Văn hóa Bạc Liêu

Khi thực hiện bộ phim tài liệu Đất Bạc Liêu (dài 7 tập), tôi và nhà văn, đạo diễn Võ Đắc Danh đã có buổi nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong buổi trò chuyện này, tôi bị bất ngờ khi anh Dũng cho biết Bạc Liêu đã phát triển mạnh trong những năm qua “nhờ văn hóa”.

Khi thực hiện bộ phim tài liệu Đất Bạc Liêu (dài 7 tập), tôi và nhà văn, đạo diễn Võ Đắc Danh đã có buổi nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong buổi trò chuyện này, tôi bị bất ngờ khi anh Dũng cho biết Bạc Liêu đã phát triển mạnh trong những năm qua “nhờ văn hóa”.

Đó là một ngày trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Ngoài trời gió chướng thổi về rất mạnh, đất trời reo vui. Anh Dũng mặc chiếc áo vét đen, nghiêm trang nhưng vẻ mặt và phong thái thì cởi mở, hết mình.

Là nhà chính trị, nhưng khi trả lời trước ống kính, tư duy, ngôn từ và sự cảm thức về Bạc Liêu của anh làm tôi ngỡ như bắt gặp một tâm hồn khác, một con người khác. Đó là tâm hồn rung cảm của người nghệ sĩ chứa chan nhiệt huyết của đứa con quê.

Trước câu hỏi về nguồn lực nào khiến Bạc Liêu có sự phát triển vượt bậc trong 2-3 năm nay, anh Dũng cho biết: “Dựa vào nhiều nguồn lực. Có một điều cần nói rằng, tiềm năng kinh tế của Bạc Liêu cũng na ná như các tỉnh khác ở ĐBSCL, nhưng Bạc Liêu có một tiềm năng quan trọng, một nguồn lực đặc biệt, đó là truyền thống văn hóa. Thế nên Bạc Liêu đi lên từ văn hóa!”.

Anh Dũng lý giải, Bạc Liêu là đất mới, 300 năm khẩn hoang xây dựng cũng là ngần ấy thời gian hình thành một chiều sâu văn hóa. Đó là tâm hồn Bạc Liêu. Bao lớp người từ nơi khác đặt bước chân cơ nhỡ lên đất Bạc Liêu dựng nghiệp đã phải đối diện với hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên và xã hội.

Đất mới mênh mông và màu mỡ, giàu tôm cá chim muông, làm chơi ăn thiệt, nhưng lại đầy muỗi mồng, đỉa vắt, chuột bọ. Còn xã hội loạn lạc cướp bóc như rươi, lại bị thực dân, đế quốc đè đầu cưỡi cổ, gây ra chiến tranh máu lệ triền miên.

Nhưng chính trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, sức mạnh của văn hóa dân tộc đã rèn dũa nên tính cách, tâm hồn và phẩm chất con người Bạc Liêu, văn hóa Bạc Liêu.

Người Bạc Liêu có nhiều tính cách đẹp. Tính cách đầu tiên có thể nói là phóng khoáng hào hiệp. Nếu loại bỏ các yếu tố tiêu cực thì hiện tượng công tử Bạc Liêu cũng có thể nói lên điều này. Tính cách thứ hai là sự phản kháng dữ dội, ghét bạo tàn. Lịch sử Bạc Liêu đã chứng minh sinh động điều này qua vụ án Đồng Nọc Nạng, Chủ Chọt và qua nhiều anh hùng liệt sĩ trong chống Pháp, đánh Mỹ... làm nên một Bạc Liêu giàu truyền thống cách mạng.

Lòng nhân hậu, khoan dung của người Bạc Liêu cũng là một tính cách đẹp. Người Bạc Liêu không chỉ sẵn sàng giúp đỡ láng giềng, người nơi khác đến, mà ngay cả với kẻ thù người Bạc Liêu vẫn khoan dung nhân hậu.

Từ rất xa xưa trong mắt người Sài Gòn lục tỉnh, Bạc Liêu được nhìn nhận như một vùng đất văn nghệ qua điệu nói thơ Bạc Liêu, qua nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu, về sau trở thành bài ca vua của các làn điệu vọng cổ; qua việc Bạc Liêu là chiếc nôi của đàn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ... Tất cả những điều trên nói lên rằng con người Bạc Liêu có tâm hồn đa cảm và rất tài hoa nghệ sĩ.

Người Bạc Liêu còn có một phẩm chất rất đáng trân trọng là tinh thần vượt khó với khát vọng đi lên. Nhìn lại lịch sử, Bạc Liêu là một vùng đất được khai mở muộn so với các tỉnh ĐBSCL, nhưng đã trở  thành 1 trong 4 trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội sớm nhất của ĐBSCL.

Ngay từ thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Bạc Liêu được mệnh danh là tỉnh lúa, tỉnh muối... Điều đó cho thấy khát vọng phát triển của con người Bạc Liêu rất mãnh liệt. Phẩm chất này rất quý trong giai đoạn Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển hôm nay. Và thực tiễn hôm nay cũng đã chứng minh sinh động phẩm chất này của con người Bạc Liêu.

Những năm gần đây, khi Bạc Liêu bước vào đẩy mạnh phát triển, chúng ta thấy toàn Đảng, toàn dân Bạc Liêu đã hưởng ứng nhiệt thành, họ làm việc cống hiến, hăng say lao động quên mình vì quê hương. Chính họ đã tạo ra sự thay đổi của Bạc Liêu hôm nay.

Khái niệm văn hóa rất rộng lớn, nhưng cũng có thể hiểu đó là sự kết tinh, đọng lại của đời sống con người. Thế nên việc nhận diện tính cách, tâm hồn và phẩm chất con người Bạc Liêu cũng chính là nhận diện văn hóa Bạc Liêu. Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng nói: “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” bởi Bạc Liêu đã huy động được những giá trị do con người Bạc Liêu tạo ra suốt 300 năm xây dựng để làm nguồn lực phát triển.

Đó là sự huy động những giá trị lớn nhất của Bạc Liêu. Ngoài việc tạo nguồn lực văn hóa nêu trên, việc sử dụng, khai thác nguồn lực này cũng rất mới. Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch của Bạc Liêu đã khẳng định lấy văn hóa, lịch sử làm nguồn lực phát triển.

Theo đó phải xây dựng, phát triển các di tích lịch sử văn hóa, phát triển văn hóa ẩm thực, văn nghệ đặc trưng của Bạc Liêu...

Việc đi lên từ văn hóa còn nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh giàu văn hóa như Bạc Liêu.

Các tin khác