Xây dựng chính quyền đô thị: Vì lợi ích người dân

LTS: Chính quyền đô thị là mô hình quản lý hiện đại được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, TPHCM đã tiên phong đưa ra thí điểm mô hình này nhằm tiến tới phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân tốt hơn. Là một trong những người tham gia từ đầu xây dựng đề án chính quyền đô thị TPHCM, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề này.

LTS: Chính quyền đô thị là mô hình quản lý hiện đại được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, TPHCM đã tiên phong đưa ra thí điểm mô hình này nhằm tiến tới phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân tốt hơn. Là một trong những người tham gia từ đầu xây dựng đề án chính quyền đô thị TPHCM, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề này.

Tự chủ và gần dân

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là một trong những người tiên phong ấp ủ xây dựng đề án chính quyền đô thị, ông có thể cho biết việc này dựa trên yêu cầu thực tiễn nào?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII tháng 12-2005, TPHCM đề nghị Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị và đã được đồng ý.

Đầu năm 2006, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X có nêu vấn đề phải phân biệt rõ chức năng của chính quyền nông thôn, đô thị và hải đảo. Trên cơ sở này và chỉ đạo của Trung ương, giữa năm 2006, TPHCM đã lập Ban Chỉ đạo và Ban Biên tập nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, thực tiễn TPHCM và cả nước ta để tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Thực tế mô hình quản lý của TPHCM thời điểm này đang bất cập, giống như cái áo quá chật trong một cơ thể đang phát triển. Vì thế, từ năm 2001, Chính phủ đã có một số cơ chế đặc biệt phân cấp cho TPHCM theo Nghị định 93 trên 4 lĩnh vực, nhằm thí điểm để phân cấp tăng tự chủ cho TPHCM.

Năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20, yêu cầu những vấn đề gì pháp luật chưa quy định hoặc có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm. Trên cơ sở những chủ trương này, TPHCM tiến hành xây dựng và đến năm 2007 đã báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ đề án này. Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX năm 2010 cũng đề ra nhiệm vụ nhiệm kỳ 2011-2015.

Mục đích của đề án là làm sao thay đổi căn bản mô hình tổ chức chính quyền để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền, để quản lý, phát triển một đô thị lớn theo hướng văn minh hiện đại. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân; phải nâng cao được phúc lợi cho người dân, giải quyết những vấn đề tồn tại, đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ, kỹ thuật… đối với 1 TP có tầm vóc lớn nhất nước.

Theo đó, một trong những nội dung của chương trình đột phá về cải cách hành chính là tiếp tục nghiên cứu thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII diễn ra hồi tháng 5 vừa rồi, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM trình Quốc hội đề nghị cho phép đưa vào nghị quyết trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh cho TPHCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản yêu cầu TPHCM hoàn thiện đề án để trình Chính phủ, Quốc hội cho phép làm thí điểm. Có thể thấy việc xây dựng đề án chính quyền đô thị TPHCM xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của TP đề xuất với Trung ương và có chủ trương của Trung ương, được tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm với sự chuẩn bị khá kỹ, nghiên cứu nhiều nước và đối chiếu với các văn kiện, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của thực tiễn trong nước để thực hiện.

- Vậy nội dung cơ bản của đề án gồm những gì, thưa ông?

- Hiện nay đề án mới dừng lại một số nội dung mang tính ý tưởng, nguyên tắc về tổ chức, còn nhiều vấn đề cụ thể phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng bao hàm có mấy nội dung lớn. Thứ nhất, kiến nghị thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ mô hình 3 cấp sang mô hình 2 cấp TP và cơ sở.

Theo đó, mô hình này giải quyết vấn đề căn bản là cấp chính quyền phải có cơ quan dân cử. Vai trò cơ quan dân cử thực sự có thực quyền, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng, đại diện cho dân, bảo đảm quyền lợi người dân, không mang tính hình thức. Về cấp cơ sở, TPHCM tính toán tổ chức 4 TP vệ tinh như 1 cấp chính quyền cơ sở. Với mô hình này, các đô thị vệ tinh có quyền tự chủ cao giống như chính quyền TPHCM hiện nay, đủ sức tự xây dựng những đô thị mà chính quyền TPHCM hiện nay không thể bao quát tất cả.

Gốc vấn đề là với mô hình tổ chức chính quyền TPHCM hiện nay sẽ không có khả năng phát triển nhanh và bền vững các đô thị mới theo quy hoạch. Vì thế xây dựng 4 TP vệ tinh cần dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên địa bàn để từ đó có thể tổ chức kết cấu hạ tầng, bố trí dân cư, tổ chức thành mô hình chủ thể độc lập có tính tự chủ cao.

Trên nền tảng đang có, đề án tổ chức 4 đô thị mới. Cụ thể, TP phía Đông dựa trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với quy mô khoảng 700.000 đến 1 triệu dân, lấy cốt lõi là khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển khu công nghệ cao, đại học quốc gia, công viên văn hóa dân tộc...

TP phía Nam dựa trên sông Soài Rạp, sông Nhà Bè, kênh Tẻ, lấy huyện Nhà Bè, quận 7, một phần quận 8 và 1 xã của Bình Chánh, cốt lõi là khu Phú Mỹ Hưng và hình thành khu cảng Hiệp Phước. TP phía Bắc gồm quận 12, huyện Hóc Môn. TP phía Tây gồm quận Bình Tân và 1 phần huyện Bình Chánh. 4 TP mới này là 4 chủ thể độc lập thuộc TPHCM nhưng có quyền tự chủ rất cao để phát huy sự năng động, sáng tạo.

Bộ máy chuyên nghiệp, công chức chuyên sâu

- 13 quận nội thành không tổ chức cấp chính quyền riêng, việc phát huy vai trò làm chủ, giám sát của người dân sẽ như thế nào và cơ quan hành chính sẽ đặt ở cấp quận hay phường?

- Đây là vấn đề khá phức tạp, đang còn nghiên cứu. Về nguyên tắc 13 quận nội thành có kết cấu hạ tầng chung, có nhiều phúc lợi chung. Tuy nhiên, nếu duy trì bộ máy hành chính hiện nay, có quận, phường chưa thay đổi được về chất lượng, về công vụ.

Do đó, có thể trong lâu dài, chúng ta tổ chức giữ quận, không còn phường, hoặc mở rộng quy mô phường để bớt quận. Các cấp độ quản lý khác sẽ nghiên cứu phù hợp. Về vấn đề đại diện cho dân, phải tăng cường đại biểu HĐND ở địa bàn này, đặc biệt là đại biểu chuyên trách để thực hiện vai trò cầu nối giữa dân và chính quyền TP, thực hiện quyền giám sát cũng như đại diện nói lên nguyện vọng của người dân.

Có thể nói trách nhiệm của đại biểu HĐND TPHCM ở 13 quận này khá nặng so với đại biểu những quận khác. Như đại biểu HĐND ở TP Đông chỉ lo cho TP đó nhưng đại biểu HĐND ở 13 quận này ngoài lo việc riêng của quận mình còn lo việc chung của TPHCM. Về lâu dài, chúng ta tổ chức 1 cấp chính quyền cơ sở ở bộ phận này, nhưng trước mắt theo tôi có lẽ tổ chức thành những cơ quan hành chính không có HĐND.

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: VÕ QUỐC THANH

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: VÕ QUỐC THANH

- Với những đổi mới như vậy, xin ông cho biết hiện nay vướng mắc khó khăn ở đâu?

- Khó khăn đầu tiên là về tư duy, suy nghĩ của chúng ta về đổi mới. Chúng ta đã quen 1 việc nhiều cấp làm, nay bảo cấp này làm, cấp kia không làm, tức phải thay đổi toàn bộ công việc.

Thứ hai, với mô hình này công chức là chuyên nghiệp, đòi hỏi phải đúng tầm, phải bố trí tương xứng trình độ, năng lực nên việc tuyển dụng đòi hỏi rất cao. Từ đó, vấn đề xử lý nhân sự đang có sẽ là thách thức lớn.

Về phương diện pháp lý, khó khăn lớn nhất để triển khai là hiện nay, hệ thống pháp luật bị vênh, không phù hợp, nếu phân cấp sẽ phải sửa nhiều và Quốc hội phải cho thí điểm.

Tiếp theo, đề án này đi chi tiết từng vấn đề, từng cấp chính quyền, cái nào là ủy quyền, cái nào là ủy nhiệm từng vấn đề công vụ… cần phải nghiên cứu rất kỹ từng cấp để phân định rõ. Vì vậy, để triển khai đề án này theo dự kiến, nếu Quốc hội cho nghị quyết vào cuối năm nay phải mất thêm 2 năm 2014 và 2015 để chuẩn bị cho năm 2016 thực thi, không thể làm trong một sớm một chiều.

Nhưng ngay từ bây giờ khẩn trương thì năm 2016 mới thực hiện được. Kinh nghiệm Nhật Bản khi chuyển từ chính quyền 3 cấp thành 2 cấp phải mất 5 năm quá độ.

- Vấn đề mọi người quan tâm là đối với người dân, mô hình này mang lại lợi ích gì, thưa ông?

- Mọi đổi mới không có mục đích nào khác ngoài làm sao tốt hơn cho dân, chính quyền phục vụ tốt hơn cho dân. Với mô hình đang có chúng ta không cung cấp tốt dịch vụ công cho người dân, chưa làm tốt vai trò của chính quyền phục vụ người dân. Đổi mới mô hình này để nâng hiệu quả, hiệu lực của chính quyền, chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền nhằm phục vụ cho dân.

Thí dụ, 4 đô thị mới sẽ phát huy được tính tự chủ, khai thác được những tiềm năng để tạo ra những phúc lợi về y tế, giáo dục, thể thao, dịch vụ công cộng cho người dân tốt hơn. Tôi cho rằng nếu làm được như mục tiêu đề ra, đây là mô hình hướng tới phục vụ người dân đô thị tốt nhất so với mô hình đang có.

Kinh nghiệm thế giới hiện nay cho thấy những mô hình chính quyền đô thị hiện đại đều phát huy được dân chủ, phục vụ tốt cho người dân. Trong đó nguyên tắc quan trọng nhất mang tính xu hướng tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở, trong đó có sự tham gia của người dân.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác