Thêm lương, thêm lo

Bắt đầu từ ngày 1-5, mức lương cơ bản của cán bộ công chức được nâng lên 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với hiện nay. Niềm vui của người hưởng lương nhà nước vẫn còn phải chờ thêm vài ngày nữa, nhưng nỗi lo đã ào ào tới từ trước Tết. Nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong ngày Tết: Giá cả hình thành mặt bằng mới. Tăng giá điện: Hình thành mặt bằng giá mới. Tăng giá xăng: Nhiều mặt hàng “té nước theo mưa” tăng giá mạnh. Nay dân công chức than thở lương tăng nhưng không bù được tốc độ trượt giá. Bởi tăng lương theo cấp số cộng, giá tăng theo cấp số nhân và giá tăng trước đón đầu lương tăng. Lương cứ chạy theo giá như cuộc đuổi bắt khiến người dân hụt hơi. Không được như cán bộ công chức, người lao động phổ thông không được tăng lương lại phải chịu chung đợt tăng giá theo lương.

Bắt đầu từ ngày 1-5, mức lương cơ bản của cán bộ công chức được nâng lên 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với hiện nay. Niềm vui của người hưởng lương nhà nước vẫn còn phải chờ thêm vài ngày nữa, nhưng nỗi lo đã ào ào tới từ trước Tết. Nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong ngày Tết: Giá cả hình thành mặt bằng mới. Tăng giá điện: Hình thành mặt bằng giá mới. Tăng giá xăng: Nhiều mặt hàng “té nước theo mưa” tăng giá mạnh. Nay dân công chức than thở lương tăng nhưng không bù được tốc độ trượt giá. Bởi tăng lương theo cấp số cộng, giá tăng theo cấp số nhân và giá tăng trước đón đầu lương tăng. Lương cứ chạy theo giá như cuộc đuổi bắt khiến người dân hụt hơi. Không được như cán bộ công chức, người lao động phổ thông không được tăng lương lại phải chịu chung đợt tăng giá theo lương.

Lương công chức tối thiểu ở Việt Nam được đánh giá là quá thấp, dẫn đến hệ lụy người tài bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm việc cho tư nhân hoặc các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, lương thấp dễ sinh ra tệ nạn công chức nhằm vào “bổng” nhiều hơn lương. Theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 của Ngân hàng Thế giới (WB), ở khu vực nhà nước tiền lương, tiền thưởng và trợ cấp chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là “bổng”.

Trong bão giá người dân có thể hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, nhưng thực phẩm thiết yếu hàng ngày thì không thể không mua. Nhằm góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, hàng năm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã dành khoản chi ngân sách nhiều tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá. Nhưng hiệu quả của chính sách này thực sự như thế nào cần phải xem xét lại thay vì những con số hào nhoáng tổng kết được. Năm nào những chương trình này cũng tốn nhiều giấy mực của báo, đài phản ánh, hiến kế để chương trình đạt được hiệu quả thực sự, hàng bình ổn đến tay người cần, thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Song, hàng bình ổn thường chỉ được bán hạn chế trong các siêu thị và một số cửa hàng tại các chợ. Trong khi cửa hàng thường xuyên hết hàng bình ổn giá thì tại siêu thị muốn mua được hàng bình ổn phải hạn chế số lượng. Theo giải thích của những đơn vị liên quan, các biện pháp trên đưa ra nhằm tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Nhưng thực tế khi đã muốn đầu cơ, găm hàng liệu hạn chế số lượng có ngăn chặn triệt để được những kẻ đầu cơ không.

Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát. Theo thống kê, đánh giá vĩ mô được các cơ quan quản lý nhà nước công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2011 của Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt 9,66% và 8,2% so với tháng 12-2010. Nhưng với những người trực tiếp đi chợ hàng ngày, giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng tới 50-70% so với trước Tết. Tiền đi chợ bỏ ra càng nhiều trong khi hàng mua được ngày càng teo tóp.

Trong quý I Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã lập biên bản 360 vụ vi phạm về giá, xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Tuy thế, con số này chỉ như muối bỏ bể vì giá bán lẻ đang bị làm loạn bởi nhiều khâu trung gian. Về lâu dài Nhà nước cũng cần nâng cấp các chợ truyền thống theo hướng hiện đại nhằm quản lý giá một cách hiệu quả nhất.

Thiết nghĩ, trong thời điểm Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn với nạn đầu cơ, trục lợi nhưng đồng thời cũng phải mềm mỏng, linh hoạt để hỗ trợ dân.

Người dân chỉ mong muốn những chính sách an sinh xã hội phải được thực hiện quyết liệt, trong đó đặt ưu tiên chống lạm phát. Bởi nếu tình trạng trượt giá ngày càng cao người dân mãi không thoát khỏi khó khăn. Khi đó, dù được thêm lương nhưng người dân lại phải lo chạy theo những đợt tăng giá.

Các tin khác