Khốc liệt hay thiếu chuyên nghiệp

(ĐTTCO) - Lâu nay tôi thấy báo chí khi nói về con đường của các doanh nghiệp khi tham gia mảng thương mại điện tử thường đánh giá thị trường rất khốc liệt. Và có lẽ 2 từ khốc liệt cũng đang dần được minh chứng thông qua sự ra đi của nhiều trang thương mại điện tử.

(ĐTTCO) - Lâu nay tôi thấy báo chí khi nói về con đường của các doanh nghiệp khi tham gia mảng thương mại điện tử thường đánh giá thị trường rất khốc liệt. Và có lẽ 2 từ khốc liệt cũng đang dần được minh chứng thông qua sự ra đi của nhiều trang thương mại điện tử.

Thậm chí có một trang thương mại điện tử sau khi khai tử còn để lại lời nhắn: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người tiếp tục cố gắng”. Thực tế nhiều doanh nghiệp dù nhận được những khoản đầu tư khủng từ trong nước và quốc tế nhưng vẫn đang tiếp tục lỗ. Câu chuyện của tiki.vn thời gian qua cũng được nhắc đến nhiều khi doanh nghiệp lỗ hơn 157 tỷ đồng sau khoảng 8 tháng được CTCP VNG đầu tư. Phần nhiều doanh nghiệp cho rằng cái khó nhất của thương mại điện tử Việt Nam là làm sao để người tiêu dùng tin, mua sau đó mới đến cái khó về thanh toán, do người Việt còn chuộng thanh toán tiền mặt… Và một trong những cách thức để lấy niềm tin của người tiêu dùng là doanh nghiệp chi thật nhiều tiền cho các hoạt động marketing. Song người tiêu dùng giờ cũng rất khó tính, họ cần thực tế hơn lời quảng cáo.

Tôi cũng không ngoại lệ, muốn ủng hộ thương mại điện tử Việt Nam phát triển, nhưng không vì thế dễ dãi cho việc làm thiếu chuyên nghiệp. Mới đây khi đặt mua hàng trên trang sendo.vn, phía công ty có gọi điện xác nhận còn món hàng tôi đặt mua và khoảng trong 2-5 ngày sau sẽ nhận được hàng. Công ty còn email xác nhận đã đóng gói hàng và đang trên đường đến tay tôi. Nhưng sau 4 ngày, nhân viên sendo.vn đã nhắn tin báo hàng tôi đặt không còn, xin vui lòng mua sản phẩm khác. Tôi không hiểu cách đây mấy ngày họ đã xác nhận đóng gói cái gì gửi cho tôi? Đó liệu có được xếp vào biểu hiện thiếu chuyên nghiệp? Đương nhiên tôi không còn hứng thú mua hàng ở trang này nữa. Phía doanh nghiệp mất một khách hàng có thể không ảnh hưởng đến doanh thu, nhưng nếu với cách làm thiếu chuyên nghiệp như vậy, sẽ còn mất nhiều khách khác nữa.

Một vấn nạn khác của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam đó là bán hàng kém chất lượng. Một đồng nghiệp của tôi cho biết vào khoảng tháng 10, khi trang thương mại điện tử ebay.vn bán giảm giá đồng hồ Akribos từ 15 triệu đồng xuống còn gần 1,3 triệu đồng, bạn tôi đã tin tưởng thương hiệu của sàn thương mại điện tử đó nên đặt mua. Nhưng khi nhận được sản phẩm thì hỡi ôi chất lượng quá tệ, bạn tôi liên hệ đến bộ phận chăm sóc khách hàng để đổi sản phẩm khác, nhưng đến nay sau hơn 2 tháng vẫn bặt vô âm tín. Đặc biệt, cùng sản phẩm trên khi giảm giá tại ebay.vn vẫn cao hơn trang thương mại điện tử số một thế giới hiện nay là amazon.com. Và đương nhiên anh bạn đồng nghiệp cũng tẩy chay trang thương mại điện tử này. Câu chuyện chất lượng hàng hóa trên nhiều trang thương mại điện tử đã được các cơ quan truyền thông nhắc đến nhiều, song dường như đâu vẫn vào đó, người mua vẫn thường nắm đằng lưỡi, ôm lấy thất vọng.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng về chất lượng hàng hóa ngay cả những web thương mại điện tử nổi tiếng trên thế giới cũng không thể kiểm soát được chất lượng hoàn toàn. Song theo tôi, thị trường Việt Nam còn mới, các doanh nghiệp cần phải làm chuyên nghiệp và tạo dựng uy tín ngay từ đầu, lỗi sản phẩm có thể có nhưng cần phải hạn chế tối đa. Thị trường tuy khốc liệt nhưng với những người chuyên nghiệp sẽ có chỗ đứng vững trên thị trường. Câu chuyện bán hàng kém chất lượng, nâng giá cao rồi giảm giá khủng, quy trình hậu mãi thiếu chuyên nghiệp của nhiều trang thương mại điện tử Việt Nam cần phải sớm được chấn chỉnh tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

(TPHCM)

Các tin khác