Vương quốc "nữ hoàng"

(ĐTTCO) - Ít ai biết rằng ngay trong lòng TP Đà Nẵng có một vương quốc linh trưởng, nơi có một loài linh trưởng được mệnh danh là “nữ hoàng” của linh trưởng - voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc).

(ĐTTCO) - Ít ai biết rằng ngay trong lòng TP Đà Nẵng có một vương quốc linh trưởng, nơi có một loài linh trưởng được mệnh danh là “nữ hoàng” của linh trưởng - voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc).

Bén duyên với “nữ hoàng”

Ở Đà Nẵng, anh Bùi Văn Tuấn (29 tuổi) ở phường Thọ Quang (Sơn Trà) có lẽ là người đàn ông may mắn được ngắm “nữ hoàng” nhiều nhất. Bén duyên với linh trưởng năm 2008, khi còn là sinh viên năm thứ 2 ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa Sinh - Môi trường, 7 năm nay ngày nào Tuấn cũng lên Sơn Trà để được gần gũi với “nữ hoàng” linh trưởng. Tuấn kể, 18 năm trước từ quê Đại Lộc (Quảng Nam) ra Đà Nẵng học đại học, Tuấn chưa phân biệt được voọc hay khỉ. Nhưng sau khi được vào học khoa Sinh-Môi trường, Tuấn bắt tay vào đề tài nghiên cứu về voọc và bị loài “nữ hoàng” linh trưởng “dụ” lên núi Sơn Trà để rồi mê mẩn từ khi nào không hay.

Kể từ đó, gần như mọi nẻo đường, dưới tán rừng hay trên những thảm thực vật ở bán đảo Sơn Trà đều đã in dấu chân của Tuấn. Thời gian lang thang trên rừng Sơn Trà với Tuấn  có vô vàn kỷ niệm khó quên. Sơn Trà những năm trước 2008 chỉ có một tuyến đường mòn độc đạo bị che khuất bởi nhiều tầng tán rừng với vô số khúc cua tay áo nguy hiểm, hoang vu, lạnh lẽo đến rùng mình mỗi khi leo núi lúc còn tờ mờ sương trắng, mây mù là đà mặt đường... Những hôm mưa gió, Tuấn ngồi dưới gốc cây chờ đợi voọc, áo quần ướt sũng, nắm xôi lạnh ngắt trên tay vừa ăn vừa run vì lạnh. Rồi những hôm xe hỏng dưới chân đỉnh dốc, Tuấn cùng đồng nghiệp là sinh viên khóa dưới phải đẩy hơn 10km đường núi...

"Nữ hoàng" linh trưởng tại núi Sơn Trà, Đà Nẵng.

"Nữ hoàng" linh trưởng tại núi Sơn Trà, Đà Nẵng.

Cái giá của việc ngắm “nữ hoàng” thật lắm gian truân, nhưng rồi cũng đến ngày hái mùa trái ngọt. Đề tài bản đồ số hóa về vùng phân bố của loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, với gần 200 cá thể, đã đưa về cho nhóm của Tuấn giải nhì trong Báo cáo kết quả Hội nghị sinh viên nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 của Đại học Đà Nẵng. Sau đó giúp nhóm được vinh dự tham gia Báo cáo tại Hội thảo bảo tồn linh trưởng quốc tế năm 2009, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. Hiện Tuấn đang thực hiện đề tài khoa học thứ 2 về tập tính và mẫu phân của loài voọc tại Sơn Trà, anh cho biết đề tài khoa học thứ 2 này có nhiều điều lý thú, bỡ ngỡ khiến chính anh cũng bất ngờ.

Kho báu mong manh

Ngày đó, Tuấn tưởng mình cứ vẫn một mình chiếm giữ “nữ hoàng”. Nhưng bây giờ sau 2 năm, từ 2 tấm ảnh của anh trong triển lãm Xuân quê hương diễn ra tại TP Đà Nẵng tháng 3-2014, đã có hơn 1.500 người lên Sơn Trà chỉ để… ngắm “nữ hoàng”. Để trợ giúp những người yêu thiên nhiên, Tuấn tham gia sáng lập Trung tâm Đa dạng sinh học nước Việt (Green Việt) như cầu nối hữu hiệu giữa voọc chà vá chân nâu với những người quan tâm, yêu thích động vật trên thế giới. Hoàng thân Đan Mạch đã đến Việt Nam 2 ngày vào cuối năm 2015 với mục đích duy nhất là được ngắm voọc. Tuấn đã giúp ông thực hiện mong muốn tưởng chừng đơn giản ấy trong 1 ngày mưa gió vần vũ Sơn Trà. Đến nay, voọc chà vá chân nâu đã được TP Đà Nẵng lấy làm hình ảnh đại diện thân thiện của TP đáng sống, TP vì môi trường.

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng bởi vẻ đẹp lạ lùng. Loài này thuộc nhóm IIB ở mức nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.  Jonathan, nghiên cứu sinh người Hoa Kỳ, cho biết thật may mắn khi được tiếp cận với kho báu linh trưởng của thế giới ngay tại Sơn Trà. “Loài voọc này tồn tại một số nơi trên thế giới. Riêng ở Bán đảo Sơn Trà được đánh giá là có số lượng cá thể lớn nhất, nên tôi quyết định chọn nơi đây để làm đề tài nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ” - Jonathan chia sẻ. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây ghi lại tập tính và sinh hoạt hàng ngày của voọc, đã đưa hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà sải rộng ra thế giới.

Thiết bị ngắm "nữ hoàng" của Bùi Văn Tuấn và những người bạn. Ảnh: Green Việt

Thiết bị ngắm "nữ hoàng" của Bùi Văn Tuấn và những người bạn. Ảnh: Green Việt

Ở nước ta, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc chà vá chân nâu trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo Tổ chức bảo tồn voọc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định. Người dân Đà Nẵng tự hào vì đang sở hữu nhiều loài linh trưởng quý, được xem là báu vật của thế giới đang sinh sống ngay bên cạnh mình. Theo các chuyên gia về sinh thái học, cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn, ở nhiều góc độ hơn về loài voọc này để mọi người cùng chung tay bảo vệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngoại trừ những tác động tiêu cực bất khả kháng từ phía thiên nhiên, TP Đà Nẵng cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà hợp lý không xâm hại thiên nhiên. 

Các tin khác