Loạn Grab và lỗ hổng pháp lý

(ĐTTCO) - Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh việc hành xử thiếu trách nhiệm của hãng taxi công nghệ Grab với hành khách của mình. 
Loạn Grab và lỗ hổng pháp lý
Cụ thể, một hành khách đánh rơi ví da bên trong có hơn 10 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng trên xe Grab, sau khi phản ánh đến bộ phận chăm sóc khách hàng đã nhận được câu trả lời chung chung, nhân viên công ty từ chối trách nhiệm do không quản lý tài xế và phương tiện kinh doanh. 
Mới đây, một khách hàng phản ánh gọi xe Grab đi từ Bình Dương về Tây Ninh, mặc dù không có xe đến phục vụ nhưng khi vừa thực hiện lệnh yêu cầu đặt xe lập tức Grab đã tự động trừ vào tài khoản 1,6 triệu đồng. Liên lạc tổng đài của Grab để yêu cầu xe, nếu không phải trả lại tiền, khách hàng bị các tổng đài viên từ chối đáp ứng yêu cầu. Sau đó, khách hàng gọi điện đến và yêu cầu nói chuyện với cấp quản lý của hãng Grab chỉ nhận được lời hứa tiền sẽ được trả lại trong vòng 30 ngày.
Một cách hàng xử khác của Grab cũng khiến tôi rất bất bình. Đó là việc các tài xế cho biết khi mới bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam, Grab đã đưa ra lời chào mời về chính sách ưu đãi hấp dẫn, như mức thu nhập đạt 35 triệu đồng/tháng khiến không ít người vay mượn tiền mua xe, đăng ký chạy Grab. Tuy nhiên, sau đó hãng đã liên tục tăng mức chiết khấu, từ 20% đối với những người tham gia trước tháng 10-2017, sau đó tăng 25% rồi lên hơn 28% khiến nhiều tài xế bức xúc.
Một số tài xế cho biết nếu có những phản ứng, khiếu nại sẽ bị phía Grab khóa tài khoản, giam tiền đặt cọc. Do đó, không hợp tác với Grab nữa sẽ bị thất nghiệp, không có tiền để trả nợ vay ngân hàng mua xe, còn tiếp tục hợp tác sẽ không có quyền thỏa thuận về các chính sách, chịu sự áp đặt của Grab.
Khi được hỏi về việc “đá trái bóng trách nhiệm”, Bộ Giao thông-Vận tải, đơn vị quản lý nhà nước, dường như cũng lúng túng. Vấn đề trách nhiệm pháp lý, đảm bảo quyền lợi khách hàng và người tham gia xuất phát từ nhập nhằng trong mô hình pháp lý của Grab và Uber tại Việt Nam hiện nay. Phía Grab cho biết chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm đặt xe, không trực tiếp thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách, nên không quản lý trực tiếp với tài xế mà thông qua một đơn vị trung gian là hợp tác xã/doanh nghiệp vận tải.
Nhưng bản chất các hợp tác xã/doanh nghiệp vận tải chỉ là nơi đăng ký để hợp thức hóa quy định, còn quản lý trực tiếp từ tài khoản, điều động xe, thanh toán tiền cho tài xế đều do Grab thực hiện. Vì vậy, các điều khoản ràng buộc về mặt trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa Grab, hợp tác xã và khách hàng chưa rõ ràng.
Uber và Grab đến nay vào Việt Nam đã được 2 năm, nhưng Bộ Giao thông-Vận tải vẫn chưa xác định đây là loại hình gì. Cũng chính vì sự loay hoay này dẫn đến nhiều khiếu kiện, thậm chí xung đột giữa tài xế của các hãng taxi. Nhiều tỉnh, thành vẫn đang kiến nghị định danh cho loại hình doanh nghiệp này và những tranh chấp, khiếu nại chắc chắn còn tiếp diễn nếu chúng ta chưa đưa ra một kết luận cuối cùng.
Trong khi đó, một số quốc gia như Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan... đều coi Uber, Grab là kinh doanh taxi. Đặc biệt, cuối tháng 12-2017, tòa án Liên minh châu Âu (EU) cũng ra phán quyết khẳng định, Uber, Grab là công ty taxi, không phải công ty công nghệ.
Theo tôi, cơ quan quản lý cần nhanh chóng thống nhất, xây dựng khung pháp lý, cơ chế chính sách rõ ràng cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi, cung ứng dịch vụ phục vụ loại hình taxi để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước.

Các tin khác