Giải quyết thấu tình, đạt lý tại các trạm BOT

(ĐTTCO) - Những ngày này nhiều trạm thu phí BOT ở các tỉnh ĐBSCL đã xảy ra xung đột dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.
Giải quyết thấu tình, đạt lý tại các trạm BOT
Cụ thể, ngày 8-1 nhiều xe tải, ô tô của cá nhân, doanh nghiệp đã yêu cầu trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp giảm giá vé và “thu đúng, thu đủ” so với chặng đường họ sử dụng trên tuyến Quốc lộ 1A. Việc nhiều phương tiện dừng lưu thông để phản đối trạm BOT này không thực hiện giảm giá, đã khiến tuyến đường từ Cần Thơ đi Hậu Giang bị kẹt xe hơn 1km. Tài xế bấm còi inh ỏi, nhiều người tập trung tại cabin thu phí làm trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trở nên hỗn hoạn.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chỉ đạo chủ đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp xả trạm.
Cũng trong thời gian này, tại trạm thu phí BOT Sóc Trăng (trên địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã xảy ra tình trạng tài xế đậu xe vào các làn thu phí để phản ứng việc trạm đặt không đúng chỗ, thu phí cao, xe đã đóng phí quản lý đường bộ nhưng vẫn phải mua vé qua trạm, xe không đi đường tránh vẫn phải mua vé…
Nhiều tài xế đậu xe chiếm hết các làn đường rồi bỏ đi; chạy xe lòng vòng; dùng tiền lẻ, tiền xu mua vé; thuê múa lân, đem heo quay, gà sống, hàng mã tới trạm cúng vái… khiến tình hình an ninh trật tự khu vực thu phí trở nên phức tạp. Trước thực trạng này, giữa tháng 1 này UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung báo cáo tình hình cũng như kiến nghị xử lý các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Sóc Trăng (địa bàn). 
Thực tế, từ năm 2010 đến nay, trên cả nước đã có hàng chục dự án, công trình đường bộ triển khai làm theo hình thức BOT. Kết quả đáng ghi nhận là đã góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông ở các vùng, miền. Song bên cạnh đó cũng tạo ra một số mặt hạn chế, lộn xộn, tranh chấp.
Nguyên nhân có nhiều, cần được xem xét, đánh giá toàn diện. Đây là việc rất cần thiết, phải tiến hành ngay với tất cả dự án công trình đã có, đã hoàn thành hoặc đang thi công dở dang. Từ việc tổng kiểm tra này, các bộ, ngành hữu quan cần đưa ra các quy chế, quy định cần thiết để hoàn thiện việc quản lý hiện hành và tiếp tục triển khai các dự án BOT.
Điều đặc biệt là phải công khai, minh bạch trong từng khâu; xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trong đó cần đặc biệt chú trọng ngăn ngừa tình trạng lợi ích nhóm, tư túi. Một vấn đề không kém phần quan trọng là cần sớm áp dụng phương án thu phí tự động, tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên thu phí và nộp phí.
Về phía lái xe, các bác tài có thể thông qua các hiệp hội, nghiệp đoàn hoặc liên kết tập thể, nhân dân thông qua chính quyền địa phương trực tiếp đề xuất, kiến nghị, kể cả khiếu kiện theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương khi gặp chuyện này cần phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết ngay, kể cả việc tạm dừng thu phí.
Để xảy ra những bất cập, sai phạm dẫn đến bức xúc trong dư luận, cần làm rõ trách nhiệm của những người nghiên cứu cũng như ký phê duyệt dự án BOT, ký hợp đồng BOT. Những cơ quan chức năng này yếu về trình độ hay là có vấn đề gì đó không minh bạch, dấm dúi với nhà đầu tư, các cơ quan nội chính Trung ương cũng cần nhanh chóng vào cuộc. 

Các tin khác