiện đề án tái cơ cấu NH.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác