Vietcombank-“bà đỡ” ngân hàng yếu kém

Mới đây, NHNN chính thức công bố việc mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành NHTM TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vietcombank được chỉ định sẽ tham gia hỗ trợ tái cấu trúc toàn bộ VNCB. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT VNCB.

Mới đây, NHNN chính thức công bố việc mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành NHTM TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vietcombank được chỉ định sẽ tham gia hỗ trợ tái cấu trúc toàn bộ VNCB. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT VNCB.

Phát huy ưu thế

 

Ngày 5-3, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định về việc yêu cầu Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB. Theo đó, Vietcombank thực hiện các trách nhiệm của TCTD được yêu cầu tham gia quản trị điều hành theo quy định tại Điều 11 Quyết định 48 ngày 1-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và các chỉ đạo của NHNN trong quá trình tham gia quản trị, điều hành VNCB.

Như vậy, Vietcombank được NHNN tin tưởng và giao phó một nhiệm vụ quan trọng trong việc tái cấu trúc NH, trong đó trọng tâm là việc xử lý những NH yếu kém. Trên thực tế, Vietcombank được xem là một trong những NHTM tốt nhất hiện nay. Trên thị trường chứng khoán giá cổ phiếu Vietcombank đang được giao dịch với mức giá gần 40.000 đồng/cổ phiếu, gần như không có đối thủ khi gấp đôi giá các cổ phiếu NH đứng liền sau như VietinBank, BIDV, Sacombank…

Mặc dù tổng tài sản Vietcombank đã lần đầu tiên vượt mức 500.000 tỷ đồng, nhưng để trở thành số 1 về tổng tài sản có thể mất nhiều năm, nếu không có những bước đột phá. Hơn thế, muốn trở thành số 1 về mặt quy mô, thị phần không có cách nào tốt hơn và nhanh hơn việc sáp nhập, hợp nhất. Hiện Vietcombank có thế mạnh truyền thống bán buôn, việc nhận sáp nhập một NH có thế mạnh bán lẻ sẽ giúp Vietcombank mở rộng nhanh chóng thị phần bán lẻ, tiến nhanh hơn trong chiến lược trở thành NH số 1.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Với mức giá hiện tại, giá trị thị trường của Vietcombank gần 100.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với những NHTMCP lớn như VietinBank, BIDV; gấp 5-6 lần so với Sacombank, MB, Eximbank, ACB…

Việc Vietcombank được thị trường định giá cao là minh chứng rõ ràng cho thấy giới đầu tư tin tưởng vào tiềm năng, năng lực lãnh đạo và hiệu quả kinh doanh, lành mạnh trong hoạt động tài chính của NH này. Hiện nay Vietcombank cũng là NH có thương hiệu tốt nhất Việt Nam, đi tiên phong trong việc hạ và duy trì lãi suất thấp, có dịch vụ ATM tốt và giao dịch điện tử, hoạt động ngoại hối đạt hiệu quả cao.

Thực tế, kết quả tài chính của Vietcombank trong những năm qua khá cao. Bất chấp những khó khăn của hệ thống NH và tăng trưởng chậm lại của tín dụng, tăng trưởng tổng tài sản của Vietcombank trong 4 năm gần đây vẫn đạt trung bình 17%/năm, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 16%/năm.

Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với trung bình của các NH khác. Đặc biệt, trong khi lợi nhuận nhiều NH sụt giảm mạnh, Vietcombank vẫn duy trì được lợi nhuận khá tốt và hiệu quả sử dụng vốn khá cao. Suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 4 năm gần đây trung bình đạt 12,63%/năm.

Đây không phải là mức quá cao trong nền kinh tế nhưng so với các NH khác, mức này khá hiệu quả. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 4.581 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong số NH có lợi nhuận cao nhất (sau VietinBank và BIDV).

Tuy nhiên, so với nhiều NH khác, nợ xấu của Vietcombank lại khá cao khi năm 2013 là 2,73% và năm 2014 là 2,31%, cao hơn khá nhiều so với VietinBank, BIDV hay Sacombank. Thông thường tỷ lệ nợ xấu cao là một trong những dấu hiệu cho thấy hoạt động quản lý cho vay tín dụng kém hiệu quả, nhưng theo một chuyên gia trong ngành tài chính, riêng trường hợp VietcomBank điều này chưa hẳn đã đúng.

Vị chuyên gia này giải thích những con số công bố chính thức về nợ xấu của các NH Việt Nam thường không chính xác. Nợ xấu của Vietcombank có tỷ lệ cao có thể do NH này đã trích lập dự phòng sát thực tế. Vì vậy, nợ xấu cao của Vietcombank có thể xem là một nét tích cực.

Con bài chiến lược

Hiện tại, cổ đông nhà nước do NHNN làm đại diện vốn vẫn nắm giữ 77,11% tại Vietcombank, nên NHNN có toàn quyền quyết định đối với hoạt động của NH này. Tuy nhiên, việc NHNN chọn Vietcombank tham gia tái cấu trúc VNCB không phải xuất phát từ điều này, mà chủ yếu từ năng lực nội tại của Vietcombank.

Trước đó, NHNN cũng quyết định Vietcombank sẽ sáp nhập SaigonBank để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc hệ thống NH theo đề án đã được phê duyệt. Đối với VNCB, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, cho biết hiện tại NH đã trình NHNN đề án tái cơ cấu và được đánh giá cao. Theo đó, Vietcombank sẽ hỗ trợ từ nguồn lực tài chính đến công nghệ, con người trong quá trình tham gia quản trị tại VNCB.

2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án 254 về tái cấu trúc các TCTD giai đoạn 2011-2015. Do đó, 2015 được dự báo là năm NHNN quyết liệt thực hiện để đưa quá trình tái cấu trúc NH về đích vào cuối năm. Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của Vietcombank vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh năm 2015, sẽ xử lý NH yếu kém với những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, sẽ có những TCTD yếu được TCTD mạnh hỗ trợ.

Như vậy, có thể nói Vietcombank được xem là một trong những con bài chiến lược của NHNN trong xử lý những NH yếu kém, tái cấu trúc hệ thống NH. Theo Thống đốc, Vietcombank phải kinh doanh tốt, đồng thời là công cụ của Nhà nước để thực thi và triển khai chính sách tiền tệ cũng như hoạt động NH, sớm thực hiện mong muốn phát triển Vietcombank trở thành NH số 1 Việt Nam.

Thống đốc cũng tin tưởng rằng Vietcombank sẽ tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu hệ thống NH với mục tiêu vừa giúp Vietcombank sớm đạt tới một NH đa năng, có vị thế, thị phần chi phối thị trường cả về bán buôn, bán lẻ và nhiều mặt hoạt động khác; vừa giúp triển khai các chủ trương của NHNN một cách hiệu quả nhất.

Rõ ràng, với năng lực nhân sự, tài chính, hệ thống quản lý, kinh nghiệm và hệ thống công nghệ tốt được nhiều người tin tưởng, Vietcombank được kỳ vọng làm tốt vai trò xử lý NH yếu kém trong thời gian tới. 

Các tin khác