Nên học hỏi thay vì phản ứng

(ĐTTCO) - Những ngày đầu tháng 10, người tiêu dùng (NTD) tỏ vẻ ngỡ ngàng khi nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trưng băng rôn có nội dung "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 
Vấn đề là Petrolimex trưng khẩu hiệu này chỉ sau vài ngày Công ty Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản khai trương cửa hàng xăng dầu 100% vốn FDI tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản. Vì thế, NTD thắc mắc phải chăng Petrolimex có động thái phản đối IQ8 giống như taxi truyền thống phản đối Uber, Grab?
Dù ngay sau đó đại diện của Petrolimex cho biết đây là chương trình đã được Petrolimex triển khai từ trước, không phải vì IQ8 mở cây xăng mới làm, nhưng dư luận vẫn cảm thấy không vui khi nhìn thấy tấm băng rôn “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam” ở trạm xăng Petrolimex.
Thực ra đây là cách doanh nghiệp (DN) phản ứng trước sự “đe dọa” của cây xăng có ông chủ người Nhật đứng cầm dù dưới mưa mời khách. Ở đó, nhân viên của cây xăng lau kính, lau gương xe ô tô miễn phí cho khách. Dĩ nhiên cách phản ứng này không vi phạm luật và phản cảm như cách các hãng taxi truyền thống ứng xử với Grab và Uber vừa qua, nhưng theo tôi đây không phải là cách hay. Kêu gọi lòng yêu nước trong trường hợp thật không phù hợp, hay nói đúng hơn chủ trương người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bị lạm dụng ở đây.
Nên học hỏi thay vì phản ứng ảnh 1 Công ty Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản. 
Bởi người đổ xăng đâu có cần phân biệt đâu là xăng Việt Nam, đâu là xăng Nhật Bản. Xăng ở đâu cũng gồm những thành phần hóa học giống nhau. Sự khác biệt nho nhỏ ở đây là giá bán, còn sự khác biệt rất lớn là cách bán. Hai yếu tố thể hiện triết lý kinh doanh hay văn hóa bán hàng của DN. Là NTD, khách hàng luôn muốn được mua sản phẩm cùng loại với giá thấp nhất. Bên cạnh đó, chất lượng và cung cách phục vụ thể hiện sự tôn trọng của DN đối với khách hàng. DN không thể mượn lòng yêu nước, nhân danh sự tự hào dân tộc để đưa khách hàng vào những quyết định mua hàng vô lý như cách Petrolimex treo băng rôn ở trạm xăng.
Hiện nay, cơn sốt trà sữa đang lan tỏa khắp các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế cũng như Việt Nam như Ding Tea, Chago, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Chatime, Bobapop… Không chỉ có trà sữa Đài Loan (Trung Quốc), mà còn có trà sữa Hồng Công (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Rồi thị trường đồ gia dụng, điện máy Việt Nam xuất hiện hàng loạt thương hiệu như Benny, Philips, Elmich, Kangaroo, Bluestone, Gowell, Sunhouse, Goldsun… Hay sự đổ bộ của các hãng thời trang bình dân như H&M, Zara, Uniqlo… cũng đang gây cơn sốt cho “tín đồ” thời trang cả nước. Ngoài ra, hàng loạt đối thủ khác đang xuất hiện khiến siêu thị bán lẻ truyền thống có nguy cơ mất thị phần là hệ thống cửa hàng tiện ích nhỏ gọn, tiện lợi, len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm. Hàng Nhật, Thái, Hàn… tràn từ vỉa hè đến siêu thị. 
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu.
Thế nhưng hội nhập không thể là cung cách ứng xử theo kiểu kiện tụng, treo băng rôn trên xe, vận động người Việt ưu tiên hàng Việt, là kêu gọi sử dụng các sản phẩm bia “sân nhà”, lấy tinh thần dân tộc ra làm vũ khí. Điều này cho thấy sự phản ứng không thân thiện trước sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới, khiến NTD cảm thấy buồn về văn hóa ứng xử trong cạnh tranh của DN Việt.

Các tin khác