Tái cơ cấu VNPT ra sao?

Cổ phần hóa mạng MobiFone và việc VNPT không được sở hữu 2 mạng di động là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Cổ phần hóa mạng MobiFone và việc VNPT không được sở hữu 2 mạng di động là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Đầu tháng 6 VNPT đã trình 3 phương án tái cơ cấu tập đoàn này lên Chính phủ: Phương án 1: Tiến hành cổ phần hóa MobiFone theo đúng tinh thần của Nghị định 25 (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực từ 1-6) và VNPT sẽ sở hữu không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của mạng động này.

Phương án 2: Sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone.

Phương án 3: Cổ phần hóa toàn Tập đoàn VNPT. Một điều dễ nhận thấy, dù phương án nào diễn ra cũng sẽ mang đến cho thị trường viễn thông di động Việt Nam những tác động không nhỏ.

Việc lựa chọn phương án tái cơ cấu nào cho VNPT sẽ do Chính phủ quyết định. Về phần mình, trong 3 phương án, việc sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone được lãnh đạo VNPT chú trọng hơn để có thể bảo toàn “lực lượng” trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo Nghị định 25.

Tuy nhiên dư luận cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ là một bước lùi đối với thị trường di động Việt Nam. Bởi khi đó “mạng di động VNPT” sẽ rất lớn, tức câu chuyện độc quyền, “cá lớn nuốt cá bé” sẽ diễn ra. Một vấn đề khác: MobiFone hạch toán độc lập, còn VinaPhone hạch toán phụ thuộc vào VNPT. Nếu sáp nhập 2 mạng này sẽ diễn ra một loạt vấn đề khúc mắc cần giải quyết giữa 2 doanh nghiệp cũng như nội bộ VNPT. Và chắc chắn phải cần thời gian khá dài.

Cổ phần hóa toàn bộ VNPT được xem là phương án cuối cùng để VNPT lựa chọn khi cả 2 phương án kia đều không thực hiện được. Tuy nhiên có thể xem đây là một sự trì hoãn việc thực hiện Nghị định 25 đối với VNPT, để chờ có những thay đổi mới trong chính sách quản lý nhà nước.

Bởi lẽ, một mạng MobiFone (đã hạch toán độc lập) mà 4 năm qua còn thực hiện cổ phần hóa không xong, nếu cả Tập đoàn VNPT, chắc ít nhất phải 5 năm nữa mới thực hiện được.

Phương án được các chuyên gia xem tối ưu nhất là việc cổ phần hóa MobiFone. Tuy nhiên, thời điểm 1-6 đã qua và VNPT vẫn chưa có động thái cụ thể nào, cũng như Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông không có ý kiến gì về vấn đề này, nên có thể ngầm hiểu: việc này đã được chấp nhận.

Thật ra việc cổ phần hóa MobiFone đã được xúc tiến trong 3-4 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Có thể với Nghị định 25, vấn đề này sẽ diễn ra nhanh hơn. Và nếu phương án này trở thành hiện thực sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường viễn thông di động Việt Nam, cũng như chính sách quản lý nhà nước trên lĩnh vực vốn đang được xem khá nóng bỏng này.

Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của MobiFone (chứ không phải quyền quyết định của VNPT). MobiFone có giá trị doanh nghiệp rất lớn nên Nhà nước hết sức thận trọng trong quá trình chỉ đạo tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia quá trình này.

Quá trình mở cửa cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông nước ta mới bắt đầu được một thời gian và Luật Viễn thông cho phép những hoạt động cạnh tranh đó. Nghị định 25 của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Một trong những nội dung quan trọng của của Nghị định này là đưa ra tỷ lệ sở hữu chéo 20% giữa các doanh nghiệp nhằm tăng tính cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp. Vì thế, việc chia tách, sáp nhập của các mạng di động ở Việt Nam là xu thế tất yếu của thị trường viễn thông. Sau sáp nhập hay chia tách sẽ dẫn đến những chiến lược mới, tầm nhìn mới mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Đây là một xu hướng tích hợp các loại hình dịch vụ cũng như sức mạnh tài chính và công nghệ.

Khi đó sẽ tạo nên nhiều “hứng khởi” cũng như cơ hội cho các nhà mạng mới tham gia thị trường. Tóm lại, để tái cơ cấu VNPT, xu hướng tách ra, sáp nhập các mạng viễn thông là điều khó tránh khỏi ở Việt Nam trong tương lai gần.

Các tin khác