Tái ô nhiễm dự án “lá phổi xanh”

(ĐTTCO) - Từ năm 2007 đến nay, TP Cần Thơ đã triển khai hàng loạt công trình khôi phục kênh, rạch, hồ đã bị bồi lắng, ô nhiễm, điều tiết dòng chảy để ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn... 
Tái ô nhiễm dự án “lá phổi xanh”
Bên cạnh đó Cần Thơ còn đầu tư khôi phục lại các tuyến kênh, rạch có chức năng lưu trữ nước mưa tạm thời và là kênh thoát nước chính khi các cống ngăn triều đóng lại như: rạch Cái Khế, rạch Ngỗng, Bà Bộ, rạch Hàng Bàng, rạch Đầu Sấu… Việc cải tạo những tuyến kênh, rạch, hồ chính nhằm tạo ra sức chứa tối đa cho khu vực nội thị khi mưa xuống, đảm bảo điều tiết nước, khôi phục lại giao thông thủy phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng như phát triển du lịch, đồng thời vệ sinh môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm tại một số tuyến kênh, rạch. 

Trước đó, người dân sống quanh rạch Tham Tướng vẫn chưa quên hình ảnh nhếch nhác, nước đen ngòm, mùi hôi, ruồi muỗi, rồi nhà nhà lấn chiếm rạch, rác đầy bít hết dòng nước chảy. Tại khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Xáng Bún... tình trạng diễn ra tương tự khiến sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Thêm vào đó phát sinh nhiều tệ nạn theo những điểm đầy cỏ rác. Giao thông đi lại khó khăn vì không có đèn chiếu sáng. 

Rồi những cảnh tượng ấy đã bị đẩy lùi từ các dự án “lá phổi xanh”. Sau gần 3 năm xây dựng hồ Xáng Thổi đã góp phần điều hòa nhiệt độ, điều tiết nguồn nước cho khu vực trung tâm TP, nhất là vào mùa mưa, cải tạo môi trường, cảnh quan đô thị, đồng thời việc triển khai khôi phục, nạo vét hồ Xáng Thổi cũng đã giúp cho TP nâng cao năng lực ứng phó với các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra gay gắt. Dự án bờ kè rạch Khai Luông (cạnh trung tâm thương mại TP Cần Thơ) vừa mới hoàn thành cũng giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và rác thải cho nhiều hộ sinh sống và mua bán tại đây. 

Tuy nhiên những ngày gần đây nguồn nước mặt tại rạch Tham Tướng, hồ Xáng Thổi và một số kênh rạch khác lại xuất hiện mùi hôi do nguồn nước thải trong các khu dân cư chảy trực tiếp ra hồ, tình trạng người dân xả rác thải xuống kênh, hồ vẫn còn xảy ra, nhiều tiểu thương vẫn lén lút vứt rác xuống kênh mương. Theo quan sát của tôi trên bờ kè trái rạch Khai Luông (thuộc phường An Hội, quận Ninh Kiều), hầu như toàn bộ bờ kè đã bị người dân lấn chiếm làm sân trồng hoa kiểng, phơi quần áo, làm sân chứa vật liệu, thậm chí ngồi ăn uống. Đáng nói hơn, nhiều hộ đã tự phá vỡ lan can xây dựng đường xuống sông rất nhếch nhác và mất vệ sinh.
Tại hồ Xáng Thổi mặt nước đã bị ô nhiễm bởi quá nhiều rác thải sinh hoạt do có nhiều hộ kinh doanh xung quanh hồ không tuân thủ việc bỏ rác vào nơi quy định. Cạnh đó các thùng chứa rác đã quá tải và hư hỏng khá nhiều. Tại bờ kè rạch Tham Tướng (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nguồn nước đen dần và bốc mùi hôi thối ngày đêm. Rác thải sinh hoạt vứt đầy làm cản trở dòng chảy khiến ô nhiễm thêm nghiêm trọng.

Vì vậy, theo tôi để có những dòng kênh xanh, ngoài sự nỗ lực khắc phục của chính quyền, người dân sinh sống xung quanh các dự án cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, không xả rác bừa bãi xuống mặt rạch, hồ. Đây là hành động thiết thực để bảo vệ những lá phổi xanh của TP Cần Thơ.
(TP Cần Thơ)

Các tin khác