Du lịch - Lo hơn mừng

Chưa hết mừng với tin Việt Nam lọt vào top 50 tour du lịch trọn đời của thế giới (ĐTTC số 417 ra ngày 9-5-2011), chúng tôi thấy lo vì thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn du lịch trên biển, trên sông và đường bộ đáng tiếc.

Chưa hết mừng với tin Việt Nam lọt vào top 50 tour du lịch trọn đời của thế giới (ĐTTC số 417 ra ngày 9-5-2011), chúng tôi thấy lo vì thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn du lịch trên biển, trên sông và đường bộ đáng tiếc.

Mới đây nhất là vụ chìm tàu nhà hàng du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn, cướp đi sinh mạng nhiều người. Trước đó, là các vụ chìm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long của công ty Hải Long gần hang Sửng Sốt ngày 8-5-2011; tàu Trường Hải 06 chìm gần đảo Ti Tốp khiến 12 du khách thiệt mạng, trong đó có 10 người nước ngoài vào ngày 17-2-2011; tàu du lịch Minh Quang 08 cháy rụi vào ngày 28-2-2010…

Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015 thu hút 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng chính trong cả giai đoạn đạt 16,5%, thu nhập du lịch đạt khoảng 11 tỷ USD, đưa tỷ trọng GDP du lịch chiếm 5,5-6% GDP cả nước...

Đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp cao đi đôi với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu... Và năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến có đẳng cấp trên thế giới...

Trước mắt, Tổng cục Du lịch đang tập trung vào một số giải pháp cơ bản giai đoạn 2011-2015 là phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch chất lượng cao, giải quyết các vấn đề môi trường nhằm phát triển du lịch “xanh”. Đảm bảo môi trường du lịch là yếu tố hấp dẫn, quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu du lịch.

Tuy nhiên, các vụ tai nạn gây thiệt hại về người gần đây cho thấy việc quản lý an toàn tai nạn trong hoạt động du lịch đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Nhìn rộng ra các biện pháp tổ chức và quản lý từ phía ngành du lịch và các cơ quan kiểm tra, giám sát lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chưa theo kịp yêu cầu.

Một trong những đặc điểm - cũng là sản phẩm nổi bật - của du lịch Việt Nam là biển đảo, sông nước. Tuy nhiên hầu hết phương tiện vận tải khách du lịch và kết hợp vận tải với dịch vụ khác như nhà hàng ăn uống… đều chưa hiện đại, không đạt các quy chuẩn về an toàn kỹ thuật; nhân lực phục vụ thiếu kỹ năng về an toàn cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn…

Mặt khác, tại các điểm du lịch trên cả nước cho đến nay vẫn chưa xây dựng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đào tạo bài bản, trang bị hiện đại và tổ chức chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các phương tiện này rất dễ gặp nạn và khi đó thiệt hại không nhỏ. Thiệt hại ở đây, bên cạnh con người, vật chất, thương hiệu du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn và lâu dài.

Để đạt được những mục tiêu của ngành du lịch trong giai đoạn mới, trong các giải pháp tổng thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp, ngành du lịch cần sớm thực hiện những giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, nhất là đối với kinh doanh các dịch vụ liên quan đến du lịch biển, sông nước.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là Tổng cục Du lịch cần sớm phối hợp với cơ quan liên quan (như ngành giao thông - vận tải) xây dựng và áp dụng các quy chuẩn an toàn cao, khắt khe đối với nhân lực và phương tiện vận tải khách du lịch. Để các quy chuẩn đó được nghiêm túc thực hiện, cần có sự tham gia của chính quyền các địa phương - nhất là địa phương du lịch trọng điểm - trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chế tài mạnh các hoạt động kinh doanh du lịch có khả năng thiếu an toàn đối với du khách.

Bên cạnh đó, các địa phương có điểm du lịch tập trung cần tổ chức lại và nâng tính chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Có như vậy thương hiệu du lịch Việt Nam với hình ảnh đất nước tươi đẹp, an toàn mới được nâng cao. 

Các tin khác