Xử lý cục nợ chưa trôi

(ĐTTCO) - Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng (NH) đã được đưa về dưới 3% như mục tiêu đề ra và các NHTM tiếp tục đặt kế hoạch nợ xấu thấp trong năm nay. Tuy nhiên, trường hợp của doanh nghiệp (DN) hàng đầu như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) rơi vào khó khăn vì nợ vay, cho thấy tình trạng nợ của DN tại NHTM không phải lúc nào cũng lành mạnh như con số báo cáo.

(ĐTTCO) - Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng (NH) đã được đưa về dưới 3% như mục tiêu đề ra và các NHTM tiếp tục đặt kế hoạch nợ xấu thấp trong năm nay. Tuy nhiên, trường hợp của doanh nghiệp (DN) hàng đầu như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) rơi vào khó khăn vì nợ vay, cho thấy tình trạng nợ của DN tại NHTM không phải lúc nào cũng lành mạnh như con số báo cáo.

Rủi ro từ đảo nợ

Cuối tháng 3, một thông tin gây chú ý trong giới tài chính là các NH chủ nợ của HAGL phải họp kín để bàn về việc tái cơ cấu một số khoản nợ của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - công ty con của HAGL. Trước đó, cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN đã có văn bản gửi các NHTM có quan hệ tín dụng với HAGL, trong đó có nội dung yêu cầu báo cáo chi tiết về các khoản nợ của DN này. Thực tế câu chuyện của HAGL không phải là cá biệt mà đang diễn ra rất phổ biến ở hầu hết DN. Điều này cho thấy bức tranh nợ xấu thực sự có thể còn rất lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Câu chuyện của HAGL không phải là cá biệt trên thị trường. Hiện nay rất nhiều DN trong nước đang rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt, nhiều DN bất động sản đang đứng trên đống nợ mặc dù có khối tài sản khổng lồ, do thị trường đóng băng dài thời gian qua và đến nay vẫn chưa hồi phục bền vững. Để tồn tại, những DN này phải liên tục cấu trúc lại nợ. Nếu đánh giá một cách sòng phẳng, nhiều khả năng nợ của những DN này đã là nợ xấu.

Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán hàng năm ghi nhận lợi nhuận rất lớn của HAGL. Thông tin từ DN này công bố cũng cho thấy HAGL đang sở hữu khối tài sản khổng lồ có trị giá cao. Tuy nhiên, điều khiến giới tài chính tỏ ra quan ngại là trong báo cáo tài chính, dù DN này vạch ra chiến lược phát triển nhiều tiềm năng nhưng cũng thể hiện khoản vay nợ quá nhiều với lãi suất rất cao, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không thể đủ trả các khoản nợ khổng lồ đến hạn. Như vậy cách duy nhất để không bị xếp vào DN bị nợ xấu là phải liên tục đảo nợ. Theo giới phân tích, những khó khăn của HAGL không chỉ từ nguyên nhân mảng nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết, giá nông sản, cao su sụt giảm, mà còn do hệ thống quản trị của HAGL đang có vấn đề. Việc liên tục mở rộng đầu tư với tốc độ rất nhanh, trong khi trình độ quản trị không theo kịp đã dẫn đến rủi ro. HAGL đang phải trả giá cho những vấn đề của mình khi giá cổ phiếu giảm hơn 70% trong năm qua và hiện ở dưới 8.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn vào dòng tiền của HAGL, nhiều khả năng DN này khó trả được các khoản nợ đến hạn. Như vậy, nếu không tái cấu trúc, những món nợ này sẽ biến thành nợ xấu. Theo quy định hiện nay, chỉ cần một trong những khoản nợ thành nợ xấu thì toàn bộ nợ của HAGL tại tất cả NH sẽ biến thành nợ xấu.

Nợ xấu chỉ tạm lắng

Gần đây vấn đề nợ xấu có vẻ lắng xuống, dù năm 2015 có nhiều biến động trong hệ thống NH. Trong báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH năm 2015, NHNN cho biết đến cuối tháng 11-2015, nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%. Số liệu nợ xấu năm 2015 kết thúc là một con số “đẹp”, đúng như NHNN cam kết từ hồi đầu năm. Báo cáo tài chính của các NHTM cũng cho thấy nợ xấu phần lớn thấp hơn 3%, thậm chí một số NH thấp hơn 1%. Với những con số trên báo cáo tài chính, nợ xấu của hệ thống NH đang ở mức rất tốt.

Vì thế, nhiều NH tiếp tục đặt kế hoạch nợ xấu năm nay ở mức thấp. Cụ thể, Vietcombank đặt kế hoạch nợ xấu ở mức thấp hơn 2,5% so với mức 1,84% cuối năm 2015; LienVietPostBank dưới 1,5% (năm 2015 là 0,88%); BacAbank dưới 2%; NamAbank và ACB dưới 3%... Bức tranh về nợ xấu của hệ thống NH nhìn từ những con số công bố có vẻ đã sáng sủa hơn. Tuy nhiên, thực tế có thể khác nếu nhìn thẳng vào tình trạng nợ xấu hiện nay. Chẳng hạn, Sacombank phải gánh cục nợ xấu sau khi sáp nhập Southernbank, khi phải chịu lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV-2015 do phải trích lập dự phòng tăng đột biến. Hay trường hợp mới nhất là Eximbank vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, vì thua lỗ nặng trong năm 2014 và 2015.

Theo thông tin được công bố, hiện VAMC đang tồn kho hơn 220.000 tỷ đồng nợ xấu, đây đều là những khoản nợ xấu được mua thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. Như vậy, theo quy định hiện nay, VAMC chỉ là cất tạm nợ xấu và mọi nghĩa vụ về việc xử lý trách nhiệm vẫn thuộc về NH đã bán nợ cho VAMC. Điều lợi của các NHTM là số nợ xấu này trên sổ sách sẽ biến mất, thay vào đó là trái phiếu. Ngoài ra, nợ xấu do VAMC mua lại chiếm khoảng 4,8% tổng dư nợ toàn hệ thống, nếu cộng với khoản nợ xấu tại các NH, có thể ước tính nợ xấu cho nền kinh tế lên đến gần 8%. Tuy nhiên, đó chỉ là con số bề nổi có thể nhìn thấy được, còn con số thật sự mới là điều đáng lo ngại. Điều đáng nói, việc xử lý nợ xấu đang diễn ra khá chậm chạp. Ngay cả những khoản nợ được xác định là xấu,  VAMC đã mua, cũng chưa xử lý hiệu quả do thiếu cơ chế lẫn nguồn lực. 

Các tin khác