Xuất khẩu 2012: Chủ động tháo gỡ, vượt qua thách thức

Dù xuất khẩu năm 2011 được nhìn nhận là khả quan so với kế hoạch, nhưng theo các chuyên gia không có nghĩa năm 2012 hoạt động này sẽ có nhiều thuận lợi. Nguyên nhân bắt nguồn từ những bất ổn, khó khăn của kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu…. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu là hết sức tiết giảm chi phí để giảm giá bán, tận dụng tốt các thị trường truyền thống cũng như nắm bắt các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Dù xuất khẩu năm 2011 được nhìn nhận là khả quan so với kế hoạch, nhưng theo các chuyên gia không có nghĩa năm 2012 hoạt động này sẽ có nhiều thuận lợi. Nguyên nhân bắt nguồn từ những bất ổn, khó khăn của kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu…. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu là hết sức tiết giảm chi phí để giảm giá bán, tận dụng tốt các thị trường truyền thống cũng như nắm bắt các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

> Chiến lược mới cho xuất khẩu

Khó khăn đang ở phía trước

Năm 2012 Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, tạo ra những cơ hội to lớn cho thu hút đầu tư và phát triển xuất khẩu.

Tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và khả năng phản ứng chính sách, phản ứng trước diễn biến phức tạp của thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta đang đối mặt với không ít khó khăn do chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thắt chặt, lãi suất ở mức cao.

Ngoài ra, nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới làm cho khó khăn, thách thức thị trường có thể lớn hơn, khó lường hơn so với dự báo.

Để đối phó với những diễn biến khó khăn của thị trường thế giới, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, về dệt may, định hướng thị trường xuất khẩu thời gian tới vẫn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông. Bên cạnh đó cần hạn chế tác động tiêu cực và phát huy, khai thác lợi thế ở gần thị trường Trung Quốc.

TS. NGUYỄN MINH PHONG,
Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội 

Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy năm 2012 tăng trưởng kinh tế thế giới còn 4%, thấp hơn so dự báo trước đó 0,3%.

Citigroup hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 2,9%, trong khi Goldman Sachs dự báo năm 2012 chỉ tăng trưởng 3,5%.

Dù các dự báo khác nhau về con số cụ thể nhưng có thể thấy tinh thần chung của các dự báo trên là kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tiêu cực hơn năm 2011.

TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nguy cơ suy giảm cao và lạm phát vẫn là nỗi lo chính, trong khi các công cụ, chính sách tài chính, tiền tệ bị hạn chế.

Các thống kê cho thấy dòng vốn vào các nước đang phát triển giảm 20% trong 2 tháng 7 và 8, tăng trưởng thương mại giảm và sẽ có một đợt suy thoái toàn cầu mới…

Ở trong nước, với việc Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ nên tín dụng sẽ giảm, do vậy doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Nhưng sẽ khó khăn hơn nếu cắt giảm tín dụng theo hướng “đổ đồng”, bởi nếu như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án mang lại hiệu quả.

Vì thế, dù chủ trương mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần nhưng với mức lãi suất 17-19%/năm doanh nghiệp tồn tại cũng hết sức khó. Bộ Công Thương cũng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 khó đạt cao, chỉ vào khoảng 12% so với năm 2011 (tổng giá trị khoảng 106 tỷ USD).

Nguyên nhân do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn nên giá cả hàng hóa, nhu cầu nhập khẩu ở nhiều thị trường chính của Việt Nam đi xuống, nên sẽ khó tăng xuất khẩu dựa vào giá.

Ổn định thị trường trọng điểm

Theo Bộ Công Thương, dù kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 78 tỷ USD, tăng 34,6%), nhưng những lĩnh vực sản xuất chủ lực như dệt may, giấy… đang không thuận lợi. Điều này thể hiện rõ qua việc từ đầu quý III sản xuất giấy đã có dấu hiệu trì trệ do sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho tăng.

Năm 2012, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý và chủ động đối phó với những rào cản xuất khẩu, trong đó cần chú ý đến thị trường Hoa Kỳ. Bởi các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục được Hoa Kỳ thắt chặt hơn trong năm tới. Bên cạnh đó tăng cường và nâng cao công tác dự báo thị trường, thông tin, nhận thức của nhà xuất khẩu về những rào cản của các nhà nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng hóa, tập trung các sản phẩm truyền thống, kim ngạch cao…

Ông ĐỖ THẮNG HẢI,
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Sản xuất dệt may cũng đang gặp khó, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình thị trường xuất khẩu mặt hàng dệt may đang có những diễn biến trái chiều do hai thị trường chính là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang phải đối mặt với bất ổn tài chính trong nước. Yếu tố này đã tác động đến hoạt động sản xuất, thị trường có dấu hiệu trì trệ hơn trong việc đặt các lô hàng mới của quý I-2012.

Hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng cuối năm.

Quan điểm cá nhân về giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn trong thời gian tới, theo TS. Hà Huy Tuấn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng, nên ổn định các thị trường nhập khẩu cũ; nâng cao chất lượng sản phẩm đã có và giảm giá bán thông qua giảm các chi phí trung gian.

Về vấn đề vốn, doanh nghiệp nên tiết kiệm tối đa, hạn chế dùng các đòn bẩy, đầu tư có trọng điểm, thu hồi và quay vòng vốn nhanh. Về cơ bản, theo nhận định của ông Tuấn, năm 2012 xuất khẩu của Việt Nam sẽ ổn định vì mặt hàng chủ lực (như dầu thô, than đá, gạo, cao su, giày dép, dệt may…) đang là những mặt hàng tiêu dùng chủ yếu của nền kinh tế nhiều nước, cái khó là gánh nặng cho từng doanh nghiệp.

Nắm bắt để đối phó các rào cản

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhận định do kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nên nhiều nước có xu hướng nâng cao các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

Thống kê của WTO cho thấy các nước áp dụng biện pháp bảo hộ tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến nay. Hàng năm, WTO đều đưa ra các báo cáo về vấn đề này và gây sức ép để các nước không sử dụng các biện pháp này, nhưng thực tế các hình thức bảo hộ vẫn được áp dụng và tinh vi hơn.

Đưa hàng xuất khẩu xuống tàu. Ảnh: TỰ TRUNG

Đưa hàng xuất khẩu xuống tàu. Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu như trước đây các biện pháp bảo hộ chỉ thực hiện đơn giản như cấm đoán, hạn ngạch thì nay chuyển sang chống trợ cấp, bán phá giá, hàng rào kỹ thuật và lại tăng ở các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam.

Thậm chí, một số nước bảo hộ cho xuất khẩu một cách tinh vi hơn bằng cách cung cấp bảo lãnh cho người nước ngoài mua hàng hóa của nước đó để tăng xuất khẩu. Biện pháp này sẽ làm khó cho Việt Nam nếu đó là thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

“Với các hàng rào được đưa ra để bảo hộ, doanh nghiệp sẽ phải quen dần. Ở góc độ Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hết mức trong việc ngăn các vụ việc chống bán phá giá, rào cản định áp dụng với Việt Nam” - ông Khánh nói.

Về cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thời gian tới, ông Khánh cho biết mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương, nhằm giúp doanh nghiệp tăng cơ hội xuất khẩu. Trước mắt, doanh nghiệp cần tận dụng các ưu đãi đã ký trong các FTA với Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc…

Sắp tới, Việt Nam sẽ ký FTA với Chile. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường có thu nhập đầu người khá cao này. “Chúng tôi chỉ tạo ra cơ hội còn nắm bắt được hay không là của doanh nghiệp” - ông Khánh nói.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp về việc liệu doanh nghiệp dệt may có phải đối mặt khi vào thị trường Hoa Kỳ năm 2012, ông Khánh cho biết đây vẫn là thị trường lớn cho Việt Nam, doanh nghiệp cần tăng hoạt động xuất khẩu.

Do đặc thù của mặt hàng này nên Hoa Kỳ rất khó kiếm cớ để hạn chế mặt hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam như chống bán phá giá, trợ cấp vì mặt hàng này không ảnh hưởng đến sản xuất của Hoa Kỳ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, cho biết đã dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng.

Trong đó, khách hàng xuất khẩu sẽ được ưu đãi đặc biệt như giảm lãi suất vay 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng; giảm tối đa phí cho khách hàng xuất nhập khẩu (như giảm 30% phí thanh toán, giảm 50% phí chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền điện tử của ngân hàng).

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tài trợ xuất khẩu trước giao hàng đối với khách hàng có hợp đồng xuất khẩu với tỷ lệ tài trợ 90% vốn vay.

Các tin khác