Xây dựng doanh nghiệp dân tộc kiến quốc

(ĐTTCO) - Năm mới 2016 mở ra với bao kỳ vọng, là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và là thời điểm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam ký kết với các đối tác bắt đầu có hiệu lực. Không gian kinh tế rộng mở là cơ hội lớn để giao lưu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư… tạo điều kiện nâng tầm phát triển đất nước.

(ĐTTCO) - Năm mới 2016 mở ra với bao kỳ vọng, là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và là thời điểm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam ký kết với các đối tác bắt đầu có hiệu lực. Không gian kinh tế rộng mở là cơ hội lớn để giao lưu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư… tạo điều kiện nâng tầm phát triển đất nước.

 

2016 cũng là năm khởi đầu chặng đường 5 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu xác định: “Tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước; tạo động lực mới cho sự phát triển. Phát huy lòng yêu nước; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học-công nghệ…, tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập” (Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng).

Lời hiệu triệu này rất có ý nghĩa bởi lẽ “sân chơi chung” đã rộng mở. Nếu doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam không nắm bắt được cơ hội, không nâng cao được khả năng cạnh tranh, hàm lượng chất xám trong sản phẩm thấp, không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu…, có thể nói chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Tình thế mới buộc chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới bằng năng suất lao động, bằng đổi mới khoa học-công nghệ, chứ không thể chỉ bằng lao động giá rẻ như trước!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trong cuộc họp cuối năm 2015 với các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, nêu rõ: “Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh trong kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt, không có cách nào khác. Đây là xu thế của thế giới, chúng ta không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa, phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh”.

Điều đáng lo là Việt nam thuộc nước kém phát triển nhất so với các đối tác, nhưng trong sân chơi toàn cầu, nước ta cam kết theo những đẳng cấp rất cao so với thực trạng của mình. Mặt lợi, là việc bám theo các cấu trúc cao hơn cho phép nền kinh tế vươn lên, nhưng phải hóa giải được những điểm nghẽn làm trì trệ công cuộc phát triển. Và đã chấp nhận cuộc chơi, Việt Nam phải tiến hành cải cách triệt để. Bởi nếu không vươn lên, là tụt hậu; mà tụt hậu trong môi trường hội nhập quốc tế, chúng ta sẽ bị chi phối, mất tự chủ, không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Đây là thách thức khắc nghiệt của giai đoạn mới.

Nhìn nhận chính mình, kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, gặt hái được nhiều thành tựu nhưng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, kém cạnh tranh. Dù có những thành tựu đáng tự hào trong 3 thập niên qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau trong các bảng xếp hạng toàn cầu về phần lớn các tiêu chí phát triển. Nhìn ra thế giới, Hàn Quốc là một nước nghèo khó, bị chia cắt bởi chiến tranh, nhưng chỉ hơn 4 thập niên, từ nước dưới 100, nay đã vươn lên đứng ở vị trí 13 trong nền kinh tế thế giới. Điều gì đã làm Hàn Quốc có sự phát triển thần kỳ? Đó là mô hình kinh tế động, liên tục thay đổi để bắt kịp công nghệ thế giới và nhu cầu tiến hóa đa dạng của con người; có tầm nhìn (doanh nghiệp và quản lý) năng động, sáng tạo để tạo ra giá trị cốt lõi, được thế giới thừa nhận. Nhật Bản, Singapore… cũng đi theo hướng này và trở thành nước phát triển chỉ trong vòng 20-30 năm.

Về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Nghị quyết của Đảng xác định: “Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp”. Tuy nhiên trong thực tế có sự phân biệt, đối xử chưa bình đẳng. Doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn ở “chiếu trên”, được bao cấp, kiểm soát phần lớn nguồn lực quốc gia, hoạt động với cơ chế gần như độc quyền… đã làm méo mó thị trường, chèn lấn khu vực tư nhân. Khu vực FDI được “trải thảm đỏ”, ưu đãi tràn lan, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Với những lợi thế đó, các doanh nghiệp FDI đã âm thầm “đi tắt đón đầu” mở rộng sản xuất và đã nâng giá trị xuất khẩu lên gần 70% tổng giá trị xuất khẩu cả nước hiện nay. Một con số đáng báo động về tiềm lực khu vực kinh tế trong nước!

Điều nghịch lý là khu vực FDI có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng có đến 60% doanh nghiệp khai lỗ kéo dài, đóng góp nghĩa vụ thuế rất khiêm tốn. Mặt khác phần lớn doanh nghiệp FDI chỉ sản xuất gia công, dựa trên lao động giá rẻ, chưa tạo ra hiệu ứng chuyển giao công nghệ sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng cao đối với doanh nghiệp trong nước. Tại nhiều cuộc hội thảo năm qua, nhiều chuyên gia đã bày tỏ bức xúc: Có nên tiếp tục ưu đãi đầu tư nước ngoài hay là tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng; kinh tế phục hồi nhưng khu vực nào phục hồi, nội địa hay FDI; nền kinh tế đang gia tăng bất cân xứng về cơ cấu, thiên lệch về ngoại lực? Có chuyên gia còn cảnh báo: Có gì bảo đảm doanh nghiệp FDI sẽ không chuyển đi nơi khác khi hết thời hiệu ưu đãi; nền kinh tế nước ta sẽ ra sao khi các tập đoàn FDI lớn rút khỏi Việt Nam khi việc “tận thu lợi thế” hoặc khi giá nhân công rẻ chấm dứt?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để xây dựng thịnh vượng quốc gia phải dựa vào lực lượng doanh nghiệp dân tộc, không đối tác nào có thể thay thế trong việc triển khai các chiến lược mang tầm lợi ích quốc gia. Một điểm yếu của Việt Nam là đến nay chưa có các tập đoàn tư nhân mạnh, trong khi đó Hàn Quốc, Nhật Bản có ý thức ngay từ bước đi đầu tiên xây dựng nền kinh tế, là thành lập, khuyến khích phát triển các tập đoàn tư nhân mạnh để làm đối trọng và tạo nền tảng vươn ra toàn cầu. Trong một thời gian dài nước ta chú trọng phát triển các tập đoàn nhà nước, tập đoàn nhà nước phình to bao trùm nhiều lĩnh vực, nhưng hoạt động không hiệu quả, thua lỗ triền miên, chưa thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

Năm 2016, thời điểm các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi… có hiệu lực, không gian kinh tế mở rộng, là thời cơ để doanh nghiệp nội địa vươn tầm, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tỏ ra lo lắng: “Nếu Việt Nam chỉ có 500.000-600.000 doanh nghiệp như hiện nay là quá ít, chúng ta phải có 2 triệu doanh nghiệp hoặc hơn nữa. Và doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư tốt, sản phẩm mũi nhọn, khả năng cạnh tranh cao thì đất nước mới phát triển bền vững, tự chủ về kinh tế". Về chất, một khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy quy mô doanh nghiệp tư nhân nước ta rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, có đến 85% doanh nghiệp hoạt động doanh thu hàng năm chưa tới 20 tỷ đồng. "Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam rất bé, tiềm lực hạn chế. Trong khi đó, bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới cũng đều xem sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân mới là động lực quan trọng và bền vững nhất của nền kinh tế” - báo cáo VCCI kết luận.

Lộ trình hội nhập đã hiển hiện, không còn thời gian chần chừ bằng những quyết định ngập ngừng. Hoặc chúng ta bước về phía trước, hoặc chấp nhận tụt hậu xa hơn. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, hoàn thiện thể chế và kiến tạo môi trường kinh doanh mới, để xây dựng cho được lực lượng doanh nghiệp dân tộc đủ mạnh bảo đảm công cuộc kiến quốc. Đây cũng là nội dung chủ đạo của Đặc san ĐTTC số Xuân Bính Thân 2016 với các chủ đề Năm mới-Vận hội mới, Tính kế phát triển, Doanh nghiệp - Hội nhập... với góc nhìn đa chiều và sự phân tích sâu sắc của lãnh đạo Trungương, TPHCM  và các bộ, ngành; chuyên gia các lĩnh vực. Ban biên tập kỳ vọng sẽ mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc, giới đầu tư kinh doanh... trong những ngày Tết truyền thống dân tộc.

Mùa xuân đang đến, mở ra kỳ vọng về sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn, đưa đất nước tiến lên con đường ấm no, hạnh phúc. Năm mới Bính Thân đang đến với mọi nhà. Ban Biên tập kính chúc bạn đọc, giới đầu tư - kinh doanh, các cộng tác viên thân thiết... một năm mới hanh thông, thịnh vượng và hạnh phúc.

Các tin khác