Tăng viện phí, phải tăng chất lượng

Thông tin mấy ngày qua Bộ Y tế đưa ra dự thảo đề án tăng giá viện phí, trong đó điều chỉnh tăng khoảng 12% tổng số dịch vụ hiện hành khiến nhiều người thở dài, ngao ngán. Con số 12% trên tương đương với 220 dịch vụ, kỹ thuật tăng 2-2,5 lần và khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7-10 lần.

Thông tin mấy ngày qua Bộ Y tế đưa ra dự thảo đề án tăng giá viện phí, trong đó điều chỉnh tăng khoảng 12% tổng số dịch vụ hiện hành khiến nhiều người thở dài, ngao ngán. Con số 12% trên tương đương với 220 dịch vụ, kỹ thuật tăng 2-2,5 lần và khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7-10 lần.

Vậy là có thêm 350 khoản chi nữa bị đội giá khiến người dân đã chi tiêu “teo tóp” nay càng phải bóp chặt hơn nữa. Mọi người có thể bớt ăn, nhịn mặc, giảm nhu cầu để cắt giảm chi tiêu, nhưng khi bị bệnh buộc phải đi khám, điều trị. Và ngành y có đặc thù riêng là người bệnh không biết giá thành và không có quyền trả giá, chỉ trông chờ vào sự may rủi chất lượng y tế, y đức của thầy thuốc. Giá thuốc liên tục tăng những năm qua, đến nay “bão giá” viện phí càng đẩy người bệnh nghèo thêm khó khăn trong việc khám, chữa bệnh.

Hẳn nhiều người không cầm nổi nước mắt khi nhớ lại hình ảnh bà lão nghèo đứng tần ngần trước cửa hiệu thuốc. Sau khi thấy giá tiền đơn thuốc của chồng, bà bật khóc và cùng chồng trở về quê sống chung với bệnh vì không đủ tiền mua theo đơn thuốc điều trị.

Theo giải thích của Bộ Y tế, việc tăng giá các dịch vụ lần này là bắt buộc nhằm bảo đảm cho các bệnh viện “đủ thu bù chi”. Bởi các dịch vụ đề xuất tăng giá lần này được xây dựng từ năm 1995 theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp, nên mới thu từ 30-50% chi phí trực tiếp tính theo thời giá của 16 năm trước.

Đến nay, khi tính toán đủ các chi phí trực tiếp, đầu vào như điện, nước, xăng dầu, thuốc, vật tư, hóa chất… giá đã tăng lên rất nhiều. Với điều trần của Bộ Y tế, việc tăng viện phí giúp bệnh viện không phải đau đầu với bài toán “đầu tiên - tiền đâu”, từ đó giúp đội ngũ bác sĩ chuyên tâm hơn trong công việc, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Điều này khiến nhiều người dân vui mừng, hy vọng.

Trước nay, các phương tiện truyền thông vẫn phản ánh việc có sự phân biệt đối xử giữa khám, chữa bệnh theo dịch vụ và theo bảo hiểm. Tại nhiều bệnh viện công, giá khám, mổ, phòng điều trị theo dịch vụ…  đều có sự chênh lệch khá lớn so với khám bảo hiểm.

Một khảo sát của bảo hiểm xã hội đưa ra những thống kê khiến nhiều người giật mình: Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung bình một bác sĩ khám 200 bệnh nhân/ngày, còn tuyến trung ương mỗi bác sĩ khám tới 300 bệnh nhân/ngày. Nếu chia theo số giờ làm việc hàng ngày, mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ tuyến trung ương khám chẩn đoán bệnh chỉ trong vòng 1 phút 40 giây và lâu nhất chỉ 2 phút!

Hiện nay có nhiều bệnh viện tư dù giá thành khám, chữa bệnh có cao hơn bệnh viện công nhưng đã thu hút được một số lượng người đến khám. Như vậy, bên cạnh việc hỗ trợ người nghèo có khả năng tiếp cận quyền lợi được khám chữa bệnh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng bệnh viện. Từ đó, có thể chia tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm áp lực cho các bác sĩ tuyến trung ương.

Thiết nghĩ, người dân sẵn sàng đồng thuận với chính sách tăng giá viện phí, nhưng họ cũng có quyền đòi hỏi chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng cao.

Các tin khác