Vốn tín dụng: Ưu đãi BĐS, sản xuất lép vế

Để thúc đẩy tăng trưởng vốn, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều ưu đãi dành cho khách hàng vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn chưa được hỗ trợ vốn vay một cách thiết thực và cụ thể. Nghịch lý này đang khiến các doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều thách thức để tồn tại và phát triển, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu hiện nay.

Để thúc đẩy tăng trưởng vốn, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều ưu đãi dành cho khách hàng vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn chưa được hỗ trợ vốn vay một cách thiết thực và cụ thể. Nghịch lý này đang khiến các doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều thách thức để tồn tại và phát triển, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu hiện nay.

Ưu ái tối đa

Điển hình ưu đãi về BĐS là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Tính đến ngày 25-2-2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay chỉ mới đạt 10.796 tỷ đồng (đạt gần 36%), tổng dư nợ 6.187 tỷ đồng (đạt 20,6%). Con số này cho thấy hiệu quả triển khai chương trình đã không như mong muốn, nhưng Bộ Xây dựng, NHNN và Chính phủ vẫn kiên trì với hàng loạt hỗ trợ được đưa ra.

Cụ thể, sau khi gói 30.000 tỷ đồng vừa được triển khai đã gặp vướng mắc, Bộ Xây dựng tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 07/2013 bằng Thông tư 18/2013, với những điều kiện như cá nhân, hộ gia đình không cần xác nhận về điều kiện thu nhập, căn hộ mua được lớn hơn 70m2, có đất ở dưới quy định cấp phép xây dựng… vẫn có thể được vay từ gói này.

Tiếp theo, Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 ngày 7-1-2013, như thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa 15 năm, bổ sung đối tượng tham gia… Kế đó, NHNN ban hành Thông tư 32/2014-NHNN hướng dẫn vay gói 30.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp người vay tiếp cận vốn dễ dàng hơn; lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng cũng được NHNN hạ xuống từ 6%/năm còn 5%/năm.

Trong giai đoạn hội nhập sâu hiện nay, thay vì đổ xô vào lĩnh vực BĐS, cơ quan quản lý và NHTM cần tập trung vào định hướng chính sách tiền tệ đã được đặt ra, tìm cách hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển, giúp nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn. Không nên tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng với tính chất đối phó như dồn vốn vào BĐS để tăng trưởng nhanh.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế  Trung ương

Để tháo gỡ tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, NHNN tiếp tục bổ sung thêm 10 NHTM tham gia cho vay, gồm Eximbank, BaoVietBank, Saigonbank, PVCombank, TienPhongBank, OCB, VPBank, Seabank, NamABank và SHB. Hiện có đến 15 NHTM được tham gia gói tín dụng cho vay nhà ở 30.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp tục đôn đốc thực hiện giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tập trung đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu nhà ở thương mại để thúc đẩy gói tín dụng này.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho người vay mua nhà ở thương mại, hướng vào phân khúc trung, cao cấp với thời hạn vay 10-20 năm, lãi suất ổn định ở mức 7%/năm trong 10 năm đầu nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán khả năng trả nợ.

Ngoài chương trình kích cầu BĐS đặc biệt trên, 2 năm trở lại đây các NHTM cũng tập trung dòng vốn vào lĩnh vực này. Một con số thống kê cho thấy dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31-10-2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm 31-12-2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 13% của nền kinh tế cùng thời điểm.

Đến năm 2015, các NHTM lại đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho BĐS. Chẳng hạn BIDV tung ra gói 7.000 tỷ đồng cho vay BĐS với lãi suất 7,2%/năm cho 12 tháng cố định; 7,99%/năm cho 24 tháng cố định và 8%/năm cho 36 tháng cố định, thời gian vay đến 20 năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất tính theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với 3,5%/năm.

VietinBank tài trợ khách mua nhà tại dự án Cityland Park Hills (TPHCM) với hạn mức 70% trong vòng 15 năm; lãi suất dao động 8-9%/năm trong thời gian đầu. Song song đó, các NHTM cổ phần cũng chạy đua cho vay phân khúc này.

Cụ thể, Sacombank dành 2.000 tỷ đồng cho vay mua, xây, sửa chữa BĐS với nhiều ưu đãi, như có thể lựa chọn lãi suất 6 tháng đầu tiên 6,88%/năm và được lựa chọn thời gian cố định lãi suất trong 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm đầu tiên, mức hỗ trợ tối đa đến 100% nhu cầu vốn, thời gian vay lên đến 20 năm. VietBank với chương trình “An cư - Lập nghiệp” cho vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 0,375%/tháng trở lên, miễn phí trả nợ trước hạn, thời hạn vay đến 25 năm. Hay OCB, VIB, Vietcapital Bank, VPBank, PVcomBank cũng đang có các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay mua BĐS khá hấp dẫn.

Khó tiếp cận vốn sản xuất

Cuối năm 2014, khi triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh: “Chính sách điều hành của NHNN đã hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn, DNNVV”.

Sau thông điệp này, khối DN tư nhân trông chờ một gói tín dụng bù lãi suất như 2 gói kích thích kinh tế triển khai năm 2009, hay ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng, hoặc các NHTM sớm hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn để giúp DN giảm bớt khó khăn, tiếp cận được với nguồn vốn NH với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, hy vọng này vẫn mờ mịt khi NHNN định hướng kéo giảm lãi suất trung và dài hạn 1-1,5% nhưng chỉ khuyến khích NHTM thực hiện.

Các NHTM thời gian qua có đưa ra các gói tín dụng ưu đãi DN sản xuất kinh doanh, nhưng so với các gói tín dụng BĐS hạn mức các gói tín dụng ưu đãi DN ít hơn, hỗ trợ thấp hơn nhiều, chỉ tập trung cho vay ngắn hạn và điều kiện tiếp cận khá gắt gao. Đến thời điểm này, vẫn có khoảng 70% DNNVV chưa thể tiếp cận được vốn vay từ NH, nhất là đối với nhu cầu vốn trung và dài hạn.

TS. Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Về phía các NHTM, do nợ xấu vẫn còn đeo bám, trong khi VAMC tuy đã mua và phân loại các khoản nợ xấu NH, nhưng vẫn đang loay hoay cải thiện khuôn khổ pháp lý nhằm giải quyết tình trạng nợ khó đòi của DN, nên vẫn chưa giải quyết được khó khăn của NH. Điều này khiến NH vẫn e ngại cho vay, đặc biệt hình thức vay tín chấp của NHNN đưa ra gần 1 năm nay đến nay gần như không thể triển khai được.

Thời gian qua, mới có NHNN chi nhánh TPHCM thực hiện chương trình kết nối NH-DN với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, trong đó có cho vay tín chấp. Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đây là chương trình thiết thực đối với DN cần nhân rộng, NHNN đã có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp mở rộng chương trình này từ tháng 4-2014, song đến nay vẫn chưa có nhiều địa phương tích cực tham gia.

Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ tín dụng BĐS có cơ hội gia tăng do từ khi NHNN áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN, hệ số rủi ro cho vay BĐS được giảm từ mức 250% xuống còn 150%. Với quy định như vậy, tỷ lệ vốn cho vay BĐS tối đa của các NH được nâng lên, số tiền trích lập dự phòng rủi ro giảm xuống. Nguyên nhân giảm hệ số rủi ro cho vay BĐS trong Thông tư 36 được ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH (NHNN), giải thích do tình trạng trầm lắng kéo dài của thị trường BĐS đòi hỏi phải có các biện pháp để thúc đẩy thị trường.

Điều đáng nói, các giải pháp thúc đẩy tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh được nói đến rất nhiều trong các năm qua, nhưng đến thời điểm này thực tế thị trường chưa có chuyển biến đáng kể, lãi suất cho vay chưa đáp ứng được yêu cầu của DN và DN vẫn khó tiếp cận vốn vay.

Những cảnh báo

Trước sự ưu ái đối với lĩnh vực BĐS và sự e dè trong việc cho vay sản xuất kinh doanh, gần đây nhiều chuyên gia đã cảnh báo một trong những nguyên nhân khiến hệ thống NH rơi vào khủng hoảng hồi năm 2011 là đến từ thị trường BĐS. Có thời điểm tín dụng tăng 35-37%/năm nhưng không chảy vào sản xuất. Theo đó, phần lớn dòng tiền đổ vào chứng khoán, BĐS khiến NHNN phải ban hành Thông tư 13, nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay, trong đó có BĐS lên 250%.

Một tổng kết của Ban Kinh tế Trung ương sau Diễn đàn Kinh tế 2015 cũng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, niềm tin kinh doanh và đầu tư đang được củng cố, nhưng dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 là phục hồi trên nền tảng cũ, nghĩa là vẫn dựa vào lao động giá rẻ và bán tài nguyên thô, sự tăng trưởng trong 5 năm tới là tăng trưởng vét. Do vậy nguy cơ bong bóng BĐS có thể quay trở lại.

BĐS đang được hưởng nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp sản xuất khi vay vốn.Ảnh: L.THANH

BĐS đang được hưởng nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp sản xuất khi vay vốn.Ảnh: L.THANH

Trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập sâu các hiệp định thương mại tự do và cộng đồng kinh tế ASEAN, nếu khu vực sản xuất kinh doanh tư nhân không được hỗ trợ, vực dậy để tăng sức cạnh tranh, khả năng DN Việt sẽ trở thành người làm thuê trên sân nhà cho DN nước ngoài.

Cảnh báo này ngày càng rõ ràng hơn khi hàng loạt DN nội đã bán lượng cổ phần khá lớn cho DN nước ngoài, như Nguyễn Kim bán 49% cổ phần Power Buy - một công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group; CTCP Sữa Quốc tế (IDP) buộc phải chấp nhận trở thành cổ đông nhỏ, nhận khoản vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD từ quỹ VOF (thuộc VinaCapital) và Daiwa PI Partners, nhằm có thêm vốn đầu tư cho lĩnh vực cốt lõi là sữa; Masan Consumer chào mua công khai 49% cổ phần Cholimex Foods…

Theo nhiều chuyên gia, với các trường hợp DN ngoại mua lại cổ phần của DN nội dù bao nhiêu % cũng hướng đến mục tiêu thâu tóm, thậm chí triệt tiêu đối thủ. Điển hình như trường hợp Tribeco sau khi hợp tác với Tập đoàn Uni-President Việt Nam (Đài Loan) đã kinh doanh thua lỗ và bán hết cổ phần cho nhà đầu tư này. Hay trường hợp Unilever đàm phán để được chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng P/S, sau đó khiến Công ty Hóa phẩm P/S đuối sức trong cuộc chạy đua theo công nghệ sản xuất mới, phải bán toàn bộ số cổ phần.

Các tin khác