Có bàn tay “bẩn” sau chai nước mắm?

(ĐTTCO) - Những ngày qua, câu chuyện nước mắm đang trở thành một trong những đề tài nóng nhất trên báo chí và mạng xã hội. Bản thân những người tiêu dùng chúng tôi cảm thấy rất hoang mang không biết nên tin vào đâu. Chuyện bắt đầu từ một bài báo đánh thẳng vào sản phẩm Nam Ngư - một đại diện tiêu biểu của nước mắm công nghiệp.

(ĐTTCO) - Những ngày qua, câu chuyện nước mắm đang trở thành một trong những đề tài nóng nhất trên báo chí và mạng xã hội. Bản thân những người tiêu dùng chúng tôi cảm thấy rất hoang mang không biết nên tin vào đâu. Chuyện bắt đầu từ một bài báo đánh thẳng vào sản phẩm Nam Ngư - một đại diện tiêu biểu của nước mắm công nghiệp.

Ngay sau bài báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường. Thế nhưng, khi Bộ Y tế chưa có kết luận chính thức, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã nhanh nhảu công bố kết quả đợt khảo sát nước mắm trên toàn quốc.

Trong đó, có 49 mẫu khảo sát có hàm lượng nước mắm nằm trong ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam (arsen tổng dưới 1mg/lít), còn đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,3%) không đạt quy định, cao quá mức cho phép. Và danh sách trong nhóm vượt ngưỡng cho phép có một số sản phẩm nước mắm truyền thống được nhiều người ưa chuộng như Hạnh Phúc, chiều ngược lại nhóm an toàn có Nam Ngư.

Ban đầu tôi khá hoang mang, nhưng khi xem xét có vẻ mọi chuyện đang đi theo chiều hướng khác. Khi Thủ tướng đang yêu cầu kiểm tra chất lượng nước mắm công nghiệp, kết quả khảo sát của Hội Người tiêu dùng lại đánh vào nước mắm thủ công, đồng thời đánh đồng, mập mờ khái niệm arsen hữu cơ và vô cơ khiến người tiêu dùng vốn đang lo sợ tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chung lại càng thêm bất an.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả này được đăng tải rộng rãi đã có nhiều bài phân tích chỉ ra sự vô lý của kiểm nghiệm này và cho rằng đây là chiêu trò bẩn của một ông lớn trong lĩnh vực nước mắm công nghiệp nhằm giết chết nước mắm thủ công, rồi sau đó sẽ lợi dụng kẽ hở để quảng bá giống như đòn đánh vào nước tương truyền thống nhiễm chất 3 - MCPD cách đây vài năm. Đại diện hội cho biết cuộc khảo sát có nhà tài trợ nhưng không nêu tên, đồng thời khẳng định đơn vị đó không nằm trong diện có liên quan ở khảo sát lần này. Cách trả lời chưa rõ ràng này làm cơ sở cho vô vàn nghi ngờ. Tất nhiên, một kết quả khảo sát của hội chưa hoàn toàn chính xác, nhưng tác động khiến dư luận hoang mang của nó lại quá lớn.

Để kết luận có đúng thị trường nước mắm đang bị tung hỏa mù hay không lại không dễ dàng, và người tiêu dùng cần có sự công bằng, những doanh nghiệp làm ăn chân chính càng cần có sự rõ ràng hơn. Giả sử có bàn tay bẩn, nếu không tỉnh táo người tiêu dùng sẽ vô tình tiếp tay giết một ngành truyền thống của Việt Nam với hàng trăm ngàn hộ dân làm nước mắm chân chính để ủng hộ thứ hóa chất cũng được dán mác nước mắm kia.

Sắp tới Bộ Y tế sẽ công bố kết quả thanh tra chất lượng nước mắm. Mong rằng kết quả của một bộ ngành Trung ương đại diện cho sức khỏe của người dân sẽ công khai, minh bạch và chính xác. Quyết định cuối cùng trong chọn lựa sản phẩm luôn nằm trong tay những người tiêu dùng, song để chọn đúng, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, phải có những định hướng có tâm từ những người quản lý, nhất là những người đang đại diện cho chúng tôi như Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.

(TPHCM)

Các tin khác