Vietnam Airlines chưa “bay” tới TTCK?

Theo những thông tin đã được báo chí đăng tải gần đây, ngày Vietnam Airlines (VNA) cổ phần hóa (CPH) và phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) không còn xa, dự kiến vào đầu năm 2014. Mặc dù vậy, những động thái nhằm tạo ra sự tương tác với TTCK và nhà đầu tư (NĐT) của VNA rất nhỏ giọt.

Theo những thông tin đã được báo chí đăng tải gần đây, ngày Vietnam Airlines (VNA) cổ phần hóa (CPH) và phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) không còn xa, dự kiến vào đầu năm 2014. Mặc dù vậy, những động thái nhằm tạo ra sự tương tác với TTCK và nhà đầu tư (NĐT) của VNA rất nhỏ giọt.

Xa rời TTCK

Từ khi những thông tin đầu tiên liên quan đến chuyện “cổ phần, CP” của VNA xuất hiện hồi đầu năm đến nay, có thể dễ dàng nhận thấy mô tuýp cực kỳ quen thuộc, dù không ai muốn, đó là cứ “dự kiến” và “chờ”. Vài năm nay, hiếm khi có doanh nghiệp lớn nào công bố rõ ràng, chính xác thời điểm IPO. Nhiều NĐT nói họ chỉ chờ đến khi nào chính thức giới thiệu CP hoặc công bố bản cáo bạch mới quan tâm.

Thương hiệu VNA lớn như thế nào, hoạt động, tiềm năng ra sao là điều ai cũng nắm rõ, nhưng chừng đó là chưa đủ để NĐT sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phần. Giờ đây, khi doanh nghiệp IPO nói riêng, hay tiếp cận với TTCK nói chung không đơn thuần là việc tiến hành CPH, công bố bản cáo bạch, giới thiệu rồi đến ngày đấu giá là xong.

Tính đến thời điểm này, những thông tin liên quan đến việc CPH của VNA chưa có gì đặc sắc hơn doanh nghiệp khác. Thí dụ, thông tin doanh thu, lợi nhuận của VNA bao nhiêu cho đến nay cũng chưa được phủ sóng rộng rãi. Hơn 1 tháng trước, trả lời với báo chí, một lãnh đạo của VNA đã công bố thông tin rằng “CP của VNA sẽ trên 1 chấm”. Đối với những người kỹ tính, thông tin này cho thấy sự “xa cách” quá lớn giữa người nói ra và TTCK.

Có doanh nghiệp nào tiến hành IPO mà đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn 1.0 hay không? Giá trên 1.0 là điều gần như chắc chắn chứ không phải là điều to tát gì. Nếu không “chạy” thật nhanh để bắt kịp hơi thở của TTCK, VNA có thể gặp những sự thất thế khi tiến hành IPO, cụ thể là mức giá chào bán. Một điều đã được chứng minh là doanh nghiệp càng minh bạch, quan hệ NĐT càng tốt giá CP thường được trả cao hơn. CP của VNA có những lợi thế, tiềm năng không thể chối cãi, nhưng cũng không thể đi ngược quy luật này.

Con chưa tương xứng với mẹ

Thông thường, trước khi 1 doanh nghiệp lớn tiến hành CPH và IPO, bên dưới sẽ có một số công ty con được CPH và tiếp cận với TTCK. Thí dụ, trước khi BIDV IPO, các công ty thành viên của ngân hàng này như Chứng khoán BIDV (BSC), Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng đã lên sàn HOSE. Hoặc trước khi Petrolimex CPH, thị trường niêm yết đã quá quen với các công ty con của đại gia xăng dầu này, như Hóa dầu Petrolimex (PLC), Ngân hàng Xăng dầu…

CPH công ty con, tiếp cận với TTCK sẽ góp phần quan trọng trong quá trình tái cấu trúc 1 công ty, tập đoàn. Hơn nữa, nếu mẹ chưa thật sự quen với TTCK, các công ty con sẽ là đơn vị tiên phong thực hiện việc tiếp cận để thu thập kinh nghiệm. VNA cũng có một số công ty con xuất hiện trên TTCK nhưng lại rất kín tiếng và chưa chứng tỏ được nhiều.

Một loạt doanh nghiệp đầu ngành như Vietcombank, Bảo Việt, PVGas đã CPH, IPO rồi niêm yết và xác lập vị thế của mình trong mắt NĐT. Vậy nên, để có thể tương xứng với vị thế là đại gia, VNA sẽ phải bay chứ không thể chạy được nữa.

Trên website của VNA giới thiệu có hơn 20 thành viên, nhưng trên TTCK, những ai quan tâm lắm mới nhớ được đâu đó khoảng 4 cái tên bao gồm Bảo hiểm Hàng không (VNI), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS), In Hàng không (IHK) và XNK Hàng không (ARM).

Các công ty này không gây được nhiều ấn tượng đối với NĐT. Và trong số 4 cái tên vừa nêu chỉ có ARM niêm yết tại HNX, IHK và MAS giao dịch tại UPCoM còn VNI vẫn chỉ là CP OTC. Không đơn vị thành viên nào của VNA niêm yết tại HOSE. Cứ tạm xem đây là những CP thuộc họ VNA, rõ ràng họ CP này quá nhỏ nhoi và yếm thế trong mắt NĐT.

Đầu tháng 8, ARM tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 30%, khi đó, giá CP này vào mức khoảng 2.4, tính ra tỷ suất cổ tức/thị giá rất hấp dẫn. Mặt khác, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt lên đến 30% cũng không phải là thấp, cho thấy tiềm năng trong hoạt động của ARM.

Nhưng rốt cuộc, ARM cũng chẳng thu hút được nhiều NĐT. CP có thanh khoản thấp, 10 phiên gần nhất có đến 4 phiên ARM không có giao dịch, những phiên còn lại thanh khoản cũng chỉ vài trăm đến vài ngàn CP. Vốn điều lệ của ARM hiện nay chỉ xấp xỉ 26 tỷ đồng, cho thấy quy mô không được hoành tráng cho lắm nếu so sánh với quy mô của VNA mẹ.

“Hàng ngon” ở phía trước?

Nếu xem các công ty con giống như lời chào hàng của VNA đến với TTCK, e rằng VNA có phần hơi khiêm tốn. Nhìn một cách lạc quan hơn, khi những điều tốt nhất chưa xuất hiện có nghĩa còn đang ở phía trước, nhưng VNA cũng không thể mãi chần chừ hoặc khép kín trong hoạt động được nữa. Mới đây, VietjetAir (VJA), hãng hàng không tư nhân duy nhất còn bay của Việt Nam, đã công bố lãi và dự định sẽ tiến hành IPO.

So với VNA, rõ ràng VJA vẫn còn thấp bé nhẹ cân, nhưng đôi khi yếu điểm cũng có thể trở thành lợi thế. Điểm dễ thấy đối với các đại gia như VNA khi tiến hành CPH chính là quy mô lớn, nên quá trình tái cấu trúc để tạo ra quy trình hoạt động mới trơn tru hơn, hiệu quả hơn sẽ tốn nhiều thời gian và vất vả hơn. Trong khi tại đơn vị nhỏ như VJA quá trình này sẽ thực hiện nhanh chóng hơn.

Giả sử, VJA tiếp tục đến cùng dự định của mình là tiến hành IPO và tiếp tục có những động thái như báo lãi, công bố những thông tin khác nhau để tương tác với công chúng, điều này cũng có thể tạo ra những sức ép nhất định cho VNA. Vì thế VNA cần phải chạy thật nhanh để xác lập vị thế của mình, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trên cả TTCK.

Các tin khác