Xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển

Việt Nam đang tham gia khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết hội nhập sâu rộng. Vấn đề đặt ra hiện nay là nước ta đã chuẩn bị để sẵn sàng hội nhập và vì sao Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra. Tất cả vấn đề này được nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước chỉ ra là quá trình cải cách, đổi mới trong nước chưa theo kịp tiến trình hội nhập và phát triển.

Việt Nam đang tham gia khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết hội nhập sâu rộng. Vấn đề đặt ra hiện nay là nước ta đã chuẩn bị để sẵn sàng hội nhập và vì sao Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra. Tất cả vấn đề này được nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước chỉ ra là quá trình cải cách, đổi mới trong nước chưa theo kịp tiến trình hội nhập và phát triển.

Bộ máy “nghiện quản lý”

Tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng hội nhập đang được xem là chuyện của nhà đàm phán, chưa phải mối quan tâm hàng đầu và bức thiết của cả hệ thống. Chính vì thế, thể chế nhà nước 30 năm qua kể từ ngày bắt đầu công cuộc Đổi mới lần đầu vẫn chưa thay đổi nhiều.

“Chúng ta vẫn giữ tư duy quản lý nhà nước theo kiểu bề trên, đứng trên doanh nghiệp để quản lý, kiểm soát; không đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh. Tôi có cảm giác bộ máy của chúng ta nghiện quản lý, nghiện ra lệnh” - TS. Cung tỏ ra bức xúc.

Quá trình hội nhập của Việt Nam diễn ra nhanh chóng, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rất nóng, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng rất nóng, một loạt FTA khác cũng tương tự như vậy. Vấn đề của Việt Nam là cần bàn sâu để thực hiện cam kết, không phải cứ dũng cảm đưa ra các cam kết hội nhập. Thời gian qua vấn đề chuẩn bị hội nhập rất kém, dễ thấy nhất là đội ngũ doanh nghiệp. Việc chuẩn bị kỹ càng khi tham gia các FTA rất quan trọng, sẽ quyết định thành công, không chuẩn bị kỹ ta sẽ bị động, lép vế trước sân chơi toàn cầu.

TS. Lưu Bích Hồ,
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trọng tâm của cải cách lần này nằm ở phía Nhà nước, với mục tiêu Nhà nước phải hỗ trợ thị trường, không làm cho thị trường méo mó. Người đứng đầu CIEM nêu cảm nhận, lâu nay chúng ta nói hội nhập là nói đến thương mại, nói đến doanh nghiệp và hay trách doanh nghiệp bị động, yếu cạnh tranh.

Nói thế có thể đúng, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Ông ví von, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập như đi trên cây cầu khỉ, trên lưng đè nặng bởi khối đá (gánh nặng chi phí), họ cố gắng gò lưng dò dẫm từng bước một để đi, nên không thể nhìn xa vươn ra chân trời mở rộng. Vấn đề đặt ra với quá trình hội nhập của Việt Nam nằm ở việc Nhà nước có hội nhập không và cần đổi mới bên trong để tận dụng hết cơ hội hội nhập mang lại.

Bàn về chủ đề hội nhập, TS. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng Việt Nam là một trong ít nước có mức độ hội nhập cao. Hiện Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết 15 FTA, tương đương với số FTA mà Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - đã và đang đàm phán ký kết.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là trong khi hội nhập sâu như vậy nhưng khả năng cạnh tranh nền kinh tế không theo kịp. Vì thế, yêu cầu bức thiết là không chỉ doanh nghiệp, mà ở điều hành cấp quốc gia, cấp địa phương cũng cần thay đổi, hội nhập phải đi liền với đổi mới.

“Việt Nam đang mạnh mẽ hội nhập bên ngoài còn đổi mới bên trong chưa theo kịp. Giờ chúng ta mới nói chuyện giảm thủ tục hải quan nhưng đó là vấn đề nhỏ, vấn đề lớn là đổi mới thể chế” - TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng có 2 loại hình hội nhập là hội nhập chủ động và hội nhập thụ động. Hội nhập chủ động là hội nhập bằng khoa học công nghệ. Còn hội nhập thụ động là hội nhập bằng tài nguyên, lao động giá rẻ, các ưu đãi… Việt Nam đang nghiêng về hội nhập thụ động. Và hội nhập thụ động sẽ để lại hậu quả lâu dài. Trong hội nhập chúng ta chủ động đàm phán và thừa nhận là nước kém phát triển. Vì vậy Việt Nam đang hội nhập trên một mặt bằng thấp.

TS. Doanh băn khoăn: “Hiện các nhà đầu tư Thái Lan đã mua siêu thị trong nước, điều này kéo theo rau quả, sản phẩm thịt Thái Lan sẽ vào Việt Nam. Theo đó hơn 10 triệu nông hộ chăn nuôi Việt Nam sẽ xoay sở ra sao? Chúng ta đang tính toán lợi ích hội nhập trên những giả định sẽ vượt qua được những khó khăn, rào cản nào chưa rõ”.

Nguy cơ đứng bên rìa

Không phủ nhận những lợi ích hội nhập mang lại, nhưng TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định nếu không chuẩn bị tốt Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ bên rìa hội nhập khi tham gia sâu các FTA. Khi đó, dù Việt Nam đã tham gia sân chơi hội nhập nhưng hàng hóa trong nước lại không tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Thực tế đang cho thấy các FTA đặt ra cho Việt Nam sức ép cải cách thể chế không chỉ với cấp Trung ương, mà ngay tại cấp địa phương, bởi lẽ hội nhập không loại trừ ai cả.

Kết quả điều tra kinh tế - xã hội học mới đây cho thấy ở khu vực nông thôn nông dân bất an, lòng dân không ổn do thu nhập thấp và đối mặt với quá nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra trong hội nhập là Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân như thế nào. Nếu có chính sách tốt sẽ mang đến kết quả to lớn. Bằng không, sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh nội bộ, chèn ép nhau, không hình thành được chuỗi giá trị trong sân chơi chung. Nông dân tiếp tục lao đao.

TS. Đặng Kim Sơn,
Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ NN-PTNT

Những khảo sát, nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra rằng đến nay chỉ khoảng 30% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA đã ký kết. Trong đó, thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Dường như nước ta sau 2 thập niên hội nhập, tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức tận dụng cơ hội một cách hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), Sandeep Mahajan, cho rằng cơ hội từ hội nhập mang lại rất lớn, vấn đề là Việt Nam tận dụng được bao nhiêu cơ hội hội nhập mang lại. Vấn đề cuối cùng là cần cải thiện môi trường kinh doanh để khu vực tư nhân phát triển. Sự thành công quá trình hội nhập Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của khu vực kinh tế tư nhân.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng nói câu chuyện chủ động hội nhập, bản chất hội nhập là sân chơi, luật chơi khi chúng ta tham gia các cam kết quốc tế. Nhiều người đặt vấn đề Việt Nam có hội nhập nhanh quá không? Nhưng câu chuyện hiện nay không phải nhanh hay chậm mà thế giới ngày nay là vậy. Nếu không hội nhập vẫn phải đối mặt với từng ấy vấn đề. Để hiểu hết hội nhập, điều lo ngại nhất không phải doanh nghiệp Việt Nam.

Vì doanh nghiệp nếu không cạnh tranh được sẽ tự đào thải. Nhưng 100.000 doanh nghiệp hôm nay chết, ngày mai sẽ có 200.000 doanh nghiệp khác ra đời. “Điều khiến nhiều người lo lắng là ở con người, cụ thể là các công chức. Nhiều công chức không hiểu hết sức ép của hội nhập. Doanh nghiệp có thị trường điều chỉnh nhưng công chức ai điều chỉnh? Nên sức ì vẫn vậy” - TS. Thành cảnh báo.

Vai trò của Nhà nước

Muốn chủ động hội nhập không chỉ đi theo các luật chơi và đàm phán dựa trên luật chơi các nước đã đặt ra, mà đã đến lúc Việt Nam phải bắt tay vào việc xây dựng luật chơi, phải đưa được người Việt tham gia vào các tổ chức quốc tế, để cùng thiết lập ra sân chơi mới. TS. Võ Trí Thành dẫn lại bài học Việt Nam tham gia WTO, đây là  cơ hội lớn nhưng năng lực chuẩn bị Việt Nam quá dở.

Vì vậy, nền kinh tế đi theo hướng ngược lại hoàn toàn. Hội nhập với Đổi mới là một. Cơ hội vào nhưng năng lực cạnh tranh không có nên cơ hội thành thách thức. Vốn đầu tư vào Việt Nam khi đó nhiều quá đã sinh ra lạm phát. Điều này đã dẫn đến những điều hành theo hướng chèn lấn thị trường ngày càng gia tăng, xu thế hành chính hóa trong điều hành tăng, nên không theo thị trường. Có thể nói Việt Nam vào WTO là thất bại, chưa đạt thành quả như mong đợi.

Hàng hóa VIệt Nam chưa tận dụng hết lợi thế do FTA mang lại. (Trong ảnh: Hàng Việt Nam giới thiệu tại Campuchia)
Hàng hóa VIệt Nam chưa tận dụng hết lợi thế do FTA mang lại.
(Trong ảnh: Hàng Việt Nam giới thiệu tại Campuchia)

Là người dẫn dắt đàm phán thành công BTA, WTO, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng về tốc độ tham gia đàm phán các FTA, Việt Nam không thua một nước nào trong ASEAN. Hiện Việt Nam đã và đang đàm phán 6 FTA, đã đạt được các thỏa thuận cơ bản với EU về FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Nhưng thực tế sự chuẩn bị của Việt Nam không đồng bộ như vậy, là nước sẵn sàng tham gia AEC vào cuối năm nay nhưng năng lực cạnh tranh Việt Nam đang thua xa nhiều nước ASEAN.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Đông Á, 76% doanh nghiệp trong nước không biết về AEC; 65% doanh nghiệp được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng gì hoạt động kinh doanh. Như vậy Việt Nam có số doanh nghiệp được coi là vô tư, không quan tâm đến hội nhập cao nhất trong các nước ASEAN, thua cả Lào, Campuchia. Thực tế, về nhận thức cũng không đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Trong ASEAN, Việt Nam liên tục nhập siêu từ các nước AEC.

Nói về nguy cơ tụt hậu khi hội nhập sâu, ông Trương Đình Tuyển đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của Nhà nước, phải tạo dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, cùng trăn trở nỗi lo chung của doanh nghiệp. Ông Tuyển nêu thí dụ điển hình: “Các quốc gia chỉ giàu lên khi có một thể chế tốt. Philippines những năm 1970 là nước phát triển nhất ở khu vực, hơn cả Singapore và Hàn Quốc. Nhưng do thể chế kinh tế yếu kém, họ đã tụt hậu dần và giờ chỉ đứng trên Việt Nam một chút”.

Các tin khác