Vững vàng chí thép

Nguyễn Thanh Nghĩa (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (Bình Dương), lập nghiệp và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường không kém gian truân.

Nguyễn Thanh Nghĩa (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (Bình Dương), lập nghiệp và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường không kém gian truân.

Tự tin bước vào thương trường

Tuy vậy, anh đã lèo lái thành công doanh nghiệp của mình vượt quakhó khăn, thử thách và trở thành một trong những công ty thép hàng đầuViệt Nam.

Năm 1986, rời Trường Đại học Kinh tế tài chính kế toán TPHCM với tấm bằng xuất sắc nhưng Nguyễn Thanh Nghĩa vẫn phải gõ cửa từng công ty để xin việc, sau đó được nhận vào làm việc tại Trung tâm Tài chính - Tín dụng Seaprodex. Năm 1992, Nguyễn Thanh Nghĩa được điều chuyển về Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản (Seaprodex) Sài Gòn, giữ chức phó phòng rồi trưởng phòng xuất nhập khẩu.

Năm 1999, Nghĩa xin nghỉ việc, đã tạo cú sốc đối với những người trong gia đình và bạn bè. Nghĩa bày tỏ: “Đó là một vị trí tốt trong một công ty lớn của Nhà nước. Nếu ở lại đó đến bây giờ tôi đã có thể có một chức vụ cao hơn, nhưng tôi muốn ra lập công ty tư nhân. Tôi tin vào năng lực của mình”.

Loay hoay với nhiều nghề, như sản xuất hạt nhựa, thức ăn gia súc, chăn nuôi thủy sản nhưng đều không thành công. Năm 2001, anh cùng với một người bạn tại Bình Dương thành lập Công ty Đại Thiên Lộc, chuyên sản xuất các loại thép, vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng, mỗi người góp 3 tỷ đồng.

Lúc ấy, anh đã phải thế chấp toàn bộ tài sản và vay mượn thêm từ bạn bè, anh em để có được số vốn ban đầu. Lập công ty được ít lâu thì Nhà nước cho phép tư nhân tham gia xuất nhập khẩu. Đây là điều kiện quan trọng để Đại Thiên Lộc phát triển hoạt động, liên tục lớn mạnh từng ngày.

Có người hỏi anh vì sao chọn ngành thép? Anh nói đơn giản: Chọn ngành thép để đầu tư vì thép để lâu không hư hỏng. Trong quá trình kinh doanh, nếu gặp khó khăn, hàng tồn kho không gây ô nhiễm môi trường và ít ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Thời điểm đó lượng thép cung ứng tại thị trường Việt Nam còn quá ít so với nhu cầu nên sản xuất thép cầm chắc hiệu quả.

Hiện nay, Công ty Đại Thiên Lộc cung ứng thị trường hàng chục sản phẩm: thép ống, thép hộp, thép cán nguội, thép cán nóng, thép tấm, tôn sóng vuông, tôn sóng vòm… Thế mạnh của công ty là các loại thép lá mạ kẽm, thép lá mạ màu, tôn lạnh. Bởi đây là các sản phẩm có độ bóng đặc trưng, chịu được môi trường gần biển. Tôn lạnh của công ty đưa ra thị trường có thể làm tấm lợp nhà thông thường, cũng có thể dùng để cách nhiệt cho các phòng đông lạnh, kho chứa lạnh, nhà tiền chế… Công ty chọn thép mạ và tôn lạnh làm sản phẩm chủ lực do ở ngành hàng này đối thủ chưa nhiều.

Tham vọng hướng ngoại

Các sản phẩm thép của Công ty Đại Thiên Lộc có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Các sản phẩm thép của Công ty Đại Thiên Lộc có chất lượng cao, đủ sức
cạnh tranh trên thị trường.

Để làm thép mạ bền đẹp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên nhiều công ty trong nước ngại đầu tư dây chuyền hiện đại. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành thép Việt Nam còn rất non trẻ, các công ty thép nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam, nên các công ty thép trong nước không dám đầu tư mở rộng.

Riêng Đại Thiên Lộc vẫn mạnh dạn đầu tư nhà máy với công suất rất lớn. Anh lập luận: “Chúng tôi gồm những đồng nghiệp tâm huyết, lại có mạng lưới bán hàng và lượng khách ổn định, do vậy không ngại các công ty thép nước ngoài. Dù họ có lợi thế về vốn và kinh nghiệm làm thép nhưng mình không thể nào để thua ngay trên sân nhà được”.

Chính vì vậy công ty dốc sức hoàn thành khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc, dự kiến sản lượng giai đoạn đầu mỗi năm lên đến 420.000 tấn thép cán nguội, 270.000 tấn thép lá mạ nhôm kẽm, 120.000 tấn tôn kẽm, 130.000 tấn thép lá mạ màu. Sau khi khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc hoàn thành, sản phẩm của công ty đưa ra thị trường sẽ có tỷ lệ nội địa hóa tăng lên đến 40%, đạt chuẩn để được miễn thuế nhập khẩu khi chào bán tại các nước ASEAN.

Đại Thiên Lộc đang có thị trường tốt tại các nước ASEAN và châu Phi. Một khi được miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường ASEAN, sản phẩm của công ty hoàn toàn có thể cạnh tranh mạnh với sản phẩm cùng loại của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Khi đó, doanh số bán ra của công ty có tỷ lệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu là 50-50. Hơn nữa, nhờ công nghệ mới nên các sản phẩm có chất lượng cao, có thể thâm nhập thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đó chính là tham vọng lớn của Công ty Đại Thiên Lộc.

Gập ghềnh sóng gió


Vững vàng chí thép ảnh 3Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ việc góp vốn thành lập công ty là quyết định đúng đắn và có phần may mắn của mình. Bởi lúc ấy, Bình Dương chưa thu hút các doanh nghiệp phát triển công nghiệp mạnh như hiện nay. Khu công nghiệp Sóng Thần - nơi công ty đặt nhà xưởng - nhiều doanh nghiệp chưa dám đặt niềm tin. Nhưng bằng con mắt của một người làm kinh tế thời mở cửa, tôi tin sẽ có những chính sách, quy định mới tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho tư nhân phát triển sản xuất - kinh doanh, tham gia xuất nhập khẩu… Đó là cơ hội tốt phải biết nắm bắt. Vững vàng chí thép ảnh 4

Anh Nguyễn Thanh Nghĩa

Năm 2005, ngành thép bị khủng hoảng, hàng nhập về không bán được khiến các công ty thép điêu đứng. Trong thời điểm ấy, người đứng chung chân với Nguyễn Thanh Nghĩa lại lung lay niềm tin và cương quyết rút lui.

Lúc này, Nguyễn Thanh Nghĩa lại tiếp tục đưa ra nước cờ táo bạo, tuyên bố nếu người bạn mua lại Công ty Đại Thiên Lộc, anh sẽ “yết giá” công ty 10,5 tỷ đồng, nhưng nếu anh mua lại, anh chịu chi tới 14 tỷ đồng. Lý giải cho hành động nghĩa khí này, Nghĩa cho biết: “Với sự am hiểu về ngành thép, tôi tin tưởng những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước sẽ giúp ngành thép đứng dậy mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, tôi không muốn anh em công nhân mình gắn bó bấy lâu phải bỏ chén cơm về quê”.

Dù thuyết phục được người bạn nhượng lại cổ phần công ty nhưng quãng thời gian sau đó là thử thách cực kỳ gian khó đối với Nguyễn Thanh Nghĩa. Ngành thép đang phải lao đao vượt khủng hoảng, trong khi nội bộ công ty lại xào xáo, tình trạng kẻ làm - người phá liên tục xảy ra. Trong vòng 2 tháng, chảo nung kẽm của công ty bể 2 lần. Nghĩa phải ăn ngủ tại công ty, tăng cường khâu quản lý và bắt đầu lao vào tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật đặc trưng ngành thép để hồi phục sản xuất.

Có thể nói nhờ vụ bể chảo nung kẽm mà anh có được vốn kiến thức toàn diện về kỹ thuật ngành thép. Bây giờ anh không chỉ nắm giữ vai trò điều hành công ty một cách bài bản, mà còn am tường những công đoạn sản xuất thép như một kỹ sư thực thụ. Quan trọng hơn, anh đã xây dựng cho mình một tập thể đoàn kết, đồng lòng từ trên xuống dưới.

Đến nay, Đại Thiên Lộc đã trở thành một trong những công ty thép hàng đầu ở nước ta, với vốn điều lệ 485,7 tỷ đồng, tổng số lao động 461 người. Năm 2010 công ty đạt doanh thu 1.808 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng, thu nhập bình quân 4,05 triệu đồng/người/tháng. Cho đến nay, những hạng mục cuối cùng khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc sắp hoàn thành và vài dây chuyền sản xuất đã được vận hành. Khi khu liên hợp này đi vào hạt động, Đại Thiên Lộc sẽ trở thành công ty thép lớn nhất tại Việt Nam.

Đồng cảm và chia sẻ

Gặt được nhiều thành công to lớn nhưng chính Nguyễn Thanh Nghĩa cũng phải thừa nhận nếu không có trái tim sáng cộng với lòng đam mê thì bản thân khó lòng vượt qua những thử thách khốc liệt về vốn, lợi nhuận, tiền lương trong thương trường. Thời gian gần đây, dù ngành thép lâm vào giai đoạn khó khăn mới nhưng anh vẫn không cắt giảm lương, không giảm sản lượng thép làm ra mà duy trì sản xuất, tạo điều kiện cho công nhân ổn định cuộc sống.

Được sự tin cậy và tín nhiệm của địa phương, anh Nguyễn Thanh Nghĩa vừa được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương. Anh bày tỏ: "Tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình phải quan tâm đến những điều lớn lao hơn cho xã hội, góp phần chăm lo đời sống người dân, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp cùng phát triển với đất nước. Khi mình đã là một doanh nhân thành đạt, cũng nên cố gắng tạo điều kiện và cơ hội cho người khác vươn lên".

Với những thành tích đã đạt được trong sản xuất và kinh doanh, tháng 3 năm nay Công ty Đại Thiên Lộc vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng, đồng thời nhận Bằng khen của UBND TPHCM trao tặng do có nhiều thành tích trong việc tham gia đóng góp chương trình xã hội - từ thiện vì cộng đồng 2009-2010. Năm 2010, Công ty Đại Thiên Lộc đã đóng góp 1,08 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội - từ thiện.

Anh Nguyễn Thanh Nghĩa tâm sự: “Tôi và các anh em trong công ty đều xuất thân từ tầng lớp lao động. Cha tôi là liệt sĩ, mẹ một mình bươn chải, dù nghèo khó vẫn gắng nuôi 5 anh em. Hồi ấy, mẹ tôi phải bán từng hạt thóc, củ mì để nuôi cho tôi ăn học. Thế nên có được sự thành đạt hôm nay, tôi tâm niệm mình không được quên những người nghèo khó, hoàn cảnh bất hạnh”.

Điều đó lý giải vì sao anh chi hàng trăm triệu đồng để thành lập Quỹ học bổng Đại Thiên Lộc dành cho tất cả con em của công ty và hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Quỹ học bổng Đại Thiên Lộc - Thắp sáng ước mơ sinh viên Bình Dương.

Các tin khác