VỐN CHO DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP

Xây dựng quỹ đầu tư startup

Đừng kỳ vọng vào ngân hàng

(ĐTTCO) - “Muốn khởi nghiệp thành công, khát vọng và dũng cảm là chưa đủ. Các công ty, dự án cần phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp, trong đó Nhà nước đóng vai trò là nhà ươm tạo”. Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vừa tổ chức (ảnh).

Đừng kỳ vọng vào ngân hàng

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hệ sinh thái khởi nghiệp phải hội tụ đủ 4 yếu tố: Khuôn phổ pháp lý; điều kiện, thể chế hỗ trợ phát triển; sự năng động sáng tạo của mỗi dự án, công ty khởi nghiệp (startup); nguồn vốn của nhà đầu tư rót vào các dự án startup. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng 4 yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm: Ý tưởng sáng tạo, cộng đồng startup, thị trường tiêu thụ và nguồn vốn.  

Chính phủ sẽ đồng hành, hết lòng với doanh nghiệp, coi mình là nhà ươm tạo trong giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng ta nhanh chóng cần có những khuôn khổ về mặt pháp luật, thể chế, sớm đưa khởi nghiệp thành hoạt động thực chất, không chỉ ở vài địa phương mà còn mở rộng ra toàn quốc, với mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Tuy nhiên cả 2 quan điểm đều có chung ý kiến về tầm quan trọng của nguồn vốn startup, trong khi hiện nay nguồn này đến từ các kênh như vốn tự có, vốn đầu tư từ các quỹ, hoặc tư nhân và sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt dành cho startup. Trong đó, nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất sẽ là các quỹ và các sàn giao dịch.

 Rõ ràng, hoạt động tài trợ truyền thống đến từ ngân hàng, hay thậm chí là công ty tài chính sẽ không phù hợp với các dự án startup vì sự khác biệt cơ bản về rủi ro, cũng như khả năng chấp nhận rủi ro. Nếu như rủi ro của ngân hàng có thể định tính và định lượng phần nào thông qua các chỉ số, rủi ro của startup là lớn hơn nhiều. “Khởi nghiệp là hoạt động đầu tư mạo hiểm, nên cần những quỹ đầu tư mạo hiểm. Doanh nghiệp startup có đi năn nỉ ngân hàng cũng vậy thôi” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói vui như vậy.

Cách đây 20 năm, Israel vốn được xem là quốc gia khởi nghiệp (đã có cuốn sách với tựa đề tương tự được xuất bản ở Việt Nam), nhưng chỉ có 1 quỹ đầu tư khởi nghiệp của nhà nước. Còn hiện nay, số lượng quỹ đầu tư vào khởi nghiệp tại quốc gia này đã tăng lên vài chục và đạt quy mô trung bình mỗi quỹ lên đến vài tỷ USD. Thậm chí, hoạt động đầu tư hay bỏ vốn vào quỹ được xem như kinh doanh thông thường và yếu tố rủi ro, hay mạo hiểm cũng được nhìn nhận một cách bình thường trong hoạt động này. Tất cả quỹ đầu tư startup của nhà nước tại Israel đến nay đã được cổ phần hóa. Hoa Kỳ cũng đã thành lập và đầu tư vào 25% vốn của 2 quỹ Huron River Ventures và Michigan Acceletarotr Fund. Trong khi đó, Chính phủ Singapore cũng đầu tư đối ứng lên đến 3 triệu USD cho mỗi quỹ được thành lập. Hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Ấn Độ đã công bố khoản đầu tư lên đến 4 tỷ USD cho hệ sinh thái startup. Và cũng giống như Isarel, số lượng các quỹ tư nhân bỏ vốn cho startup tại Ấn Độ sau đó cũng đã tăng mạnh.

Thiếu vốn mồi, mất cơ hội

Liên hệ với hoạt động đầu tư startup tại một số quốc gia, nhiều chuyên gia cho biết tại Hàn Quốc, đóng vai “nhà đầu tư thiên thần” (thuật ngữ angle investor) cho các doanh nghiệp startup cũng là quỹ của nhà nước. Angle investor hay angle fund chỉ những nhà đầu tư theo kiểu mạnh thường quân, sẵn sàng rót vốn cho các dự án startup khi mới hình thành và phát triển, chấp nhận những rủi ro ở mức cao. Điểm nhấn của angle fund tại Hàn Quốc là dù vốn của nhà nước, nhưng nếu dự án đầu tư vào bị thất bại, những người đứng đầu quỹ cũng không bị truy cứu trách nhiệm. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư 2,91 tỷ USD để phát triển startup. Trong số gần 90 công ty startup đang niêm yết tại sàn chứng khoán dành cho khởi nghiệp KONEX của Hàn Quốc, giá trị vốn hóa đã vào tầm 4,1 tỷ USD. Tính ra vốn hóa trung bình mỗi công ty cũng hơn 45 triệu USD, một con số không hề nhỏ. Nghĩa là những công ty này dù vẫn ở trạng thái startup nhưng thực ra quy mô cũng đã đủ lớn để nhà đầu tư rót vốn mạnh tay hơn.  

Kinh phí hoạt động là một trong những trăn trở lớn nhất đối với các nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp mới. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay cộng với những yếu tố của một nhà khởi nghiệp trẻ tuổi, ít kinh nghiệm kinh doanh, ý tưởng kinh doanh chưa được hoàn thiện... vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Vì vậy việc gọi vốn cho start up từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư mạo hiểm (các cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp) là rất quan trọng.

Ông Trần Hồng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Ô tô

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư startup là mô hình có thể tạo ra lợi nhuận do chưa biết, hoặc biết nhưng chưa hiểu rõ một mô hình được mặc định là rủi ro có thể tạo ra lợi nhuận như thế nào. Về mặt tâm lý, không ai muốn trở thành người thử nghiệm đầu tiên. Hiện trạng tại Việt Nam đang thiếu quỹ đầu tư ở giai đoạn vốn mồi (quỹ accelerator) với quy mô khoảng 10.000-500.000USD, trong khi hầu hết dự án startup lại đang ở giai đoạn này. Thực trạng này khiến những dự án, công ty dưới nửa triệu USD sẽ khó lòng để các quỹ có thể đầu tư vì ngoài mức độ rủi ro lớn, chi phí, thời gian và công sức để quỹ có thể quản lý danh mục đầu tư cũng không hề đơn giản. Nhưng điểm nghẽn ở đây là khi startup còn nhỏ, nếu không có vốn không thể lớn được. Lúc này không còn cách nào khác, doanh nghiệp sẽ phải tích lũy từ từ. Nhưng điều này cũng có thể khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội, hay thậm chí thụt lùi so với các đối thủ khác. Thực tế tại Singapore đã cho thấy khi các dự án có quy mô, giá trị vượt qua được ngưỡng nửa triệu USD, việc huy động vốn sẽ trở nên dễ dàng hơn.

 Anh Lý Quốc Khánh, người sáng lập và hiện đang quản lý hệ thống phân phối âm thanh di động 3kShop, cho biết: “Do đặc điểm là một đơn vị startup, vốn ít, nên chúng tôi gần như phải làm tất cả mọi thứ. Thực tế cho thấy, thời điểm 3kShop chưa có mặt bằng kinh doanh, bán sản phẩm ở một quán cà phê của bạn, dù nhiều thách thức nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được. Nhưng khi đã thiết lập được một số cửa hàng, thách thức trong việc quản lý, chuẩn hóa hệ thống là rất lớn. Chẳng hạn, việc xây dựng hệ thống quản lý hàng hóa trưng bày, tồn kho như thế nào để vừa tiết kiệm chi phí, nhưng đồng thời cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng không đơn giản. Nếu có vốn đầu tư chúng tôi có thể thuê một đơn vị tư vấn, nhưng hiện tại do nguồn vốn chưa đủ lớn nên mọi người phải tiếp tục vừa làm, vừa học và tích lũy”.

Lập sàn giao dịch startup

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kỳ vọng về khả năng ra đời một sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho startup trong khoảng từ 2-3 năm nữa. Với một sàn giao dịch được lập ra, người mua kẻ bán tập trung, nguồn vốn cho startup cũng sẽ được tăng cường. Sàn KONEX của Hàn Quốc được xem là một mô hình thành công, hoạt động tương tự mô hình sàn AIM của Anh. Ngoài ra, các công ty tư nhân (trong đó có startup) còn được giao dịch tại các sàn như EquityZen, Startup Stock Exchange, hoặc sàn online như Angle List…

Tuy nhiên, việc lập một sàn giao dịch không phải là thách thức quá lớn, vấn đề ở đây là những doanh nghiệp có tính chuyên biệt như startup sẽ cần một cơ chế mang tính tổng thể để vận hành hiệu quả. Lấy điển nhình như Hàn Quốc, ngoài việc lập ra sàn KONEX, chính phủ nước này đã đầu tư 2,91 tỷ USD để phát triển. Số tiền này được rót vào các quỹ đầu tư mạo hiểm ở các giai đoạn khác nhau. Đồng thời, một số loại thuế từ bán cổ phần công ty cũng như miễn giảm thuế khi nhà đầu tư tái đầu tư số tiền bán cổ phần từ các startup. Có thể nói, Hàn Quốc đã xây dựng được một quy trình khép kín về dòng vốn đầu tư. Nghĩa là khi startup ở giai đoạn phôi thai, số tiền của chính phủ rót thông qua các quỹ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, đến khi đạt quy mô đủ lớn sẽ tiến đến giao dịch tại KONEX để tiếp tục huy động vốn.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Israel tại Việt Nam, cho biết ở Israel khởi nghiệp có sự hỗ trợ rất tốt từ cả Chính phủ, các trường, viện nghiên cứu kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân. Ở Việt Nam, Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các doanh nhân thành đạt cũng cần phải tận dụng hơn nữa các cơ hội, phối hợp với nhau để hỗ trợ cho các startup. Năm 2016, Israel chúng tôi sẽ đồng hành cùng các startup Việt trong hoạt động đào tạo khởi sự kinh doanh, đặc biệt hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, IT, nước sạch.

“Chính phủ đang xem xét về việc xây dựng quỹ khởi nghiệp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ngoài chức năng rót vốn cho các doanh nghiệp startup, quỹ này có chức năng kêu gọi những quỹ đầu tư mạo hiểm khác tham gia thị trường Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết. Ở đây, có thể nhìn nhận nguồn vốn đến từ Chính phủ sẽ giống như một sự bảo chứng, sàng lọc và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khác cùng tham gia. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết TPHCM đã có quỹ khởi nghiệp đầu tiên với số vốn 30 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 100 tỷ đồng trong thời gian tới.

Các tin khác