Xây “tường lửa” hạn chế rủi ro hội nhập

Trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, củng cố quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, tìm kiếm mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường huy động, hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam.

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Viện chiến lược Ngân hàng, Học Viện ngân hàng và Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 8/12, tại Hà Nội.

Hiệu quả hội nhập

Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của tất các các tổ chức quốc tế lớn: tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, đứng thứ 5 trên tổng số 10 nước thành viên ASEAN về số lượng FTA. Xét về góc độ mở của nền kinh tế tính bằng tỷ lệ kim ngạch ngoại thương/GDP, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá tình hội nhập, hệ thống ngân hàng được mở rộng với lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 1,7 lần trong giai đoạn 2007-2014, nâng tỷ trọng của nhóm ngân hàng này tăng từ 40,6% (năm 2007) lên 54,1%, cho thấy sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống tài chính của nước ta.

Theo thống kê, hiện đã có 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, trong đó chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc chiếm chủ yếu, còn lại là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ các quốc gia thuộc khu vực châu Âu như (Anh, Pháp...) và Mỹ.

Còn một số ngân hàng trong nước cũng đã tìm được một số đối tác chiến lược là các ngân hàng nước ngoài như VietinBank, Vietcombank, VIB, ABBANK...

Phó Thống đốc đánh giá, thời gian qua, trong phát triển hội nhập, đặc biệt là sự quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã tạo được sự phát triển theo hướng hiện đại, vững mạnh, có khả năng cạnh tranh và hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo niềm tin đến công chúng và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp điều hành hợp lý chính sách tiền tệ, tỷ giá và quản lý vốn, qua đó thúc đẩy dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2012-2014, tạo nguồn lực “vật chất” quan trọng hỗ trợ ngược trở lại cho công tác quản lý ngoại hối và ổn định tỷ giá, đóng góp lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian qua.

Điểm đáng chú ý là giai đoạn từ năm 2012 trở lại đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam đạt được sự độc lập cao trong điều kiện tỷ giá hối đoái ổn định, tự do hóa luồng vốn mở rộng hơn cùng với sự gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối.

“Tường lửa” để tự bảo vệ

Tuy vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra thực tiễn cho thấy hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn chưa cao, quá trình đổi mới ở trong nước, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện thể chế chưa theo kịp lộ trình và mức độ cam kết quốc tế, chưa xây dựng được các chiến lược đối phó với rủi ro và các cú sốc khi hội nhập sâu hơn.

"Chúng ta chưa chú trọng đúng mức việc thúc đẩy hội nhập trong nước, gia tăng vùng miền, phát huy nội lực để xây dựng nền tảng vững chắc cho hội nhập bên ngoài," Phó Thống đốc nêu nhận xét.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chỉ ra, sự phát triển ngày càng sâu rộng của các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế có tiềm lực tài chính, kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm lâu năm đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo ông Minh Anh, để có thể cạnh tranh được với các tổ chức tín dụng nước ngoài, các ngân hàng thương mại Việt Nam phải cải thiện về vốn, công nghệ, quản lý điều hành... để nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Cũng theo các đại biểu tại hội thảo, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP sẽ tạo áp lực thay đổi cơ cấu pháp lý đối với hệ thống ngân hàng, chính vì vậy, các ngân hàng cần xây dựng “tường lửa”, hạn chế đầu cơ, đầu tư rủi ro. Hạn chế các ngân hàng đầu tưu vào công cụ tài chính rủi ro như chứng khoán phái sinh, kiềm chế dòng chảy của tiền trong hệ thống ở quy mô lớn, có khả năng gây mất ổn định dòng tiền giữa các quốc gia.

Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục định hướng các ngân hàng thương mại tập trung củng cố phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, giảm bớt mức độ tập trung tín dụng và một số ngành nghề, khách hàng vay lớn, kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư.

Cũng theo ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát và duy trì một quy mô các ngân hàng thương mại để hệ thống này từng bước hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính hội nhập và cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, đại diện Vietcombank chỉ ra, các tổ chức tín dụng phải tập trung xử lý nợ xấu vì đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống ngân hàng trong một vài năm tới nhằm làm cạch bảng tổng kết tài sản. Ngoài ra, các ngân hàng phải xây dựng lộ trình và tăng quy mô vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn theo thiêu chuẩn Basel II…

Các tin khác