Tham nhũng đang xói mòn lòng tin

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp với Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng (PCTN) mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.
 Điều này cho thấy việc công khai các vụ đại án, xử lý kỷ luật nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu càng khẳng định không có vùng cấm trong công tác đấu tranh PCTN đã được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 vừa qua, tình hình PCTN chưa thực sự mang tính đột phá; tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên và đầu tư công. Điều nghịch lý là dường như “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”, chính vì thế việc chống tham nhũng không chỉ với những vụ đại án mà phải ở cả những hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi hay còn gọi là tham nhũng vặt. 
Tình trạng tham nhũng vặt ở từng ngành, lĩnh vực, đang gần như diễn ra công khai. Đó là phải chi trả các khoản tiền một cách không chính thức để công việc được giải quyết nhanh hơn cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ; thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh... vẫn còn, gây nhức nhối cho xã hội.
Ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chi phí không chính thức cũng khiến doanh nghiệp (DN) thực sự đau đầu. Ngoài những khoản phí theo quy định của Nhà nước, DN muốn suôn sẻ phải chi phí thêm nhiều khoản “tiền bôi trơn” khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính ở lĩnh vực đất đai, xây dựng...
Tham nhũng đang xói mòn lòng tin ảnh 1 Nhiều vụ việc tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 
Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ, hiện có tới 63% số hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế do bị vòi vĩnh hoặc do muốn thông đồng với quan chức để né thuế, giảm thuế, thậm chí trốn thuế. Khảo sát cũng cho thấy có tới 60% DN nói chi phí không chính thức khá tốn kém, 30% DN đưa hối lộ do công chức gợi ý, nhũng nhiễu và 70% chủ động đưa hối lộ. Hay kết quả cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện được công bố mới đây, cho thấy phần lớn DN trong số gần 5.500 DN và người dân cả nước tham gia khảo sát đều thừa nhận có đưa hối lộ, trong đó nhiều nhất là cho cán bộ ngành hải quan, thuế và công an giao thông.
DN làm ăn đều tính toán từng đồng, chẳng bao giờ muốn đi hối lộ. Nhưng bị gây khó dễ, đẩy vào đường cùng, muốn được việc buộc phải chung chi. Thủ tướng kêu gọi DN không hối lộ chính quyền, nói không với chi phí không chính thức, nhưng nếu các bộ cài cắm bằng những quy định khắt khe thì DN phải nghĩ đến hối lộ.
Hiện DN sợ thông tư hơn sợ luật, bởi những quy định phía trên càng cởi mở, phía dưới càng đóng lại. Chính quyền, các bộ ngành có đủ thứ quyền cho và không cho, chấp thuận và không chấp thuận... Tại TPHCM, 34% DN khi được hỏi đã xếp tham nhũng là vấn nạn gây bức xúc nhất, sau giá cả sinh hoạt và mức thu nhập. 5 ngành tham nhũng nhiều nhất được ghi nhận là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, thuế và xây dựng.
Nhiều người đã ví von “Trên trải thảm dưới rải đinh”, tức DN đi qua muốn tránh “đinh” phải hối lộ. Đây là điều có thể bắt gặp ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào, không đơn thuần là lĩnh vực kinh tế. Luật quy định phải rõ ràng, không dùng ngôn ngữ đa nghĩa để làm luật DN mới dám làm đúng, mới nói không với hối lộ. Thế nhưng, hiện nay có không ít thông tư đọc mãi vẫn không hiểu, ngay cả các bộ, ban ngành cũng không hiểu, hoặc hiểu kiểu 1+1 bằng bao nhiêu tùy ý. Nhiều DN cho biết nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN mới ở tầm Chính phủ. Còn về đến bộ ngành, địa phương nỗ lực ấy giảm đi nhiều. Thậm chí họ “nỗ lực” giữ lại các điều kiện kinh doanh bất cập, bất hợp lý Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ để hành DN và vòi vĩnh tiền. 
Hiện nay, với nhiều DN thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh. Ở nhiều nước tiên tiến vẫn có nhiều giấy phép con nhưng không phiền hà vì bộ máy hành chính tạo mọi điều kiện để người dân thực thi pháp luật. Không thực thi thì chế tài cực nghiêm. Trong khi đó bộ máy của ta vẫn còn việc cứ để vi phạm, rồi xử lý kiểu gãi ngứa, hoặc là tìm cách phạt nhẹ và cho tồn tại. Chính những điều đó tạo ra sự nhũng nhiễu.
Tham nhũng vặt không gây hậu quả lớn về kinh tế, nhưng tác hại gây cho cộng đồng, xã hội rất lớn. Tham nhũng vặt làm mất niềm tin của người dân, phá vỡ nền tảng xã hội. Thực tế, hệ thống pháp luật của Việt Nam về PCTN đã có đủ quy định và chế tài xử lý. Thậm chí quy định về PCTN ở Việt Nam còn nhiều hơn một số nước. Nhưng công tác PCTN thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì thế, người dân kỳ vọng dự thảo Luật PCTN được thông qua (dự kiến tại kỳ họp thứ 5 tới) sẽ thể hiện toàn diện ở cả 3 nội dung phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Đặc biệt, luật mới sẽ cụ thể hóa các quy định theo hướng đẩy mạnh tính công khai, minh bạch và phát huy vai trò của các thiết chế giám sát phản biện xã hội nhằm bảo đảm tính hiệu quả hơn trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng. Điều này có nghĩa việc xây dựng thể chế phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu mới là quan trọng nhất, với mục đích như Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã phát biểu phải làm sao để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".
Trước mắt, Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Các tin khác