TTTM cao cấp: Chưa tận dụng thiên đường mua sắm

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đang trở thành một lời giải có vẻ hợp lý cho hiện trạng vắng khách tại các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp đang ngày một nhiều ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, tính toán của giới đầu tư đó chỉ là tạm thời bởi tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác.

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đang trở thành một lời giải có vẻ hợp lý cho hiện trạng vắng khách tại các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp đang ngày một nhiều ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, tính toán của giới đầu tư đó chỉ là tạm thời bởi tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác.

> Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc chiến nội - ngoại

Tưng bừng khuyến mại vẫn vắng

Theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam mua hàng khuyến mại nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó 87% lượng người thường xuyên mua hàng khuyến mại so với mức trung bình 68% của khu vực; 56% người tiêu dùng tích cực “săn” hàng khuyến mại khi đi mua sắm, so với khu vực là 38%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các TTTM cao cấp liên tục tung ra những chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.

Do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nên việc các TTTM vắng khách là điều dễ hiểu. Do vậy thời điểm này các doanh nghiệp nên chú trọng đến các chương trình giảm giá, khuyến mại để thu hút khách, tức giảm lợi nhuận hoặc có thể hòa vốn để tồn tại chờ thời cơ.

ĐINH THỊ MỸ LOAN,
Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

Thế nhưng, hiện tại nếu dành thời gian dạo qua một số TTTM lớn ở TPHCM như Parkson, Diamond, Zen Plaza… thực tế đang đi ngược lại với những chiến dịch khuyến mại “khủng’ ấy. Không kể ngày thường, ngay cả 2 ngày cuối tuần khi ghé qua Zen Plaza (quận 1) hay Parkson (quận 7, trước đây là TTTM Saigon Paragon) đều thấy cảnh vắng vẻ. Khách viếng thăm ít nhưng tỷ lệ người xem luôn cao hơn mua nhiều lần.

Tại một gian hàng thiết bị tập thể dục, mấy nhân viên bán ghế mátxa đã nài nỉ chúng tôi ghé vào tham quan để họ được ghi tên vì “từ sáng đến giờ chẳng có một người khách nào” - một nhân viên bán hàng than thở.

Bớt vắng vẻ hơn những trung tâm kể trên là Diamond khi cuối tuần lượng khách hàng trẻ tuổi ra vào trung tâm này khá đông, nhưng họ thường bỏ qua những tầng bán đủ loại hàng hiệu mà lên thẳng khu vực ăn uống, giải trí phía trên.

Nghiên cứu mới đây của một đơn vị tư vấn và quản lý đã nêu những con số khá hài hước tại các TTTM: Trong 1.800 khách ghé vào mỗi ngày có tới 500 người (1/3) vào đi vệ sinh hoặc tránh nắng. Vậy mà điều này cho đến nay dường như vẫn chưa thay đổi nhiều.

Thế nên mới dẫn đến những cái “chết âm thầm” của một số TTTM cao cấp sau một thời gian ra mắt khá rầm rộ. Chẳng hạn nằm tại vị trí khá đắc địa giữa hai con đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng (quận 1), khu TTTM Kumho Asiana ngày ra đời hẳn mang theo nhiều hy vọng.

Song chỉ được một thời gian ngắn những cửa hàng thời trang lần lượt được thay thế bằng nhà hàng, quán cà phê. Dù không có được câu trả lời chính xác từ phía các TTTM cao cấp về số lượng khách đến mua sắm giảm bao nhiêu so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo tìm hiểu của ĐTTC lượng khách đến các TTTM giảm trung bình 30-40%.

Có vẻ như các chương trình khuyến mại tưng bừng của các TTTM cao cấp chỉ thu hút được một lượng nhỏ người tiêu dùng do giá cả các mặt hàng đều ở mức quá cao. Tất nhiên, dù thế nào lượng người sẵn sàng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ vẫn còn tiềm năng. Nhưng họ thường chọn Thái Lan, Singapore làm nơi mua sắm vì hàng hóa phong phú mà giá cả lại rẻ hơn ở Việt Nam.

Khó khăn tạm thời

Lượng khách giảm khiến một số TTTM cao cấp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Vậy trong bối cảnh này, vì sao một loạt TTTM mới lại chuẩn bị ra đời? Bởi mức tăng trưởng ngành bán lẻ Việt Nam bình quân 30%/năm và Việt Nam đang đứng thứ 14 về độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Nói như vậy để thấy rằng tiềm năng TTTM vẫn còn rất lớn.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom - đơn vị đang sở hữu 2 TTTM cao cấp tại Hà Nội và TPHCM - cho biết từ nay đến năm 2015, Vincom sẽ xây dựng chuỗi 10 TTTM lớn tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đặc biệt, đây sẽ là các TTTM rất lớn với diện tích trên 100.000m2.

Nhiều gian hàng thời trang tại các TTTM đang trong trình trạng vắng khách. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều gian hàng thời trang tại các TTTM đang trong trình trạng vắng khách. Ảnh: LÃ ANH

Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, đến năm 2020 mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam sẽ tăng lên 3,8 triệu m2 nhưng vẫn đi sau Bangkok 18-20 năm. Chính vì thế còn rất nhiều cơ hội cho các TTTM cao cấp phát triển.

Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng mạnh lên 28 triệu người vào năm 2014. Những con số này đang làm yên lòng các chủ đầu tư của TTTM. Vì thế đã có ý kiến cho rằng nếu không nhanh chân sẽ không còn chỗ cho người đến sau.

Hiện nay tại TPHCM có khoảng 38 TTTM, trong đó có đến hàng chục TTTM cao cấp với tổng diện tích khoảng 315.000m2 diện tích sàn. Dự kiến sau năm 2012 sẽ có thêm khoảng 540.000m2 gia nhập thị trường nếu tất cả dự án phát triển TTTM đều hoàn thành.

Trước mắt, sẽ có khoảng 8 dự án phát triển hạng mục TTTM đi vào hoạt động, như The Crescent (quận 7), Sunrise City (quận 7), Times Square (quận 1)... với khoảng 248.000m2 sàn. Tại Hà Nội, các TTTM cũng đang mọc lên như Pico Mall, Savico Megamall… bên cạnh những cái tên quen thuộc như Grand Plaza.

Một điều đáng chú ý là các TTTM rất coi trọng việc chọn vị trí. Thí dụ TTTM được xem vào loại lớn tại Việt Nam hiện nay là Savico Plaza có tổng diện tích sàn xây dựng 63.400m2 với 2 khối công trình hiện đại, được chọn đặt tại quận Long Biên, Hà Nội. Đây là cửa ngõ của thủ đô đi các tỉnh phía Bắc và vùng Đông Bắc.

Việc kết nối TTTM này với các quận, huyện còn lại của Hà Nội như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì bằng cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì cũng rất dễ dàng. Với tính toán kỹ lưỡng như vậy, chủ đầu tư của Savico Plaza kỳ vọng sẽ thu hút được một lượng lớn khách đến tham quan, mua sắm.

Tiềm năng nếu biết khai thác

Việc kéo lượng khách đông đảo đến với các TTTM - nơi thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng trong gia đình từ ăn uống, vui chơi giải trí đến mua sắm - chắc còn là câu chuyện của tương lai gần, khi tình hình kinh tế nói chung có những dấu hiệu sáng sủa hơn.

Tuy nhiên, một thực tế khác cũng cần nhìn nhận là các TTTM cao cấp của nước ta chưa thực sự thu hút được lượng khách du lịch đến thăm quan và mua sắm như một số nước trong khu vực. Đây cũng là những tiềm năng lớn đang bị bỏ ngỏ mà nhiều người gọi là “thu tiền Tây trên đất ta”.

Thời gian qua du lịch Việt Nam vẫn còn vài khiếm khuyết như “chặt chém” du khách trong mùa cao điểm, cảnh quan du lịch còn bị xâm hại, những vụ chìm tàu tại Hạ Long, Bình Dương cũng ảnh hưởng đến du lịch nói chung.

Ông NGUYỄN VĂN TUẤN,
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Những chuyến bay đến Thái Lan hay Singapore của nhiều khách du lịch Việt Nam không còn là những chuyến thăm quan, bởi đó là 2 đất nước đã quá quen thuộc. Đơn giản chỉ là những đợt mua sắm thường kỳ. Người Việt Nam thích qua Thái Lan, Singapore bởi ở đó được gọi là thiên đường mua sắm với những TTTM lớn, hàng hóa phong phú, giá cả lại mềm hơn Việt Nam khá nhiều.

Cảnh khách du lịch tay xách, nách mang ra khỏi các trung tâm mua sắm lớn của Thái Lan hay Singapore đã không còn xa lạ gì với du khách của nhiều nước trên thế giới. Những chương trình khuyến mại của các TTTM cao cấp tại các quốc gia này luôn là những ngày được chờ đợi của nhiều du khách bởi họ có thể mua được nhiều mặt hàng với giả rẻ. Trong khi đó tại Việt Nam, cảnh tượng ấy dường như vẫn còn ở… tương lai. Không ít chương trình khuyến mại, giảm giá mang tính phong trào.

Những mặt hàng được giảm nhiều thường là hàng tồn kho. Cũng có ý kiến cho rằng tại Thái Lan do được Chính phủ trợ giá nên giá cả hàng hóa rẻ, thu hút được đông đảo khách mua. Đây cũng có thể là một gợi ý cho du lịch Việt Nam để có thể thu tiền du khách nước ngoài. Thiếu các khu vui chơi, mua sắm, khách du lịch chỉ còn biết lang thang ngoài phố và dễ dàng bị “chặt chém” khi mua sắm tại các chợ du lịch, như chợ đêm Bến Thành…

Bình quân 1 khách du lịch đến Thái Lan chi tiêu 1.500-2.000USD, tại Singapore 2.000-2.500USD và tại các nước châu Âu 5.000-6.000USD. Trong khi tại nước ta, theo con số tạm thống kê khách du lịch chỉ chi tiêu khoảng 500-1.000USD/người. Đó thực sự là một con số khiêm tốn.

Năm 2011 Việt Nam đặt chỉ tiêu thu hút khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế (trong 8 tháng đã đón gần 4 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu toàn ngành đạt 85.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong kế hoạch trên, chưa thấy Tổng cục Du lịch đặt ra những con số, chiến lược cụ thể để du khách nước ngoài tăng chi tiêu khi đến Việt Nam.

Muốn làm được điều ấy, sự ra đời của nhiều TTTM cao cấp trong thời gian tới phải trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách nước ngoài.

Một thiên đường mua sắm tại Việt Nam liệu sẽ trở thành hiện thực trong thời gian bao lâu? Ngoài sự nỗ lực của chính các chủ đầu tư, các doanh nghiệp còn rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Các tin khác