Tăng lương tối thiểu cần cái nhìn đa chiều

(ĐTTCO) - Sau 2 lần thương lượng căng thẳng, các phiên họp về lương tối thiểu vùng năm 2018 Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTL) diễn ra trong tháng 7 đã kết thúc mà không có phương án nào được chốt. 
Theo đó, tại phiên họp thứ nhất, bộ phận kỹ thuật của HĐTL đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu (LTT) năm 2018, gồm tăng 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017, căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 4% trong năm nay. Trong khi đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ - đại diện người lao động) đề xuất mức tăng 13,3% so với năm 2017. 

Đến phiên họp thứ hai, TLĐLĐ lùi đề xuất tăng xuống mức 10%. Và sau vài lần “co kéo”, tiếp tục hạ xuống mức 8%. Bảo vệ quan điểm cần phải tăng LTT này, TLĐLĐ dẫn giải, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 có nhiều khởi sắc, do đó người lao động (NLĐ) cũng phải được hưởng thành quả đã đóng góp.
Bên cạnh đó, CPI vẫn ở mức cao, khoảng 4-5% nên tiền LTT của năm 2018 phải bù được trượt giá, để thu nhập NLĐ không giảm sút trong thực tế. Ngoài ra hiện nay tình cảnh của NLĐ vẫn rất khó khăn. Theo khảo sát của TLĐLĐ ở 17 địa phương năm 2017, cho thấy 51% NLĐ phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống, trên 54% NLĐ không hài lòng với mức tiền LTT hiện nay… 

Trong khi đó, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện giới chủ sử dụng lao động) vẫn không đồng tình với mức tăng trên. Cho rằng với tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, đại diện VCCI khẳng định không nên tăng LTT vùng năm 2018 và giữ quan điểm, nếu tăng chỉ nên dưới 5%. Mặc dù cả 2 bên đã nâng lên, hạ xuống nhưng do khoảng cách vẫn ở mức 3% nên HĐTL đã quyết định dừng để các bên củng cố thêm cứ liệu, dẫn chiếu thuyết phục hơn, bảo vệ luận điểm của mình. 

Ảnh minh họa. 
Thực tế, việc tăng LTT hàng năm luôn là chủ đề tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau. Không tăng lương tối thiểu không bảo đảm được đời sống NLĐ, nhưng mức tăng quá cao lại ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), nhất là đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản và lắp ráp điện tử. Tôi được biết quỹ lương của DN ngành da giày chiếm 70-75% trong giá gia công và ngành dệt may chiếm 72-78% giá gia công của sản phẩm may xuất khẩu.
Nếu LTT tăng hàng năm, trong khi giá gia công có xu hướng giảm và không tăng sẽ khiến lợi nhuận của DN giảm dần. Nhiều DN trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản đã ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho NLĐ. Các DN yếu thì cắt giảm phần lương mềm của đa số NLĐ để bù đắp vào các chi phí tăng thêm. Hơn nữa, tăng lương nhưng nhiều khoản tiền tính theo lương như bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn, giờ làm thêm... đều tăng.

Theo suy nghĩ của tôi, đứng ở góc độ lợi ích chung của nền kinh tế việc tăng thu nhập cho NLĐ về lâu dài là có lợi cho nền kinh tế, với điều kiện là phải tăng năng suất lao động. Phải khẳng định rằng tăng trưởng thu nhập là kỳ vọng chính đáng của con người. DN muốn doanh thu ngày càng tăng, lợi nhuận ngày càng cao thì NLĐ cũng có ước mơ thu nhập ngày càng tăng để đời sống ngày càng thăng tiến. Mấu chốt ở đây là tìm sự hài hòa để vấn đề tăng thu nhập của NLĐ chẳng những không làm tăng giá thành sản xuất mà ngược lại còn làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho DN, tăng sức mua cho nền kinh tế. 

Mấu chốt đó, theo tôi chính là năng suất lao động. Cải thiện được năng suất lao động sẽ cải thiện được lợi nhuận của DN, một khi DN có lợi nhuận việc chia sẻ lợi nhuận đó cho họ bằng việc tăng lương, tăng cường phúc lợi không có gì khó khăn và cũng hợp tình, hợp lý.
Khi năng suất lao động tăng, hàng hóa sản xuất ra nhiều hơn nên giá cả hàng hóa rẻ hơn, trong khi tiền lương NLĐ lại tăng lên, nên thu nhập khả dụng của họ tăng lên. Ngược lại, khi thu nhập khả dụng của NLĐ tăng lên, sức mua của nền kinh tế tăng lên, kích thước thị trường được mở rộng, DN bán được nhiều hàng hơn, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng lên. Tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề tăng thu nhập của NLĐ không chỉ là tăng lương cơ bản mà còn là vấn đề kiểm soát lạm phát ở mức thấp và bền vững.
Như vậy sẽ tăng thu nhập khả dụng của người lao động lên và mở rộng thị trường nội địa. Điều này không những NLĐ và DN có lợi mà nền kinh tế cũng được hưởng lợi.

Dự kiến phiên họp thứ 3 của HĐTL về vấn đề tăng LTT vùng năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 7-8 tới. Đó cũng là phiên họp cuối cùng để chốt mức tăng LTT vùng năm 2018, trình Thủ tướng xem xét quyết định. Kỳ vọng trên tinh thần cân nhắc cả lợi ích quốc gia, lợi ích NLĐ, khả năng chi trả và cạnh tranh của DN, đại diện các bên sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm khi trao đổi, thương lượng, làm sao để hài hòa lợi ích của các bên, ít nhất cũng là tăng niềm tin cho NLĐ.
Tôi cũng xin có thêm ý kiến rằng, việc tăng LTT hầu như năm nào cũng thực hiện, vì thế các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm để những lần tăng LTT sau này được quyết định nhanh hơn. Bởi trong khi các vị ngồi tranh luận việc tăng LTT, giá cả ngoài thị trường đã tăng trước rồi và như vậy sẽ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương cho NLĐ.
 (TPHCM)

Các tin khác