Vốn thoái tại DNNN: Ưu tiên công trình dân sinh

Sau khi Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thoái hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa lên tới 3 tỷ USD, ĐTTC có cuộc trao đổi TS. TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ông Lịch cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, song tiền thu được khi bán số cổ phần này nên dành để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tuyệt đối không dùng tiền này để trợ cấp xây trụ sở.

Sau khi Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thoái hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa lên tới 3 tỷ USD, ĐTTC có cuộc trao đổi TS. TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ông Lịch cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, song tiền thu được khi bán số cổ phần này nên dành để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tuyệt đối không dùng tiền này để trợ cấp xây trụ sở.

Minh bạch, có sự kiểm soát

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thực ra việc thoái vốn 10 doanh nghiệp này nằm trong Đề án tái cơ cấu SCIC do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-10-2015. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Khi nghe thông tin Chính phủ thông báo giao cho SCIC thực hiện thoái vốn tôi rất mừng, vì đây là vấn đề tôi đã đề xuất cách đây 2 năm. Thực tế vào thời điểm đó tôi cũng đề cập đến việc sử dụng nguồn vốn này sau khi thoái sao cho hợp lý.

Xin nhắc lại chủ trương thoái vốn đã có từ lâu và là quá trình đã có sự tính toán. Danh sách 10 doanh nghiệp SCIC thực hiện thoái vốn đều là những công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Do vậy, đối với những doanh nghiệp không lên sàn vẫn có thể tự thực hiện thoái vốn theo đề án tổng thể đã được phê duyệt.

- Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là cách thực hiện việc thoái vốn và thời gian nên được thực hiện thế nào, thưa TS?

- Phần lớn doanh nghiệp thực hiện thoái vốn trong đợt này đều là những doanh nghiệp lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, quan điểm của tôi giá cả của nó phải được hình thành trên cơ sở thị trường. Tôi tin SCIC có đủ chuyên môn và năng lực tính toán để lựa chọn đưa ra thị trường ở thời điểm nào và bao nhiêu để giữ giá tốt nhất cho Nhà nước.

Thí dụ, nếu bán qua thị trường chứng khoán với dung lượng có hạn, không nên đưa ra quá nhiều sẽ làm cung vượt cầu, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Tôi không đồng tình bán theo kiểu thương lượng ai đó, chúng ta tìm đối tác chiến lược trước. Với doanh nghiệp sau IPO và niêm yết nhiều năm, cần minh bạch theo thị trường, có thể cao hoặc thấp nhưng phải do thị trường quyết định.

Đối với việc bán cổ phiếu Vinamilk với tổng giá trị lên đến 2,5 tỷ USD, tôi đồng tình với đề xuất chào bán công khai vì đây là cổ phiếu có giá trị rất lớn và đang niêm yết. Việc bán cổ phiếu này với giá bao nhiêu, khối lượng bao nhiêu đều do thị trường quyết định và phải có đơn vị tư vấn để giữ được giá tốt.

Tất nhiên, không loại trừ khả năng bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn thông qua hình thức thỏa thuận hoặc đấu giá. Tuy nhiên, giá bán và hình thức bán phải được thực hiện công khai, có sự kiểm soát của những tổ chức tư vấn hoặc giám sát độc lập.

Về thời gian thoái vốn có thể thực hiện theo lộ trình nhanh hơn, thay vì một số năm như dự báo. Với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam và sự hấp dẫn của các cổ phiếu đó, số vốn vài ba tỷ USD thực sự không phải quá lớn để mất nhiều thời gian thoái vốn.

- Thưa TS. hiện nay có những lo ngại việc thoái vốn này sẽ có các tập đoàn lớn lớn nước ngoài tham gia thâu tóm?

- Theo tôi không có gì phải lo ngại việc này. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những ngành có thể lên đến 100% vốn, tại sao ta lại phải ngại. Điều quan trọng giá trị doanh nghiệp đó đóng góp cho nền kinh tế, xã hội được bao nhiêu, ai sở hữu không quá quan trọng.

Với lộ trình hội nhập, cũng như các nước khác, Việt Nam quản lý doanh nghiệp bằng luật pháp. Đối với doanh nghiệp như Vinamilk giá trị lớn nhất là thương hiệu và nguồn nhân lực, còn cổ đông trong hay ngoài nước không phải là vấn đề.

Ưu tiên nguồn vốn vào tính chất công

- Một số ý kiến cho rằng việc đẩy nhanh thoái vốn có nguyên nhân do ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn. Vậy theo ông đâu mới là nguyên nhân chính?

- Vấn đề này liên quan đến mục đích sử dụng tiền sau khi thoái vốn. Một phần vốn nên được sử dụng vào nâng cấp bệnh viện, còn việc dùng để cơ cấu lại nợ ngắn hạn của Nhà nước, giảm áp lực cho ngân sách thực sự không cần thiết. Hiện nay, dù trái phiếu trên 5 năm phát hành gặp khó khăn nhưng vẫn phải thực hiện, vì trái phiếu loại này mới cơ cấu được nợ công.

Áp lực nợ công của Việt Nam không phải tỷ lệ bao nhiêu phần trăm GDP, mà áp lực lớn nhất là số nợ hàng năm phải trả. Hiện trái phiếu trung hạn 2-3 năm phải trả nợ liên tục, lãi mẹ đẻ lãi con đang gây áp lực cho dòng tiền. Theo tôi chủ trương thoái vốn thể hiện quan điểm rất rõ của Nhà nước, cũng như đã được thể hiện trong Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước.

Đó là chủ trương đúng và đã xác định lại vai trò khu vực nhà nước, cách thức sử dụng vốn sao cho hiệu quả các nguồn lực. Trước đây tôi đề nghị phải dùng tiền vốn sau khi thoái khỏi các doanh nghiệp như Bia Sài Gòn, Nhựa Bình Minh, Vinamilk để xây dựng bệnh viện phục vụ người dân.

Chính nguồn lực của Nhà nước giúp nâng cao cuộc sống người dân tốt hơn, tức tài sản của Nhà nước còn đó không mất đâu cả. Quan điểm kiếm tiền phải đầu tư vào tài chính cần phải được gỡ bỏ, thay vào đó tập trung những lĩnh vực có tính lan tỏa cao hoặc an sinh xã hội. Thí dụ, muốn phát triển vận tải biển nội địa, Nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vinamilk được ví như con gà đẻ trứng vàng.

Vinamilk được ví như con gà đẻ trứng vàng.

- Với lượng tiền thu về sau khi thoái vốn, theo TS. nên ưu tiên sử dụng như thế nào?

- Theo tôi ưu tiên đầu tiên nên là dùng số tiền đó để giải quyết các vấn đề có tính chất công, như sự quá tải bệnh viện và tuyệt đối không dùng tiền này để trợ cấp xây trụ sở. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, nếu nơi nào có đề xuất như vậy tôi sẽ là người phản đối, vì đây là tiền mồ hôi nước mắt của dân tích lũy phải phục vụ Nhân dân.

Ưu tiên tiếp theo là dùng số tiền này để đối ứng trong việc kêu gọi đầu tư các công trình hạ tầng. Hiện rất nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng thiếu vốn đối ứng nên không thể thực hiện được.

- Xin cảm ơn ông. 

Cân nhắc mở room hết mức

Trao đổi với ĐTTC, TS. Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, thông tin về quyết định bán hết vốn nhà nước tại một loạt doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT… được nhiều nhà đầu tư đón nhận khá hào hứng, bằng chứng là nhiều cổ phiếu trong danh mục này tăng mạnh sau khi thông tin này được công bố. Ngoài sự hấp dẫn của chính những cổ phiếu này trên thị trường, sự hào hứng của nhà đầu tư còn xuất phát từ kỳ vọng việc nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra sớm hơn.

Sự kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở bởi chỉ riêng giá trị vốn sẽ phải thoái tại Vinamilk đã xấp xỉ 2,5 tỷ USD, một con số mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài mới tiêu hóa nổi khi tham gia với tư cách là nhà đầu tư chiến lược. Việc nới room cũng được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Bởi thực tế không ít cổ phiếu niêm yết hiện nay đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc nới room cũng được cho là cần thiết nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa vốn khá ì ạch thời gian qua.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong 8 tháng năm 2015 mới có 95 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong khi con số theo kế hoạch năm nay lên đến 289 doanh nghiệp, cho thấy hoạt động này diễn ra không như mong đợi. Trong khi đó, xét ở góc độ động viên nguồn lực cho ngân sách nhà nước liên tục bị bội chi qua các năm, việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, việc nới room cũng là câu chuyện cần có sự cân nhắc, bởi tính bất ổn của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Sự bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc gần đây được nhiều chuyên gia cho rằng có sự đóng góp của dòng vốn này là một thí dụ. Có nhiều lập luận cho rằng Việt Nam đã cho phép đối tượng này sở hữu 100% doanh nghiệp, việc bán doanh nghiệp và cho phép nước ngoài sở hữu 100% tại các công ty cổ phần là điều bình thường. Tuy nhiên, tính chất của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong liên doanh, liên kết hay 100% vốn nước ngoài hoàn toàn khác với tính chất của nhà đầu tư gián tiếp thông qua việc nắm giữ cổ phần trong các công ty niêm yết. Đó chính là tính thanh khoản và đi kèm là độ bất ổn của thị trường tài chính.

Cần làm rõ bán vốn để làm gì?

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: Thời điểm này đưa ra quyết định thoái vốn cũng chỉ là bước đi nhằm tiếp tục đổi mới sắp xếp các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, giúp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực cần phải đầu tư, không căn cứ vào lãi hay lỗ. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm từ chủ trương thoái vốn này tập trung ở việc nguồn tiền từ việc thoái vốn này sẽ dùng để làm gì khi con số ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng; thoái vốn bằng cách nào; phần vốn đó bán cho ai (cá nhân, nhà đầu tư chiến lược, cán bộ nhân viên)...?

Về việc thoái vốn nên như thế nào để doanh nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, tôi cho rằng điều đó tùy theo từng ngành nghề khác nhau. Giả sử với trường hợp Vinamilk. Có thông tin rằng đối tác nước ngoài sẵn sàng mua cả số cổ phần mà Nhà nước thoái, thậm chí sẵn sàng thôn tính để biến thành doanh nghiệp nước ngoài. Giả sử thông tin này đúng, chúng ta có dám bán hết không? Nếu không bán hết và không nằm trong danh mục ngành nghề cần nắm giữ sẽ ứng xử sao với doanh nghiệp này? Câu trả lời tùy thuộc vào quan điểm của Nhà nước về ngành nghề đó và muốn gì sau khi thoái vốn. Khi trả lời được điều đó mới có thể quyết định được cách thức thoái vốn.

Các tin khác