Tự hào dẫn dắt "cuộc đua" về đích

(ĐTTCO) - “Mình đếm từng ngày cho đến giữa năm 2017 để được hoàn thành nhiệm vụ” - tâm sự của người từng gắn bó 20 năm với ngành chứng khoán và là Chủ tịch lâu nhất của ngành (từ năm 2006 đến nay) - ông Vũ Bằng (ảnh). Với ông, chứng khoán đã gắn bó như máu thịt, dù cái nghề này tạo ra rất nhiều áp lực, sức ép, căng thẳng, lo lắng cả khi thị trường nóng lẫn lạnh, trong khi tuổi của ông đã đến lúc cần được nghỉ ngơi.

(ĐTTCO) - “Mình đếm từng ngày cho đến giữa năm 2017 để được hoàn thành nhiệm vụ” - tâm sự của người từng gắn bó 20 năm với ngành chứng khoán và là Chủ tịch lâu nhất của ngành (từ năm 2006 đến nay) - ông Vũ Bằng (ảnh). Với ông, chứng khoán đã gắn bó như máu thịt, dù cái nghề này tạo ra rất nhiều áp lực, sức ép, căng thẳng, lo lắng cả khi thị trường nóng lẫn lạnh, trong khi tuổi của ông đã đến lúc cần được nghỉ ngơi.

Gắn vào như máu thịt

Bộc bạch về cái nghề đã theo mình suốt 20 năm qua, ông Vũ Bằng nói: “Chứng khoán gần như là cuộc sống, là hơi thở, gắn bó như máu với thịt”. Bởi, cùng với các đồng nghiệp khác, ông đã tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án thị trường chứng khoán (TTCK), từ con số 0 của 20 năm trước, để rồi đến nay mức vốn hóa TTCK, tính cả cổ phiếu và trái phiếu đã đạt đến 63% GDP.

Năm 1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ tài chính được thành lập. Khi đó ông Bằng là cán bộ của Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với nhiều cán bộ của NHNN được cử sang cơ quan mới. Ông bảo khi đó mọi thứ còn mới mẻ nên không phải ai cũng thích.

Nhưng những đam mê về sự mới mẻ của thị trường này đã khiến ông dấn thân. Nói về những khó khăn thời kỳ đầu của thị trường, ông nhớ nhất câu chuyện tạo hàng. Khi đó, Hà Nội và TPHCM là trọng điểm vận động lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tham gia TTCK. Thế nhưng hầu hết doanh nghiệp sau khi nghe trình bày đều từ chối vì thấy quá phức tạp, phải công bố thông tin và nhiều quy định mới.

“Trong buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội, sau khi nghe về những ích lợi của TTCK, của sự minh bạch, huy động vốn, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của vị lãnh đạo ấy: Dù TTCK có nhiều lợi ích, nhưng qua nhiều năm bao cấp, doanh nghiệp như gà công nghiệp, ngày với đêm ở trong ánh đèn nên như nhau hết, giờ mở cửa đuổi cũng không ra, cứ ở trong chuồng nên rất khó” - ông Bằng kể lại.

Một thời nóng đỉnh điểm

Giữa năm 2017, ông Bằng sẽ nghỉ chế độ sau hơn 10 năm đứng đầu ngành chứng khoán. Có lẽ những cơn mất ngủ, đau đầu vì thị trường sẽ kết thúc. Và có lẽ ông sẽ dành nhiều thời gian cho niềm vui thời trai trẻ vốn bị bỏ quên lâu nay: Nhàn nhã cùng vợ dạo quanh Bờ Hồ và thưởng thức các món truyền thống.

Một chuyện khác khiến ông Bằng nhớ mãi thời điểm năm 2006, khi TTCK Việt Nam tăng trưởng rất nóng, dòng vốn nước ngoài ào vào. Khi đó chúng tôi rất lo lắng. GS. Hauskrecht người Đức đang là cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tư vấn TTCK tăng như vậy là bong bóng, phải chủ động xì hơi quả bóng đó, đừng để nó tự vỡ rất nguy hiểm.

Lúc đó các cảnh báo đều chỉ tác động hạ nhiệt được vài phiên. Nhiều tổ chức quốc tế nhảy vào đánh giá càng khiến thị trường nóng hơn. Thậm chí báo cáo của Merrill Lynch còn khuyến nghị, nhà đầu tư quốc tế nếu muốn 10 năm nữa có tiền cho con cái ăn học hãy đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Thời điểm đó, dòng ngoại tệ đổ vào để đổi ra tiền đồng mua cổ phiếu đã tác động mạnh lên lạm phát. Khi thấy thị trường quá nóng, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút tiền, đầu tiên là trái phiếu chính phủ bị bán tháo với chiết khấu 20-25%. Dòng tiền đảo chiều và TTCK lao dốc.

Giữa thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi phân tích thấy duy nhất một điểm chưa có dấu hiệu khủng hoảng là tổng mức dự trữ ngoại tệ chia cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, cộng với nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn là tỷ lệ 2,4 lần (dưới 2 là tương đối rủi ro, dưới 1 là khủng hoảng).

Khi đó, nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam áp dụng biện pháp mạnh như Thái Lan năm 1997-1998, là vốn đầu tư nước ngoài vào 1 năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh vào việc hồi vốn này.

Tuy nhiên, sau đó TTCK biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài ào ạt rút vốn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này, vì thị trường nóng mà thắt lại sẽ vỡ. Cuối cùng, Chính phủ quyết định chưa cần thiết phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nước ngoài. Đây là quyết định rất quan trọng, vì vào thời điểm đó các tín hiệu kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, nếu biện pháp kiểm soát được đưa ra càng thúc đẩy dòng vốn đảo chiều và sẽ gây đổ vỡ TTCK”.

Bạn đồng hành của báo chí

Điều khiến nhiều phóng viên theo dõi lĩnh vực chứng khoán đồng cảm với những khó khăn của TTCK còn non trẻ như Việt Nam, ông Bằng rất cởi mở, thẳng thắn và chân tình. TTCK là thị trường của niềm tin, nên theo quan điểm của ông Bằng thông tin càng phải minh bạch, và một trong những kênh truyền tải quan trọng nhất chính là báo chí. Trong các cuộc họp nội bộ lẫn công khai, vai trò của báo chí luôn được ông nhắc đến như một nhân tố chính tạo nên sự ổn định, phát triển của TTCK.

Quan điểm về công khai, minh bạch được người đứng đầu UBCKNN áp dụng để đối chọi với những tin đồn vốn đầy rẫy trên TTCK. Những điều đó thấm xuống hầu hết lãnh đạo UBCKNN, từ cấp vụ đến các phó chủ tịch. Vì thế, cứ mỗi lần có những sự cố, vụ việc hay tin đồn có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đại diện của UBCKNN lại xuất hiện để đưa ra thông tin nhằm giảm thiểu bất lợi có thể tác động lên thị trường.

Chính từ quan điểm này, các chính sách do UBCKNN dự thảo, xây dựng đều công khai, minh bạch từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến các thành viên thị trường, và khi ban hành cũng đưa ra lộ trình cụ thể. Phương thức điều hành và quan điểm về công khai, minh bạch của ông Bằng đã nhận được chia sẻ của các phóng viên theo dõi ngành.

Có lần, tâm sự với các phóng viên, ông bộc bạch: ”Khi TTCK đã có bước phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, vai trò của của ngành chứng khoán đã được nhìn nhận đúng hơn và là động lực để chúng tôi quản lý, vận hành tiếp tục nghiên cứu định hướng TTCK phát triển. Để có được thành quả này cũng nhờ sự đóng góp tích cực của các bạn”.

Tuy nhiên, cũng có những bài báo đã gây không ít phiền hà cho ông. Ông kể cách đây khoảng 10 năm, thời điểm TTCK ở giai đoạn phát triển nóng, một bài báo đã đặt vấn đề về việc giá cổ phiếu “phi mã” thoát ly khỏi hoạt động kinh doanh của công ty niêm yết, và cho rằng TTCK đã bị biến thành sòng bạc, đồng thời đặt nghi vấn về sự phát triển của TTCK.

Trong bối cảnh hiểu biết của người về TTCK còn nhiều hạn chế, chưa trọn vẹn, bài báo lại càng như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến những câu hỏi về vai trò của TTCK lại được đặt ra. Tuy nhiên, sau bài báo đáng nhớ này, ông Bằng vẫn giữ phong cách cởi mở của mình với báo chí, kể cả với tác giả của bài báo nọ.

Vậy khi nào ông thấy vui nhất? Ông cười: “Đó là khi khó khăn có người chia sẻ, thông cảm cho những vướng mắc khó vượt qua. Ngoài ra, đó còn là thời điểm nhìn thấy những việc mình làm mang lại hiệu quả tốt, mọi người vui vẻ và thị trường phát triển”. Tự hào về những gì ngành chứng khoán đã làm được trong 20 năm qua, ông Bằng chia sẻ: “TTCK 20 năm của mình không giống ai, nhưng đã xây được đến lúc này là thành công. Đó là công sức chung của cả hệ thống cũng như nhà đầu tư”.

Các tin khác