Vực dậy ngành cơ khí: Tháo gỡ từ cơ chế

Công nghiệp cơ khí là một trong những ngành then chốt, có vai trò đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở nước ta, ngành cơ khí đã có một giai đoạn phát triển vượt bậc nhờ các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cơ khí tăng trưởng rất chậm và không đạt được mục tiêu nội địa hóa như kỳ vọng.

Công nghiệp cơ khí là một trong những ngành then chốt, có vai trò đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở nước ta, ngành cơ khí đã có một giai đoạn phát triển vượt bậc nhờ các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cơ khí tăng trưởng rất chậm và không đạt được mục tiêu nội địa hóa như kỳ vọng.

Lạc hậu, yếu kém

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, nhằm tập trung phát triển ngành cơ khí hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, phấn đấu đến năm 2010, ngành cơ khí đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước và xuất khẩu 30-35%.

Để nội địa hóa ngành cơ khí, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia được vào các dự án với doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời có nguồn lực mua các bản quyền thiết kế, chế tạo của những thương hiệu lớn, phát triển thương hiệu theo cách riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với thực tế, từ đó tiến tới làm chủ khâu thiết kế, chế tạo, thi công lắp đặt và tiến tới làm chủ cả hệ thống sản xuất cơ khí.

Ông Hang Ha Ryu,
Tổng giám đốc Doosan Vina

Thế nhưng sự phát triển của ngành đã không như kỳ vọng. Trong giai đoạn 2001-2005, do nhận được nhiều cơ chế ưu đãi, ngành cơ khí đã ghi nhận nhiều thành tựu vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 41%/năm, nhưng từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các cơ chế ưu đãi bị dỡ bỏ, đồng thời Luật Đấu thầu được ban hành (năm 2005) yêu cầu muốn tham gia các công trình phải đấu thầu, từ đó phần thắng chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Sau đó, dù nhiều sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được nhưng phải chuyển sang nhập khẩu, khiến từ năm 2006 đến nay, tốc độ phát triển của ngành đã giật lùi, mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 18%/năm.

Năm 2012, ngành cơ khí chỉ đáp ứng được 25% nhu sản phẩm cơ khí trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành cơ khí hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp với 53.000 cơ sở sản xuất. Trong đó có 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể và 156 xí nghiệp tự doanh.

Dù số lượng đông đảo nhưng phần lớn doanh nghiệp chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với khu vực. Trong 8 chuyên ngành và những sản phẩm trọng điểm, hiện chỉ có lĩnh vực đóng tàu và chế tạo thiết bị điện thực hiện được định hướng chiến lược, các lĩnh vực khác vẫn còn tụt khá xa so với mục tiêu đề ra, thậm chí ngành chế tạo máy công cụ tụt hậu hơn so với thời bao cấp.

Tuy nhiên, 2 ngành trên cũng chưa phải phát triển mạnh, chẳng hạn lĩnh vực chế tạo thiết bị điện chủ yếu chế tạo máy biến áp, trong khi sản phẩm máy phát cho các nhà máy điện được kỳ vọng lớn nhưng chưa có bước tiến nào.

Còn ngành đóng tàu, dù đã đóng được tàu lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tóm lại, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ mới làm được những phần dễ có giá trị thấp, không đòi hỏi trình độ công nghệ chuyên sâu.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) năm 2012 cho thấy qua hơn 10 năm phát triển, cả nước vẫn chưa có nhà máy nào chuyên về lĩnh vực chế tạo máy. Trong số 24 dự án cơ khí trọng điểm được phê duyệt mới có 5 dự án được triển khai. Hiện 80% thị trường cơ khí Việt Nam đang nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội chỉ tham gia một số dự án nhỏ.

Chính từ yếu kém này của ngành cơ khí, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 18-20 tỷ USD sản phẩm cơ khí để cung cấp cho các ngành công nghiệp khác.

Nhọc nhằn nội địa hóa

Những năm gần đây, Việt Nam nhập siêu các sản phẩm cơ khí trọng điểm, bao gồm thiết bị công nghệ của các công trình công nghiệp như thủy điện, hóa chất, xi măng, điện chạy than, khai khoáng… do trong nước chưa sản xuất được và nếu có cũng không đáng kể. Ngay cả những dự án mà tổng thầu là doanh nghiệp nội cũng phải nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã sản xuất được những sản phẩm cần thiết nhưng lại khó tiêu thụ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina đã sản xuất và xuất khẩu hơn 20 cẩu trục sang Indonesia nhưng chỉ bán được 1 chiếc tại thị trường trong nước. Vì những bất cập đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cơ khí rất thấp.

Một số ít sản phẩm, lĩnh vực đạt được mục tiêu nội địa hóa, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng trong nước như sản phẩm cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện là do chính sách hỗ trợ theo kiểu giao việc tận tay, áp dụng cơ chế chỉ định thầu, bắt buộc sử dụng sản phẩm trong nước…

Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội
đất nước nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. 

Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nội đã vượt qua các doanh nghiệp ngoại để làm tổng thầu các dự án nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch… Hay với các dự án đầu tư nhà máy xi măng của Vinaconex, các gói thầu được chia nhỏ để phù hợp với năng lực của các doanh nghiêp nội nên tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án này rất cao và đạt được tiêu chí an toàn, tiết kiệm.

Tuy nhiên, số lượng dự án chỉ định thầu không nhiều và phần lớn dự án của các tập đoàn lớn đều qua đấu thầu quốc tế nên các công ty trong nước không thể thắng nổi nhà thầu ngoại. Điều này cho thấy Luật Đấu thầu năm 2005 không theo kịp sự phát triển của ngành cơ khí, khi chỉ chú trọng đến yếu tố giá mà không tính đến nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa.

Với các dự án nhà máy nhiệt điện có nguồn vốn đầu tư lớn, các chủ đầu tư thường tìm các đối tác nước ngoài để nhờ hỗ trợ thu xếp vốn trọn gói từ thiết kế, mua sắm thiết bị, xây dựng. Vì vậy, các nhà thầu Trung Quốc luôn có lợi thế lớn với giá thầu rẻ do họ được hưởng ưu đãi xuất khẩu từ Trung Quốc lẫn ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị của Việt Nam.

Ngược lại, doanh nghiệp nội phải gánh chịu nhiều khoản thuế, lãi suất vay cao, tiếp cận vốn cũng không dễ nên không thể cạnh tranh nổi khi đấu thầu.

Theo ước tính, đầu tư một nhà máy cơ khí lớn và hiện đại cần khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp nội phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng nên trong vòng 5 năm, giá trị đầu tư sẽ tăng gấp đôi, đã khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực cơ khí.

Cơ chế hỗ trợ

Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, để đảm bảo đủ nguồn điện, đến năm 2025, ngoài các nguồn thủy điện, Việt Nam phải đầu tư và đưa vào vận hành thêm 52 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lên đến 54.740MW, trong đó có 35 nhà máy điện do các chủ đầu tư trong nước thực hiện với tổng số vốn đầu tư 43,4 tỷ USD.

Xuất phát điểm của ngành công nghiệp cơ khí còn thấp, quy mô công nghệ lạc hậu, do còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các chuyên gia đầu ngành. Mức đầu tư cho ngành cơ khí còn khá thấp, doanh nghiệp khó vay vốn ưu đãi, trong khi vốn từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển chủ yếu được cơ cấu từ nguồn ngân sách. Khi ngân sách khó khăn, không thể duyệt cho các dự án vay, doanh nghiệp đành bó tay.

Ông Nguyễn Mạnh Quân,
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)

Cơ cấu vốn đầu tư cho các thiết bị máy móc lên đến 32,7 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư này. Con số này cho thấy nhu cầu thiết bị máy móc cơ khí rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp cơ khí trong nước không chủ động thay đổi, thị trường cung cấp thiết bị ngành cơ khí chế tạo sẽ rơi vào tay các đơn vị cung cấp thiết bị nước ngoài.

Nút thắt của vấn đề là hiện nay doanh nghiệp trong nước đang thiếu vốn đầu tư nên các nhà máy sản xuất cơ khí đều vận hành với dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ, không có sức cạnh tranh trên thị trường. Những doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn cũng không dám làm vì không được hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cơ khí chưa được quan tâm thỏa đáng. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, nhận định do chính sách định hướng phát triển thiếu bài bản, những năm qua, thép xây dựng liên tục rơi vào tình trạng dư thừa, trong khi các loại thép phục vụ các hoạt động cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô, xe máy lại thiếu trầm trọng.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), cho rằng Luật Đấu thầu năm 2005 cần phải được sửa đổi, trong đó cần đưa ra các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong đấu giá sản phẩm cơ khí và tỷ lệ nội địa hóa, không nên chỉ chú trọng đến yếu tố giá.

Theo đó, nếu sản phẩm cơ khí được nhập khẩu, giá thầu cũng phải khác để tạo ra sự công bằng. Bên cạnh đó, ngành cơ khí rất cần một đội ngũ chuyên gia tư vấn chiến lược, chính sách cho Nhà nước để đưa ra những cơ chế phù hợp.

Hiện ngành công nghiệp quan trọng này chỉ mới được quản lý bởi một cơ quan duy nhất là Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), sẽ khó lòng được hưởng những chính sách ưu đãi phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cơ khí cần chủ động phát huy nội lực bằng cách thiết lập các liên doanh, liên kết để gia tăng cơ hội tham gia tổng thầu các dự án lớn nhằm kéo giảm nhập siêu và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Các tin khác