Vàng, USD rủi ro nhưng hấp dẫn

(ĐTTCO) - Trong nửa tháng đầu năm 2016, giá vàng đã tuột khỏi mốc 33 triệu đồng/lượng, trong khi tỷ giá USD/VNĐ cũng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, sức hút của 2 kênh đầu tư này vẫn còn rất lớn khi nhà đầu tư vẫn đang theo dõi, bám sát thị trường với kỳ vọng giá sẽ tăng.

(ĐTTCO) - Trong nửa tháng đầu năm 2016, giá vàng đã tuột khỏi mốc 33 triệu đồng/lượng, trong khi tỷ giá USD/VNĐ cũng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, sức hút của 2 kênh đầu tư này vẫn còn rất lớn khi nhà đầu tư vẫn đang theo dõi, bám sát thị trường với kỳ vọng giá sẽ tăng.

Vàng: Năm đầy biến động

Sau tuần mở đầu năm 2016 với những phiên tăng mạnh, giá vàng trong nước tuần qua đã liên tục trồi sụt theo giá vàng thế giới. Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trước, giá vàng SJC tăng 10.000 đồng/lượng; giá mua vào - bán ra ở mức 32,85-33,17 triệu đồng/lượng, sau khi giá vàng thế giới tăng nhẹ lên mốc 1.106USD/ounce, tương đương 29,99 triệu đồng/lượng. Một ngày sau đó, giá vàng thế giới giảm mạnh xuống 1.094USD/ounce, cùng với việc đồng USD mạnh lên so với EUR, đã kéo giá vàng trong nước xuống 32,8-33,12 triệu đồng/lượng. Song đà giảm này nhanh chóng được kiềm chế.

Chuyển sang phiên giữa tuần, ngày 13-1 giá vàng thế giới lao dốc về mức 1.085USD/ounce do chứng khoán châu Âu và Hoa Kỳ phục hồi và USD tăng mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, đã làm suy yếu sức hấp dẫn của vàng. Sự kiện này đã kéo giá vàng trong nước rơi khỏi mốc 33 triệu đồng/lượng, về mức 32,27-32,72 triệu đồng/lượng. Sau khi nhích lên mức 1.093USD/ounce vào ngày 14-1, giá vàng thế giới ngày 15-1 lại lao xuống 1.078USD/ounce, kéo giá vàng trong nước xuống mức thấp 30,02-30,47 triệu đồng/lượng. Phiên cuối tuần qua, giá vàng thế giới lại tiến sát mức 1.097USD/ounce, nhưng giá vàng SJC trong nước đã không trở lại mốc 33 triệu đồng/lượng. Mở cửa phiên cuối tuần, giá mua-bán vàng miếng SJC tại TPHCM được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố ở mức 32,63-32,9 triệu đồng/lượng. Tính chung tuần qua, giá vàng trong nước đã giảm 270.000 đồng ở chiều bán ra, mức chênh lệch với giá thế giới xoay quanh ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.

Theo đánh giá của Phòng Kinh doanh Vàng thuộc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, thị trường vàng đầu năm 2016 đã có những sắc thái khác nhau với những nhịp tăng giảm nhanh mạnh của giá vàng, hứa hẹn 1 năm đầy biến động cũng như sự lạc quan của giới đầu tư đối với vàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng, suy xét, đứng ngoài thị trường quan sát và nghe ngóng những thông tin quan trọng trước khi tham gia giao dịch. Đánh giá các hạng mục đầu tư được quan tâm có thể thấy lãi suất huy động tiền gửi VNĐ tại các NH tăng, bất động sản dần ấm, cùng với sự tăng giảm của vàng, đã khiến nhà đầu tư lưỡng lự hơn cho việc lựa chọn mục tiêu kinh doanh của mình. Trong khi đó, sau khi NHNN chấp nhận đề nghị của SJC được tiếp tục gia công vàng miếng kể từ ngày 13-1 đến hết tháng 6-2016, SJC tiếp tục thu mua vàng miếng loại một chữ và vàng móp méo, không khí mua bán của thị trường khởi sắc hơn, nhưng chủ yếu bán ra, khách mua trong tuần chủ yếu nhỏ lẻ, có nhu cầu mua tích trữ khi giá vàng xuống thấp. Với diễn biến giá vàng tăng trong 2 phiên cuối tuần, đa số chuyên gia và nhà đầu tư được Kitco khảo sát ý kiến đều lạc quan cho rằng trong tuần này giá vàng sẽ tiếp tục đi lên.

Kỳ vọng USD

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm ngày 16-1 được NHNN công bố ở 21.917 đồng/USD. Qua 10 ngày chính sách tỷ giá mới được áp dụng tính từ ngày 4-1, tỷ giá trung tâm hiện nay tăng 21 đồng nhưng tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM lại giảm mạnh. Trong 5 ngày đầu, tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp 3 ngày và đạt mức cao nhất 21.919 đồng/USD vào ngày 7-1, sau đó bất ngờ giảm 10 đồng xuống còn 21.909 đồng/USD vào ngày 8-1 và 9-1. 2 ngày đầu tuần trước, tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp lên 21.911 đồng/USD và 21.913 đồng/USD, nhưng lại giảm xuống 21.909 đồng/USD và 21.907 đồng/USD vào các ngày giữa tuần. Trong 2 phiên cuối tuần, tỷ giá trung tâm bất ngờ tăng mạnh 10 đồng, lên 21.917 đồng/USD. Trong khi đó, tại các NHTM, tỷ giá giảm 22.470-22.540 đồng/USD trong ngày 4-1, về mức 22.360-22.390 đồng/USD chiều mua vào và 22.445-22.460 đồng/USD chiều bán ra vào ngày 16-1. Trên thị trường tự do cuối tuần qua, giá USD mua vào bán ra 22.500-22.540 đồng/USD.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Mặc dù với cơ chế tỷ giá mới NHNN không đưa ra một ngưỡng cam kết điều chỉnh tỷ giá sẽ hạn chế hoạt động đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất của nhà đầu tư cả nước ngoài và trong nước nhưng đồng USD vẫn còn sức hấp dẫn rất lớn. Các dự báo gần đây đều cho rằng thị trường ngoại hối được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do sức ép giảm giá VNĐ đến từ nhiều phía, đặc biệt là các yếu tố khách quan khó lường như việc FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất USD và các động thái của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/NDT. Trong kịch bản cơ sở, VNĐ được dự báo sẽ mất giá thêm 3-4% so với USD trong năm 2016. Vì vậy, dù hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do đã bị cấm nhưng giao dịch mua bán USD vẫn đang diễn ra sôi động.

 Theo nhân viên của một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM, các tiệm vàng vẫn giao dịch mua bán USD khá sôi động bởi tỷ giá được quản lý theo cơ chế mới, dù dự báo khả năng USD tăng giá cao trong năm nay. Tuy nhiên, sau nhiều vụ tiệm vàng bị bắt quả tang mua bán USD, các giao dịch mua bán USD được thực hiện thận trọng hơn. Những khách hàng quen sẽ được giao dịch mua hoặc bán nhanh chóng. Trường hợp khách lạ hỏi mua USD thường bị từ chối. Nhìn nhận về việc điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, các chuyên gia phân tích cho rằng việc tỷ giá có thể biến động theo cả 2 chiều tăng và giảm sẽ phần nào giúp làm giảm nhu cầu ngoại tệ ảo, giảm hoạt động đầu cơ trong ngắn hạn, song về dài hạn, chỉ mỗi cơ chế tỷ giá không thể triệt tiêu được tâm lý đầu cơ mà cần phải phối hợp với hoạt động ngân sách, chính sách tài khóa.

Các tin khác