Cặp đôi hoàn hảo công ty tài chính - ngân hàng

(ĐTTCO) - Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng (NH) tới khách hàng như được nối dài khi có trong tay các công ty tài chính (CTTC) đủ mạnh. Và  chính NH cũng gia tăng thêm uy tín cho các CTTC hoạt động hiệu quả.
Cặp đôi hoàn hảo công ty tài chính - ngân hàng

Bộ đôi NH-CTTC sẽ hỗ trợ qua lại trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, sẽ tạo cho thị trường vốn đến khách hàng minh bạch, bền vững.

Những bước đi chiến lược

Thời gian gần đây, thị trường tài chính NH Việt Nam liên tục chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ của các CTTC, khởi nguồn từ kết quả của việc thành lập hoặc mua lại giữa NH và CTTC.

Có một thời gian, nhiều câu hỏi đặt ra SHB (NH Sài Gòn-Hà Nội) sẽ nhận CTTC nào khi NH này có mối liên hệ mật thiết với nhiều tập đoàn lớn? Và Câu chuyện đã được ngã ngũ khi CTTC cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF) được SHB đồng ý mua lại sau khi nhất trí thông qua trong các kỳ đại hội cổ đông năm 2015.

Lý giải điều này, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển đã từng chia sẻ: “VVF là một trong những công ty có tình hình tài chính tốt nhất, có lợi thế từ 2 cổ đông lớn là Vinaconex và Viettel”. CTTC SHB ra đời giúp SHB thực hiện thành công mục tiêu trở thành định chế tài chính vững vàng, góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

“SHB có định hướng và tiêu chí rất rõ ràng về phân khúc khách hàng và sản phẩm mục

TDTD là một thị trường lớn, với nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hồi phục. Hơn nữa, việc đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn có tác dụng khuyến khích sản xuất của doanh nghiệp

Ông ĐÀO VĂN HÙNG,

Thành viên Hội đồng Chính sách TCTT Quốc gia

tiêu SHB và CTTC SHB sẽ tập trung phát triển. Do đó, sự ra đời của CTTC SHB sẽ không chồng chéo, hay hạn chế sự phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng (TDTD) của NH” - Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê khẳng định.

Hay như việc HDBank mua lại CTTC Việt Société Générale (SGVF) sau đó đổi tên thành HD Saison Finance. CTTC này đã đóng góp hơn 45% vào thu nhập lãi thuần của HDBank trong gần 2 năm qua.

Tương tự, MB sau khi nhận sáp nhập SDFC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã chọn con đường hợp tác với đơn vị Nhật Bản Shinsei để phát triển lĩnh vực mới với Mcredit. Sau 10 tháng hoạt động, Mcredit bắt đầu kinh doanh có lãi, tính đến tháng 10-2017 đã đạt dư nợ trên 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất trong các cặp đôi NH-CTTC là trường hợp VPBank phát triển FE Credit, sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản (CMF). Nhiều năm qua, CTTC này được đánh giá như "con gà đẻ trứng vàng", mang lại lợi nhuận lớn cho NH mẹ.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhận định năm 2017 VPBank đối mặt với nhiều thách thức với sự xâm nhập với các CTTC, làm cho các cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy nhiên, FE Credit đang là động lực tăng trưởng nguồn thu cho VPBank. Năm 2018, NH đặt kế hoạch tăng trưởng cho FE Credit chiếm tỷ lệ trong mảng TDTD của NH khoảng 30%.

“6 năm qua, thành công về mặt lợi nhuận của NH chủ yếu đến từ 2 nguồn: hoạt động NH truyền thống và từ FE Credit. Mặc dù FE Credit chịu lỗ trong vài năm đầu tiên phong mở rộng thị trường mới, nhưng từ năm 2014 đến nay đã có lợi nhuận. Dự kiến trong 5 năm tới lĩnh vực này vẫn sẽ tạo lãi ổn định cho NH và chiếm một nửa tổng lợi nhuận của NH hợp nhất” - ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.

Các bên cùng hưởng lợi

Việc các NH mở rộng hàng loạt CTTC sẽ giúp khách hàng có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn, đồng thời tận hưởng dịch vụ thuận tiện với thủ tục nhanh gọn, mạng lưới phân phối rộng theo mô hình kinh doanh của các CTTC. Đặc biệt, với các khách hàng không đáp ứng được chuẩn cho vay của các NHTM, có thể chuyển sang vay các CTTC hợp pháp, thay vì phải sử dụng dịch vụ tín dụng phi chính thức như trước đây, từ đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Với NH, việc thành lập CTTC tiêu dùng với hoạt động chuyên biệt, sẽ giúp mở rộng phân khúc khách hàng, tăng thị phần bán lẻ, đồng thời khắc phục nhiều hạn chế đối với việc cho vay tiêu dùng, bao gồm rào cản về pháp luật đối với lãi suất cho vay, tỷ lệ nợ xấu, hạn chế về mạng lưới, nhân sự chuyên nghiệp, hệ thống hạ tầng công nghệ… Điều này góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu NH, gia tăng lượng khách hàng tiếp cận với các dịch vụ không chỉ phân khúc cao mà cả khách hàng dưới chuẩn.

Trong khi đó, về phía các CTTC, sự kết hợp trên là nền tảng để phát triển bền vững vì có sẵn tiềm lực làm bàn đạp để phát triển. Với nguồn lực mạnh các CTTC sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, vốn là các nhà đầu tư khó tính và các nhà đầu tư thông minh trong nước.

Trước những ý kiến lo ngại về việc nhóm CTTC đang là đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua về vốn với NH trên thị trường, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng quy mô các CTTC còn nhỏ, lĩnh vực hoạt động lại khác nhau, tính cạnh tranh cũng không lớn, nên không thể xem đây là yếu tố tạo áp lực hay cạnh tranh với nhóm NH về huy động vốn.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH, cũng cho rằng các CTTC không “lấn sân” NHTM ở cả hoạt động cho vay. Xét ở góc độ nhất định, chính các CTTC còn là khách hàng của các NHTM, bởi chính NH là kênh cấp vốn đầu vào quan trọng cho các CTTC.

Theo ông Hòe, phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng của các CTTC rất khác so với khối NH. CTTC đánh vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, hướng đến tài trợ cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Đối tượng khách hàng chính của các CTTC là những người “dưới chuẩn” cấp tín dụng của NH. Các khoản cho vay của CTTC là những khoản vay nhỏ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, là khoản vay tín chấp, nguy cơ rủi ro nợ xấu cao, trong điều kiện an toàn hệ thống và tuân thủ quy định của pháp luật các ngân hàng không thể cho vay…

Các tin khác