Chống khai thác trái phép, cát xây dựng bị làm giá

(ĐTTCO) - Những ngày qua giá cát xây dựng đã tăng một cách bất thường. Tại TPHCM, mặt bằng giá cát vốn đã cao nay còn bị đẩy lên mức kỷ lục. 
Chống khai thác trái phép, cát xây dựng bị làm giá
Đầu tuần trước, giá cát vàng xây tô bán lẻ dao động 220.000-260.000 đồng/m3, nhưng hiện đã cán mức 450.000-500.000 đồng/m3, những công trình đang xây dựng dở dang bị đầu mối bán cát đẩy lên 600.000-700.000 đồng/m3; cát san lấp từ 150.000-170.000 đồng/m3 lên 250.000-270.000 đồng/m3.
Tôi đang xây nhà, đến một cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Bình Tân mua cát vàng xây tô loại 2 với giá 1,8 triệu đồng/xe loại 5m3 (trước đây 1,1 triệu đồng/xe); 2,6 triệu đồng/xe đối với cát vàng xây tô loại 1 (trước đây từ 1,3-1,4 triệu đồng/xe). Chủ cửa hàng này cho biết giá cát tăng liên tục trong 1 tháng qua do nguồn hàng khan hiếm. Ông này còn cho rằng do tình hình ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu gần đây bị xử lý nghiêm, đã khiến giá cát tăng cao.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết hiện nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các TP lớn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát trên phạm vi cả nước đang tăng mạnh, từ 92 triệu m3 vào năm 2015 có thể tăng lên 130 triệu m3 vào năm 2020. Nhu cầu tăng trong khi một lượng lớn cát cung ứng thời gian qua là cát lậu nên với việc siết chặt khai thác cát tại các địa phương làm cho nguồn cung khan hiếm, đẩy giá cao lên.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, đúng là có hiện tượng một phần nguồn cung cát bị thiếu hụt do việc ngăn chặn khai thác cát trái phép, song việc thiếu hụt này chưa đến mức khiến giá tăng cao, có nơi lên 2-2,5 lần.
Nhiều khả năng đây là hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Theo đó, giới buôn bán cát đã lợi dụng chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng để tạo sự khan hàng, đẩy giá cát tăng cao. Phần nữa giá cát tăng phi mã còn do tâm lý thị trường, tức các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng tự nâng giá lên khi thấy thị trường hút hàng, nhu cầu về xây dựng đang rất lớn.

Đúng là cát đang bị làm giá, nhưng có một thực tế, tài nguyên này cũng ngày càng cạn kiệt do nạn khai thác cát lậu diễn ra trong suốt nhiều năm qua. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện tổng tài nguyên cát chỉ khoảng hơn 2 tỷ m3, nhưng chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng đã lên tới 131-140 triệu m3, đến năm 2020 con số này lên 182-197 triệu m3.
Nếu không quy hoạch và tìm loại vật liệu khác thay thế, nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn. Ở nhiều công trình đã phải dùng đến cát nhân tạo, được tạo ra từ việc nghiền đá, như công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...

Chủ trương siết chặt việc khai thác cát trên sông là đúng đắn và cần thiết. Đây là tài nguyên quý của đất nước, nếu không kịp thời ngăn chặn việc khai thác bừa bãi tại hầu hết dòng sông trên cả nước, nguồn tài nguyên này sẽ cạn kiệt.
Theo đó, cần kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức đẩy giá cát lên để kiếm lợi từ khách hàng. Bởi lẽ, nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến thị trường vật liệu xây dựng mà còn là tiền lệ xấu, tạo áp lực lớn đối với các công trình xây dựng và người tiêu dùng. Tức chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong ngăn chặn nạn cát tặc đang bị số ít người lợi dụng, trục lợi. 

Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, cũng như xây dựng nhà của của người dân ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu cát xây dựng cũng sẽ rất lớn. Trong bối cảnh này, ngoài việc quy hoạch khai thác cát, sỏi để khoanh vùng khu vực được phép khai thác và không được phép khai thác, tổ chức đấu thầu để các doanh nghiệp làm ăn chính đáng vào khai thác, cần sớm nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng.
Theo đó, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng. Tất nhiên, việc khai thác cát mặn cũng cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt không gây sạt lở và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân khu vực ven biển có dự án khai thác cát.
(TPHCM)

Các tin khác