Ưu tiên giải tỏa các ách tắc

Trong một báo cáo công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đã đề xuất những việc phải làm trong năm 2013: ưu tiên giải quyết tình trạng “tồn kho, ứ đọng” lâu năm để nền kinh tế khôi phục, trên cơ sở ổn định vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững; tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng bằng các hành động tái cơ cấu thực sự.

Trong một báo cáo công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đã đề xuất những việc phải làm trong năm 2013: ưu tiên giải quyết tình trạng “tồn kho, ứ đọng” lâu năm để nền kinh tế khôi phục, trên cơ sở ổn định vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững; tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng bằng các hành động tái cơ cấu thực sự.

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam gồm các tác giả PGS.TS Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An, Nguyễn Việt Phong cho rằng để giải quyết nhiệm vụ trên, cần thiết phải có cách tiếp cận mới đến việc phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ ưu tiên giải quyết.

Thực chất của cách tiếp cận mới này là: Ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc giải quyết các nhiệm vụ tái cơ cấu đã được xác định, cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó (còn bao nhiêu) mới dành cho nhiệm vụ tăng trưởng GDP. Tương quan cuối cùng này sẽ là căn cứ để xác định (mục tiêu) GDP sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2013.

Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, ưu tiên đầu tiên là trở lại thực hiện những nhiệm vụ nền tảng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới ở tâm thế mới. Chẳng hạn, chuyển đổi cơ cấu sở hữu, chuyển dịch các quyền tài sản và phát triển cơ chế thực hiện sở hữu theo nguyên lý thị trường.

Chính quyền các cấp trả ngay cho các doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình xây dựng đầu tư công lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận”. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần giải tỏa 2 “cục máu đông” lớn nhất hiện nay: nợ xấu và hàng tồn kho.

Kiến nghị của nhóm nghiên cứu

Do quá trình cải cách thể chế bị “thả lỏng” để tập trung cho nhiệm vụ “đầu tư - tăng trưởng”, các vấn đề đất đai, doanh nghiệp nhà nước hay ngân sách nhà nước lại trở nên gay gắt trong mấy năm gần đây, tạo thành những ách tắc kinh tế - chính trị chủ yếu của quá trình phát triển kinh tế, là căn nguyên của tình trạng kém hiệu quả, mất cân đối vĩ mô và bất ổn ngày càng nghiêm trọng.

Đó là lý do để coi việc giải tỏa các ách tắc này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của năm 2013.

Theo lập luận đó, nhiệm vụ cải cách thể chế ưu tiên năm 2013: Giải quyết vấn đề ruộng đất mà trọng tâm là xây dựng Luật Đất đai, đáp ứng các yêu cầu vận động của đất đai với tư cách là nguồn lực quan trọng nhất của nền kinh tế theo nguyên lý thị trường; cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu phát triển kinh tế thị trường (thúc đẩy cạnh tranh, xóa bỏ hay hạn chế độc quyền và thủ tiêu các ưu quyền, đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước); cải cách ngân sách nhà nước - một loại tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân - để xác lập cơ chế phân bổ nguồn lực - quyền lực mới trong nền kinh tế.

Định hướng cơ bản là áp dụng nguyên tắc ràng buộc ngân sách “cứng” đối với hệ thống ngân sách nhà nước, thay cho hệ thống ngân sách ràng buộc “mềm” hiện nay.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2013

- Tăng trưởng GDP khoảng 5,5% so với năm 2012

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%

- Bội chi ngân sách so với GDP không quá 4,8%

- Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP khoảng 29,7%

- Tốc độ tăng CPI khoảng 7-8%

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ

Đối với nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, cần tập trung cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó khâu trọng tâm là xử lý tình trạng sở hữu chéo và liên kết nhóm lợi ích thao túng hệ thống ngân hàng và thao túng nền kinh tế. Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước: Ưu tiên tái cơ cấu một số tập đoàn “mẫu” (Vinashin, Vinalines) theo nghĩa “làm tan những cục máu đông lớn” trong nền kinh tế. Sự tồn tại của những cấu trúc đã phá sản trên thực tế.

Nói khác đi, sự hiện diện của những “xác chết không chôn được” đang làm hao tổn đáng kể một khối lượng lớn nguồn lực quốc gia, vừa ngăn chặn quá trình lưu thông vốn bình thường trong nền kinh tế, lại chứng tỏ sự bất lực của Nhà nước trong việc giải quyết một cơ chế lỗi thời.

Tái cơ cấu đầu tư công không nên hướng nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ cắt giảm đầu tư công - vốn là một giải pháp chỉ mang tính đối phó ngắn hạn.

Cần đặt trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công vào việc thiết kế một cơ chế phối hợp có chế tài nghiêm túc giữa việc xác định và phê duyệt các dự án đầu tư công và năng lực thực hiện, không chỉ năng lực vốn tài chính mà đồng bộ các loại năng lực khác.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp cấp bách, ngắn hạn, mà trước hết là thay đổi tư duy kế hoạch. Hiện nay, việc bị trói buộc trong tư duy và tầm nhìn kế hoạch hàng năm đang gây nên những hậu quả to lớn.

Thứ nhất, nó dung dưỡng “chủ nghĩa thành tích”. Thứ hai, nó không giúp mở tầm nhìn để thiết lập một chương trình khôi phục các cơ sở ổn định và tăng trưởng bền vững, cũng như thực hiện bài bản các nhiệm vụ tái cơ cấu - thường là những công việc đòi hỏi một thời gian dài hơn nhiều (3-5 năm).

Vì thế, trong thời gian tới, thay vì triển khai kế hoạch từng năm như trước đây, chuyển sang thực hiện một chương trình hành động 3 năm (2013-2015), với nội dung là chương trình phục hồi sau khủng hoảng và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Đi liền với đó cần bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo quý và tăng trưởng GDP cấp tỉnh. Đây là 2 chỉ tiêu thiếu nội dung kinh tế độc lập, không có cơ sở để đo lường chính xác, là công cụ nuôi dưỡng “chủ nghĩa thành tích” đáng bị loại bỏ nhất hiện nay.

Các tin khác