Đầu tư vô bổ, lãng phí nguồn lực

(ĐTTCO) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã thông tin về việc sẽ xây dựng dự án Nhà hát Hoa Sen sức chứa 2.000 chỗ ngồi bên trong, khu vực xung quanh nhà hát có thể chứa khoảng 25.000 người vào vui chơi hàng ngày. 
Đầu tư vô bổ, lãng phí nguồn lực
Công trình được xây dựng trên diện tích 4ha, cao 54m gồm 6 tầng và được thiết kế như 5 hoa sen nổi trên mặt nước. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí... Dự án được TP Hà Nội khẳng định là lớn và hiện đại nhất Thủ đô và được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm sau. Cùng với nhà hát Hoa Sen, TP Hà Nội cũng sẽ dành khu đất 24ha để xây dựng nhà hát Opera và khu giải trí tại khu vực Đầm Trị (Hồ Tây).

Quả thực, việc đầu tư cho văn hóa nâng cao đời sống nhân dân là một phần không thể thiếu của xã hội, điều đáng làm. Tại các quốc gia tiên tiến, hiện đại luôn có những bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên hoành tráng, nổi tiếng, là điểm đến của rất nhiều người dân sở tại và khách du lịch thập phương. Và Việt Nam vẫn rất thiếu những địa chỉ văn hóa hấp dẫn như vậy. Song, nhiều công trình được đầu tư tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng sau nhiều năm vẫn chưa phát huy được công năng, chưa mang tới cho cộng đồng những giá trị tinh thần tốt nhất.

Nếu liệt kê những công trình văn hóa lãng phí hàng tỷ đồng, có lẽ sẽ trải dài khắp đất nước. Như tại Quảng Ninh, một công trình văn hóa có mức đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng đã hoàn thành hơn 3 tháng nhưng đến ngày khai trương cũng chưa có phương án khai thác đem lại nguồn lợi. Mục đích Quảng Ninh đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để có nơi trưng bày các đồ án quy hoạch, hội tụ, giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế... Đến nay, sau gần 1 năm đưa vào khai thác, người dân Quảng Ninh đang mong chờ các nhà quản lý khai thác có hiệu quả công năng của công trình văn hóa ngàn tỷ này, qua đó đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời đem lại hiệu quả cho ngân sách nhà nước, tránh lãng phí trong đầu tư.

Được khánh thành từ gần 8 năm nay, nhưng Bảo tàng Hà Nội chưa thực sự trở thành nơi thu hút sự quan tâm của người Hà Nội cũng như du khách thập phương khi đến với thủ đô. Công trình này đã từng được đánh giá chỉ là “văn hóa vỏ” tức là bề ngoài thì to đẹp, lộng lẫy nhưng nội dung trưng bày bên trong nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Ngoài một số triển lãm nghệ thuật đơn lẻ, bảo tàng vẫn tiếp tục rơi vào cảnh đìu hiu. Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật (thường gọi Nhà hát Ba Nón Lá ở tỉnh Bạc Liêu) là công trình văn hóa có quy mô đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành cho đến nay, ngoài phục vụ 1-2 đợt liên hoan, còn thường ngày không mấy khi sáng đèn phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. 

Theo tôi, trong bối cảnh cả nước đang đối diện với những tình trạng kẹt xe, giao thông, quá tải bệnh viện, nước ngập... nếu có một chiến dịch xúc tiến đầu tư mời gọi vốn tư nhân vào phát triển, nên ưu tiên những dự án phát triển hạ tầng như chống ngập, mở đường, đường sắt... thay vì tiếp tục mời gọi làm nhà hát này đến sân đua ngựa khác. Chúng ta cần phải hướng các nguồn lực vào các công trình quốc kế, dân sinh. Để làm được điều này cần tầm nhìn và chiến lược quy hoạch của các nhà quản lý.
(TPHCM)

Các tin khác