WB: Cảnh báo chất lượng tài sản ngân hàng

° Lạm phát Việt Nam năm 2012 khoảng 10,5%

° Lạm phát Việt Nam năm 2012 khoảng 10,5%

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát tại Việt Nam ở khoảng 19% vào cuối năm nay, vào khoảng 10,5% trong năm 2012. So với các dự báo về kinh tế Việt Nam được WB đưa ra hồi tháng 3 năm nay, đã có nhiều điều chỉnh đáng chú ý.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng GDP cả năm 2011 của Việt Nam được điều chỉnh từ mức dự báo 6,3% xuống mức 5,8%; lạm phát từ dự báo khoảng 9,5% cho cả năm 2011, nay lên đến 19%.

Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, phân tích tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại trong nửa đầu năm do chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát; lãi suất tăng cả chiều gửi và cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại; chính sách tài khóa thắt chặt hơn…

Thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu gây áp lực đối với ngành NH. Ảnh: LÃ ANH

Thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu gây áp lực đối với ngành NH. Ảnh: LÃ ANH

Liên quan đến các cân đối vĩ mô lớn, WB cho rằng việc thu hẹp thâm hụt thương mại và NHNN mua vào một lượng ngoại tệ lớn đã giúp tăng dự trữ ngoại hối, đạt khoảng 2 tháng nhập khẩu vào cuối tháng 7.

Thâm hụt cán cân vãng lai dự kiến sẽ thấp hơn 4% GDP trong năm nay, ngang với mức thâm hụt của năm 2010.

“Điều này có thể giúp giảm các khó khăn tức thời liên quan đến cán cân thanh toán và giảm sức ép mất giá tiền đồng” - ông Deepak Mishra nói.

Theo WB, tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam chậm lại do các chính sách bình ổn kinh tế, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao nhờ được trợ giúp bởi giá hàng hóa cao. Lợi nhuận xuất khẩu tăng 33,7% và hóa đơn nhập khẩu tăng 25,4% trong 8 tháng năm 2011.

Giá hàng hóa cao giúp giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực (gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, rau quả, cao su…) tăng gần 40% trong 8 tháng năm 2011.

Các chuyên gia kinh tế của WB cũng nhận định, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang bắt đầu gây áp lực đối với ngành NH của Việt Nam.

Trước điều kiện thanh khoản thắt chặt hơn kể từ cuối năm 2010, các NHTM nhỏ đã đưa ra mức lãi suất huy động cao (lên đến 18%/năm) để đảm bảo khả năng thanh khoản, mặc dù NHNN đã có hướng dẫn duy trì lãi suất huy động ở mức 14%/năm hoặc thấp hơn - gây nên cạnh tranh quyết liệt giữa các NH. Tuy nhiên, do không có quy định về hạn mức lãi suất cho vay, các NH đã tăng lãi suất cho vay lên tới 22-27%/năm.

Ông Deepak Mishra cho rằng trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà giảm, áp lực đối với người đi vay được dự báo sẽ lớn hơn trong những tháng sắp tới, dẫn đến sự suy giảm chất lượng tài sản của các NHTM trong năm 2011-2012.

Mặc dù NHNN đã hỗ trợ thông qua việc bơm thanh khoản nhiều hơn cho các NH yếu. Đồng thời NHNN cũng ám chỉ rằng nếu những NH nhỏ này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành sẽ bắt buộc phải sáp nhập. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô yếu kém, các nhà quản lý của NHNN còn lưỡng lự khi buộc các NHTM phải hợp nhất hoặc để một số NH phá sản.

Theo WB, những vấn đề chưa thể giải quyết được trong ngành NH có thể vẫn là mối quan ngại đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Đề cập đến triển vọng năm 2012, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới sẽ đạt mức khoảng 6,1%. Với các cân đối vĩ mô cụ thể, WB cho rằng hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên WB cảnh báo thâm hụt thương mại sẽ tăng lên, kéo theo thâm hụt cán cân vãng lai; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khởi sắc hơn; nợ nước ngoài có thể lên đến 52,2% GDP.

Theo ông Deepak Mishra, những kết quả từ công cuộc bình ổn nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự vững chắc, do đó việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ có nguy cơ lặp lại những bất ổn đã xảy ra gần đây.

Các tin khác