Căng thẳng mùa ĐHCĐ (K2): Cổ tức sẽ được chất vấn nóng

Lợi nhuận giảm, trong khi trích lập dự phòng tăng, kéo theo tỷ lệ cổ tức chia trả cho cổ đông sụt giảm mạnh. Đây được xem là một trong những điểm nóng của mùa ĐHCĐ NH năm nay. Bởi cổ phiếu NH được một thời mệnh danh là cổ phiếu “vua”, nên nhà đầu tư chỉ còn trông chờ vào cổ tức dù ít ỏi.

Lợi nhuận giảm, trong khi trích lập dự phòng tăng, kéo theo tỷ lệ cổ tức chia trả cho cổ đông sụt giảm mạnh. Đây được xem là một trong những điểm nóng của mùa ĐHCĐ NH năm nay. Bởi cổ phiếu NH được một thời mệnh danh là cổ phiếu “vua”, nên nhà đầu tư chỉ còn trông chờ vào cổ tức dù ít ỏi.

Lợi nhuận giảm mạnh

Kết quả lợi nhuận thu về của không ít NH sụt giảm mạnh trong 2 năm qua, đáng chú ý là năm 2013, rất ít NH đạt chỉ tiêu đưa ra. Tuy đến thời điểm này, các NH vẫn chưa có báo cáo tài chính hợp nhất của cả năm 2013, nhưng về cơ bản đã phần nào nhìn thấy được bức tranh lợi nhuận của năm rồi. Đáng kể là ở những NH quy mô vừa và nhỏ trước áp lực tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu cao, kéo theo dự phòng lớn nên lợi nhuận giảm.

Tại Southern Bank, trong những năm gần đây nhà băng này đều không hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm. Năm 2013, Southern Bank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 560 tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2013 chỉ mới đạt 269 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, nợ xấu lên mức xấp xỉ 4%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 1.000 tỷ đồng.

Năm 2012, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của NH này cũng được trình ĐHCĐ mức 650 tỷ đồng, song kết quả cuối năm chỉ thực hiện được 20% kế hoạch.

Vấn đề cổ tức luôn được xem là điểm nóng trong các mùa ĐHCĐ của NH, do đó kỳ đại hội sắp tới đây, vấn đề cổ tức cũng sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt là với các nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã trot bỏ vốn vào cổ phiếu NH ở những năm trước. Song trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, NH rất khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông.

Trường hợp của NamA Bank càng khó khăn hơn, khi 9 tháng đầu năm qua chỉ mới đạt được 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi chỉ tiêu cả năm là 400 tỷ đồng. Cho dù tỷ lệ nợ xấu của NamA Bank năm 2013 được kiểm soát dưới ngưỡng an toàn 3%, đồng thời dư nợ tín dụng cũng đạt mức khá cao, kịch trần “room” cho phép của NHNN khoảng 30%.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ, cho biết khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp cũng như hoạt động của NH. Tín dụng NamA Bank tuy có tỷ lệ tăng trưởng cao, nhưng xét về con số tuyệt đối còn khá khiêm tốn, vì quy mô còn nhỏ, chỉ bằng một chi nhánh của NH lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 của DongA Bank cũng cho thấy, chỉ riêng quý III phải tăng hơn 70% lượng trích dự phòng rủi ro khiến cho lợi nhuận trước thuế giảm 30,8% xuống còn 184 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank giảm đến 51% xuống còn 511 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2013 của DongA Bank là 1.000 tỷ đồng, nhưng với kết quả trên, lãnh đạo NH này cho biết không thể đạt được kế hoạch lợi nhuận như ban đầu.

Chính vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông của đa số các NH cũng sụt giảm theo và thấp hơn nhiều so với mức trần lãi suất tiết kiệm hiện nay 7,5%/năm. Thậm chí, nhiều nhà băng còn không thực hiện chính sách chi trả cổ tức, nhằm giữ lại lợi nhuận để củng cố năng lực tài chính, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc đang từng bước được triển khai.

Không quá kỳ vọng vào cổ tức

Để cùng chia sẻ khó khăn, tại ĐHCĐ năm ngoái, HĐQT NamABank đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2012, trong đó ưu tiên cổ tức cho cổ đông nhỏ, lẻ sở hữu dưới 10 tỷ đồng mệnh giá sẽ được nhận  mức cổ tức 9%/mệnh giá; các cổ đông lớn chỉ nhận được mức cổ tức 4,47%/mệnh giá. Sở dĩ cổ tức NamA Bank chi trả cho cổ đông có sự chênh lệch và thấp hơn so với kế hoạch đặt ra trong kỳ ĐHCĐ năm trước là do kết quả lợi nhuận thu về của NH này không như kỳ vọng.

Năm 2012, NamA Bank đạt gần 241,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu ban đầu 600 tỷ đồng. Thế nhưng, bước sang năm 2013, trước bối cảnh thị trường khó khăn nên NamA Bank vẫn để lững cổ tức và chỉ mới tạm ứng cho cổ đông được 3%.

Tuy nhiên, mức cổ tức trên của NamA Bank vẫn còn cao hơn so với một số nhà băng khác. Chẳng hạn tại Southern Bank, chỉ tiêu cổ tức đưa ra cho năm 2013 là 8%, nhưng khả năng cổ đông sẽ khó có thể nhận được mức lợi tức này từ Southern Bank. Bởi năm trước đó, NH cũng chỉ thực hiện được tỷ lệ cổ tức ở mức rất ít ỏi 2,1% so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu là 5%, do lợi nhuận 2012 sụt giảm hơn 80%. Hay tỷ lệ cổ tức chi trả cổ đông của MeKong Bank 2 năm gần đây cũng sụt giảm mạnh và không giữ được lời hứa với các cổ đông.

Năm 2012, MeKong Bank chia cổ tức ở mức 2,5% so với chỉ tiêu đưa ra 8%. MeKong Bank dự kiến chia cổ tức 5,5% trong năm 2013, nhưng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng mà nhà băng này đưa ra cho năm rồi được ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc, cho biết cũng không thể hoàn thành trước khó khăn chung của thị trường, nên tỷ lệ cổ tức khó kỳ vọng 5,5%.

Giới thiệu sản phẩm mới của MeKongBank. Ảnh: LONG THANH

Giới thiệu sản phẩm mới của MeKongBank. Ảnh: LONG THANH

Không chỉ là những NH nhỏ mà ngay cả những nhà băng đạt lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng năm qua cũng bắt đầu e dè khi nhắc đến cổ tức. Đáng chú ý là với các NH đang trong diện tái cấu trúc thì rất khó có thể kỳ vọng lợi nhuận, cổ tức trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay.

Tổng giám đốc một NH hợp nhất cho biết, trong giai đoạn đang thực hiện đề án tái cơ cấu NH không thể đặt mục tiêu lợi nhuận. Do đó, cổ đông cũng phải chia sẻ để vượt qua khó khăn, nhất là khi nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, trích lập dự phòng cao, cổ tức không còn cũng dễ hiểu.

Trước đây, khi lãi suất tiết kiệm lên mức đỉnh 17-18%/năm, cổ tức NH cũng tầm 14-15%, thậm chí một số NH có nguồn thặng dư lớn còn chi trả mức cao hơn như Eximbank 18-25%. Tuy nhiên, nếu so với trần lãi suất tiết kiệm giảm về mức đáy 6-7%/năm hiện nay, cổ tức NH chưa bằng phân nửa, đó là chưa kể đến những NH mất khả năng trả cổ tức. Chính điều này đã khiến không ít cổ đông bức xúc và đã chất vấn thẳng thắn với lãnh đạo của các nhà băng tại ĐHCĐ.

Ông Nhật Hà, một cổ đông của Southern Bank, cho rằng đầu tư vào cổ phiếu NH trước thời kỳ khủng hoảng xảy ra 2008, thời điểm đó giá cổ phiếu Southern Bank không nằm trong top những NH biến động mạnh về giá cổ phiếu, nhưng tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông cũng ở mức chấp nhận được trên 10%. Thế nhưng, 3 năm gần đây chỉ còn 2-3%. Vì thế, tại kỳ ĐHCĐ của Southern Bank năm rồi, một số cổ đông rất bức xúc về vấn đề nhà băng này đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận rất cao, cho dù biết khó thực hiện và cổ tức rất thấp.

Các tin khác