VN nên làm gì trước FED tăng lãi suất?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất 0,25%, điều này sẽ tác động lên tình hình tài chính tiền tệ thế giới và Việt Nam. Việt Nam nên ứng phó thế nào với biến động này là vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế và cả nhà điều hành quan tâm thảo luận.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất 0,25%, điều này sẽ tác động lên tình hình tài chính tiền tệ thế giới và Việt Nam. Việt Nam nên ứng phó thế nào với biến động này là vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế và cả nhà điều hành quan tâm thảo luận.

Hội thảo Hoạt động Quản lý điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đến nền kinh tế tổ chức ngày 17/12, đúng ngay sau thời điểm Fed tăng lãi suất, khiến vấn đề tỉ giá được quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Thị trường ít biến động

Từ đầu tháng 11/2015 đến nay, tỉ giá trên thị trường tăng nhanh và những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Phân tích về những nguyên nhân này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tỉ giá tăng mạnh những ngày qua chủ yếu do tâm lý "phòng thủ" của các tổ chức tín dụng (TCTD) muốn găm giữ, đầu cơ cùng với thông tin về việc Fed tăng lãi suất.

Nhìn rộng ra, TS. Hiếu cho rằng, tỉ giá bị tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế và chính trị, như việc đồng Nhân dân tệ chính thức tham gia rổ tiền tệ của IMF và hiện nay đang tiếp tục mất giá; giá dầu liên tục giảm mạnh và những hoạt động quân sự, chính trị nhằm tiêu diệt khủng bố…

Ông Hiếu cho rằng hiện tượng tỉ giá tăng trong lúc này chủ yếu do yếu tố tâm lý và việc tăng tỉ giá không bền vững. Với việc NHNN tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp và cho biết sẽ phối hợp nhiều biện pháp khác để bình ổn thị trường ngoại tệ, niềm tin vào VND được duy trì thì tỉ giá đối với USD sẽ tiếp tục ổn định.

Dưới góc độ cơ quan điều hành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc tỉ giá biến động trong vài ngày qua hoàn toàn do yếu tố tâm lý thị trường, ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất và e ngại sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ.

Phó Thống đốc cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tổng hợp thông tin thị trường thường xuyên, từ đó rút ra một số nhận định.

Đó là thị trường mua bán ngoại tệ vài ngày qua vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến. Dù có tăng một chút vào sáng 17/12 sau khi Fed công bố tăng lãi suất, thị trường ít giao dịch, nhưng sau đó, tỉ giá giảm liên tục từ sáng đến trưa, giao dịch mua bán diễn ra bình thường.

Việc Fed tăng lãi suất đều đã được dự báo trước, do đó việc tăng tỉ giá ở thời điểm này sẽ có tác động nhưng không ảnh hướng lớn đến thị trường ngoại hối. 

Hơn nữa, đặc điểm của thị trường Việt Nam là nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) ngắn hạn chiếm tỉ trọng rất ít nên biến động trên thị trường chứng khoán cũng không nhiều. Thực tế, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu chuộng vốn đầu tư dài hạn FDI.

Tuy thị trường vẫn ổn định và khó có biến động mạnh nhưng lãnh đạo NHNN khẳng định vẫn không chủ quan mà tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến và NHNN sẵn sàng thực biện pháp cần thiết nhằm ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối.

Kiên định trước những biến động

Có cùng quan điểm về sự ổn định tỉ giá đến cuối năm nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia cao cấp của BIDV nhận định, năm 2016, câu chuyện về tỉ giá và lãi suất sẽ tiếp tục “nóng”. Dù NHNN đã điều hành linh hoạt thời gian qua nhưng năm 2016, dòng vốn dịch chuyển toàn cầu sẽ đa dạng, phong phú hơn, đòi hỏi chính sách tỉ giá tiếp tục linh hoạt ở cấp độ cao hơn nữa.

NHNN có thể vẫn công bố mức điều chỉnh tỉ giá năm, nhưng khi cần vẫn phải linh hoạt hơn, tỉ giá liên ngân hàng có thể phải công bố, cập nhật công khai hằng giờ, thay vì hằng ngày.

Mức biên độ thay vì 3% như hiện nay có thể nới thêm một chút, nhưng không nên nới rộng quá.

Ngoài ra, với việc Nhân dân tệ tham gia vào rổ tiền tệ quốc tế, có thể tính toán mua dự trữ ngoại hối bằng Nhân dân tệ nhưng phải cân nhắc thời điểm mua. TS. Lực cũng cho rằng NHNN cần phối hợp chặc chẽ hơn với Ủy ban chứng khoán Nhà nước để phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.

Về điều hành lãi suất, TS. Lực cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp, tình hình doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, có thể xem xét giảm một chút lãi suất điều hành, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. 

NHNN cũng như ngành ngân hàng cũng phải tính đến chính sách tiền tệ linh hoạt hơn thích ứng với việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ năm 2016, đặc biệt khi Hiệp định thương mại tự do (TPP) có hiệu lực từ năm 2018. 

Có quan điểm tương đối khác về điều hành, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng là một chuyên gia về quản lý ngoại hối kỳ cựu cho rằng, việc công bố hay không về mức tỉ giá điều hành trong năm không quá quan trọng. Quan trọng nhất là cách thức NHNN truyền niềm tin vào thị trường. NHNN cũng không nên để biên độ tỉ giá rộng mà nên để biên độ hẹp hơn, ưu tiên sự ổn định.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Hồng khẳng định rõ phương châm mà Thống đốc NHNN luôn quán triệt toàn ngành là điều hành hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ giao.

Các tin khác